Cứu... doanh nghiệp bán lẻ nội

Ngày 28-6, tại diễn đàn “Rủi ro chính sách đối với doanh nghiệp (DN) bán lẻ”, nhiều DN bức xúc cho rằng, nếu bỏ qua yếu tố năng lực quản trị, vốn đầu tư, mức độ am hiểu thị trường thì DN bán lẻ nội vẫn thua ngay trên sân nhà. Nguyên nhân là do nhiều địa phương đang có những ưu đãi quá mức cho DN bán lẻ ngoại, trong khi DN bán lẻ nội mới là đối tượng cần được hưởng.
Cứu... doanh nghiệp bán lẻ nội

Ngày 28-6, tại diễn đàn “Rủi ro chính sách đối với doanh nghiệp (DN) bán lẻ”, nhiều DN bức xúc cho rằng, nếu bỏ qua yếu tố năng lực quản trị, vốn đầu tư, mức độ am hiểu thị trường thì DN bán lẻ nội vẫn thua ngay trên sân nhà. Nguyên nhân là do nhiều địa phương đang có những ưu đãi quá mức cho DN bán lẻ ngoại, trong khi DN bán lẻ nội mới là đối tượng cần được hưởng.

Các siêu thị vốn đầu tư ngoại đang phát triển mạnh mẽ ở TPHCM (Ảnh: HÙNG NGUYỄN)

“Bỏ quên” rào cản kỹ thuật ENT

Công cụ đánh giá nhu cầu và hiệu quả kinh tế (ENT) được xem là rào cản kỹ thuật để bảo vệ DN bán lẻ nội trong thời mở cửa hội nhập. Theo đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) muốn kinh doanh ngành nghề bán lẻ và mở địa điểm bán lẻ (có diện tích trên 500m2) thì ngoài việc đăng ký giấy phép kinh doanh thông thường, phải xin và được cấp thêm giấy phép khác là giấy phép mở địa điểm bán lẻ. Việc cấp phép từ siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) thứ hai trở đi phải được các địa phương đánh giá nhu cầu và hiệu quả kinh tế (ENT) mới cho phép mở. Tuy nhiên, do thực trạng chạy đua thu hút FDI, nhiều tỉnh, thành đã bỏ qua quy định này, thậm chí bỏ qua cả yếu tố an toàn môi trường. Trường hợp hệ thống Metro, BigC kinh doanh thua lỗ qua nhiều năm nhưng không ngừng mở rộng hệ thống phân phối hoặc đang bị điều tra chuyển giá, nợ thuế… chứng tỏ chính quyền nhiều địa phương đã không thực hiện tốt công cụ ENT, hay nói đúng hơn là chúng ta không nắm được, không kiểm soát được hoạt động kinh doanh của DN bán lẻ ngoại.

Ở một góc độ khác, hơn 50% trong tổng số 500 DN được Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) lấy ý kiến khảo sát cho biết, có sự ưu đãi quá nhiều cho các DN bán lẻ FDI. Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết đã có những trường hợp cùng một mặt bằng, Saigon Co.op tham gia đàm phán với chính quyền địa phương trước, nhưng kết quả vẫn giao cho DN bán lẻ ngoại đầu tư siêu thị. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội nhà bán lẻ Việt Nam, nhấn mạnh thêm, không chỉ ưu đãi mặt bằng, DN bán lẻ ngoại còn được ưu đãi giản thuế, giảm thuế khi đầu tư…  Trong khi, DN bán lẻ nội hoàn toàn không được áp dụng những chính sách ưu đãi này. Còn về vốn đầu tư, phải nhìn nhận thực tế rằng DN nội luôn yếu thế về vốn, nhưng chưa có bất kỳ gói hỗ trợ vốn nào được Chính phủ thiết kế riêng cho lĩnh vực này giống như gói hỗ trợ vốn bất động sản.

Những giải pháp cần triển khai gấp

Cũng theo ông Phạm Trung Kiên, tình hình hiện nay, DN bán lẻ khối ngoại đang thâm nhập nhanh, mạnh và tấn công không ngừng nghỉ. Tổng doanh thu DN bán lẻ khối ngoại trên kênh bán lẻ hiện đại đã chiếm hơn 45.000 tỷ đồng, chiếm hơn 58%; khối nội chỉ đạt khoảng 32.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được xem trọng như hiện nay, kênh bán lẻ hiện đại sẽ là xu hướng tất yếu, thay thế dần kênh bán hàng truyền thống, thì tính đến năm 2020, doanh thu DN khối ngoại sẽ đạt 187.500 tỷ đồng, chiếm gần 72,4%, DN bán lẻ khối nội chỉ còn 27,6%. Thu hút FDI ở một khía cạnh nào đó rất quan trọng trong việc tạo  động lực phát triển kinh tế, nhưng với chính sách thiên lệch ưu đãi đầu tư theo hướng có lợi cho DN ngoại sẽ vô tình triệt tiêu DN nội vốn đã yếu về vốn. Đây là điều cần phải xem xét lại.

Các nghiên cứu của VCCI nhấn mạnh, để hỗ trợ DN bán lẻ nội phát triển, có 4 vấn đề cốt lõi phải giải quyết là nguồn cung hàng hóa, lao động, mặt bằng và vốn. Nhà nước hoàn toàn có thể tham gia can thiệp về mặt chính sách mà không vi phạm những cam kết trong các hiệp định thương mại. Cụ thể, với nguồn cung hàng hóa, những giải pháp chính sách mà Nhà nước có thể can thiệp tại phân khúc này là phải tăng cường đầu tư kho trung chuyển, tận dụng ưu thế giao thông thủy, giảm chi phí đường bộ không cần thiết, để giảm chi phí logistics cho DN nội. Về lao động, Nhà nước có thể can thiệp bằng cách hỗ trợ DN bán lẻ nội nâng chất và chuẩn hóa đội ngũ thông qua chính sách tăng cường đầu tư cho giáo dục. Riêng khâu mặt bằng, đây là vấn đề sống còn với mỗi DN bán lẻ, Nhà nước có thể hỗ trợ bằng những quy định điều chỉnh về chính sách thuế, chính sách hạ tầng theo hướng ưu tiên hơn cho DN nội và đặc biệt buộc các địa phương phải thực hiện chặt chẽ công cụ ENT, tránh tình trạng chạy đua thu hút vốn FDI bằng mọi giá. Trên lĩnh vực vốn, Nhà nước không thể trực tiếp hỗ trợ vốn cho DN nội vì trái cam kết theo các hiệp định thương mại, nhưng hoàn toàn có thể tham gia bằng cách thiết kế gói vốn vay phù hợp cho ngành bán lẻ nội địa. Nếu những giải pháp trên được thực hiện ngay cũng đã là khá muộn, nhưng muộn còn hơn không! Bởi lẽ, nếu không rà soát thắt chặt chính sách thu hút đầu tư, triệt để tận dụng những rào cản kỹ thuật để hỗ trợ DN nội phát triển, thì chỉ trong vòng 5 năm tới, thị trường bán lẻ nội địa sẽ bị DN khối ngoại thâu tóm.

Trong quy định đối với ngành bán lẻ nói chung, có 7 loại sản phẩm không được bán trong hệ thống phân phối bán lẻ (ngoại trừ hệ thống Metro). Đây là cam kết phải thực hiện khi Việt Nam gia nhập WTO. Thế nhưng, tại nhiều hệ thống bán lẻ ngoại tại một số tỉnh, thành vẫn được ưu tiên bán những loại sản phẩm này.

 ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục