
Tại TPHCM, liên tục trong những ngày gần đây, tình trạng cúp điện thường xuyên trên diện rộng đã ảnh hưởng không ít đến sinh hoạt của người dân, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp…
Tại Đà Nẵng tình hình cũng không mấy “sáng sủa”, tình trạng cúp điện đột ngột và liên tục ở Đà Nẵng đã khiến cho người dân, các doanh nghiệp hết sức bức xúc. Tệ hơn, ngay cả các bệnh viện lớn cũng bị cắt điện đột ngột, gây lo lắng cho các bác sĩ điều trị, các bệnh nhân vì cúp điện có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh…
TPHCM: Đường tắc vì điện
Chị Nguyễn Thị Dung, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ thực phẩm đang thuê trọ ở phường 13, quận Tân Bình cho hay, đang trong thời kỳ làm luận văn tốt nghiệp mà điện mất thường xuyên, phải đi thuê máy ở những địa bàn không bị cúp điện để đánh máy.
Do toàn bộ khu nhà trọ xài nước giếng nên mỗi lần mất điện thì dãy nhà trọ hàng chục phòng coi như gặp… hạn. Người lớn thì còn xoay xở được, tội nhất là mấy em bé vừa mới sinh nóng quá ngủ không được nên khóc suốt. Nhiều nhà đi mua thêm quạt có lưu điện nhưng cũng chỉ xài được vài giờ. Dưới cái nóng hầm hập của khu nhà trọ mái tôn, nhiều người không chịu nổi phải tìm đến những bóng cây hoặc rủ nhau đi các nhà sách, siêu thị để… trốn nóng.
Không chỉ người dân khổ mà tình trạng cúp điện thường xuyên cũng gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Nhất là các doanh nghiệp sấy khô, đông lạnh, cơ khí, may mặc… Chủ một doanh nghệp chuyên gia công cơ khí tại quận 9 giãi bày, đây đang là cao điểm để doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch năm và thực hiện các hợp đồng giao hàng.
Là doanh nghiệp nhỏ nhưng các loại máy móc cơ khí đều có công suất cao nên việc mua máy phát điện công suất lớn để dự phòng đối với doanh nghiệp rất khó. Doanh nghiệp đã khó, công nhân lại càng khổ. Anh Long, hiện đang làm gia công hàng may mặc trên tại quận Tân Phú than thở, mỗi lần cúp điện công nhân được nghỉ việc. Thu nhập không ổn định (do ăn theo sản phẩm), về nhà trọ thì nóng bức, đi chơi thì tốn tiền...
Tình trạng mất điện cũng khiến cho hàng loạt tuyến đường bị kẹt xe do hệ thống tín hiệu giao thông bị tê liệt. Một cán bộ CSGT cho biết, lực lượng CSGT không thể đủ để điều tiết tại tất cả các giao lộ nên khi đèn tín hiệu giao thông không hoạt động thì rất dễ xảy ra kẹt xe.
Đà Nẵng: Dân khát, bệnh viện dời lịch mổ

Điện cúp đột ngột, mọi hoạt động bốc dỡ ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) phải ngưng trệ. Ảnh: Nguyễn Hùng
Liên tục từ ngày đầu tháng 7-2008 đến nay, tại Đà Nẵng đã liên tục xảy ra cúp điện trên diện rộng. Hàng loạt doanh nghiệp (DN) sản xuất điêu đứng vì bị mất điện không được báo trước. Ông Tsai Jung Yuan – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa (đóng tại KCN Hòa Khánh), bức xúc: Riêng đơn vị chúng tôi chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày đã bị cúp điện đến 5 lần. Tất cả đều không báo trước.
Điều này đã gây thiệt hại rất lớn cho đơn vị; gần 2.500 công nhân của công ty phải ngưng việc; những khách hàng lớn của công ty, như: Sonny, Samsung, Motorola… đã phản ứng gây gắt vì sự chậm trễ giao hàng. Chúng tôi phải chịu bồi thường sự thiệt hại cho khách hàng. Điều đáng nói ở đây là mặc dù công ty đã có thư kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng, Điện lực Đà Nẵng giải đáp thắc mắc và có biện pháp khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa có sự hồi âm nào. Chúng tôi hiện rất lo lắng vì không biết tình trạng này sẽ còn tiếp diễn đến khi nào.
Do cúp điện thường xuyên nên hiện nay các mặt hàng có tính năng lưu điện (sạc pin hoặc ắc quy) được rất nhiều ưa chuộng. Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP 12 Giờ, các thiết bị có thể sử dụng khi cúp điện như đèn sạc, quạt sạc. Đèn sạc thường có thời gian sử dụng khoảng 2 giờ nếu sạc đủ điện. Gần đây còn có thêm quạt sạc (có gắn thêm bình sạc) không chỉ dùng để quạt mát mà còn có thêm các chức năng gắn thêm từ 1- 2 bóng đèn chiếu sang, có loại còn có radio được nhiều người chọn mua. Các mặt hàng máy phát điện có công suất 1-5kW cũng bán rất chạy. |
Theo một cán bộ của Ban quản lý các KCN và KCX Đà Nẵng, tình trạng này đã làm ảnh hưởng đến hàng trăm DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại các KCN, KCX. Đến nay, đã có 7 DN đã có đơn kiến nghị gởi lên Ban quản lý nhờ can thiệp và có hướng giải quyết tình trạng cúp điện đột ngột. Các DN đều có thái độ thông cảm, chia sẻ với ngành điện trong tình trạng thiếu điện như hiện nay. Nhưng họ chỉ mong ngành điện phải có thông báo trước từ 2-3 ngày để tránh những thiệt hại về kinh tế, chủ động trong sản xuất…
Tại cảng Đà Nẵng, ông Trần Cao Thiên, Giám đốc Xí nghiệp xếp dỡ Tiên Sa, cho biết: “Cắt điện đột xuất trong lúc cẩu hàng từ tàu xuống, hoặc ngược lại, thì không chỉ hàng, dàn cẩu của chúng tôi bị mắc kẹt, chết đứng mà tàu của khách hàng cũng không thể ra vào cảnh được. Hệ lụy là trễ lịch hải hành, vỡ hợp đồng...
Đặc biệt, nhiều container hàng thủy hải sản đông lạnh, chúng tôi buộc khách hàng phải chở ngược về doanh nghiệp họ để bảo quản nếu không sẽ bị thối rữa ngay”. Ông Thiên cho biết, khách hàng kêu trời nhưng chúng tôi cũng đành chịu bởi hệ thống dàn cẩu cần dòng điện công suất cao mới vận hành được, trong khi máy nổ dự phòng cũng chỉ cung ứng cho một số container hàng đông lạnh thôi.
Điện bị cúp sẽ kéo theo mất nước và người bị “hành” nhiều nhất vẫn là người dân, đặc biệt là những hộ dân sống tại các khu chung cư (KCC). Để có nước để sinh hoạt trong ngày, từ sáng sớm, người dân KCC Bình An (phường Hòa Cường Nam, Hải Châu), phải tranh thủ xách từng chiếc xô, chậu đi tìm nước. Tưởng chúng tôi là nhân viên điện, nước, chị Nguyễn Thị Hương (tầng 5, KCC Bình An), xổ một tràn: “Mấy ông làm ăn kiểu chi đấy hả? Trời nắng nóng thế này mà suốt ngày hết cắt điện lại cúp nước. Để cho chúng tôi sống với nữa chứ”.
Qua trao đổi chúng tôi được biết, để có nước cho 5 người trong gia đình sinh hoạt, 5g sáng chị Hương phải xuống tận tầng một của KCC để xách từng xô nước một lên đến tầng tận tầng 5. Một số hộ khá giả hơn một chút thì mua nước bình để nấu ăn, còn nước xách từ tầng một lên thì phải chia nhau mỗi người một ít để tắm rửa. “Khi tắm, chúng tôi phải lấy thau hứng ở dưới để lấy nước giội nhà vệ sinh. Tình hình mà kéo dài mãi thế này chắc chịu không nổi”, chị Hương bức xúc nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Ba - Giám đốc Xí nghiệp Sản xuất nước Đà Nẵng không khỏi trăn trở: “Không có nước cung cấp cho nhân dân, chúng tôi là người bị thiệt hại nhiều nhất. Thậm chí, uy tín đối với khách hàng của chúng tôi bị giảm sút nghiêm trọng. Nhưng các anh thử nghĩ xem, nguồn điện cứ lúc có, lúc không như vậy chúng tôi biết làm sao?”.
Trong ngày hôm qua (23-7) tình trạng cúp điện đã diễn ra tại một số bệnh viện lớn ở Đà Nẵng. Hiện tại, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đà Nẵng phải sử dụng nguồn điện từ máy phát, nhưng tại các khoa khác thì hầu như không có điện. Do đó, một số ca mổ phải lui lại để “chờ” có điện mới được tiến hành.
Tương tự, tại Khoa Nhi, có rất nhiều trẻ em đang điều trị nhưng các quạt mát, máy lạnh lại không hoạt động được (vì không có điện) nên đa số các bậc phụ huynh phải đưa trẻ ra ngoài hành lang để hóng mát. Dọc theo hành lang phía trước của bệnh viện, có hàng ngàn người nhà và bệnh nhân phải đứng ngồi la liệt.
Theo báo cáo của PC3 (đơn vị quản lý ngành điện ở các tỉnh, thành miền Trung – Tây Nguyên) với đoàn công tác liên bộ, gồm: Bộ Tài chính, Công thương, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) trong ngày 22-7, dù đã có nhiều cố gắng, nhiều giải pháp khắc phục tình trạng cắt điện bất thường, song vẫn không tránh khỏi gây thiệt hại cho khách hàng trong những điều kiện bất khả kháng. Thời gian qua, PC3 đã huy động 78 tổ máy diesel với công suất khả dụng 30,7MW, cho sản lượng 2.850kWh; hàng loạt thủy điện vừa và nhỏ cũng được huy động trên 189.000kWh góp phần giải quyết bức xúc thiếu điện. Tuy vậy, tình trạng khó khăn do thiếu điện và “chập chờn” mất điện, cắt điện không báo trước sẽ vẫn còn tiếp diễn đến quá nửa tháng 8-2008. |
NHÓM PV