Cửu Phẩm Liên Hoa trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam

Cửu Phẩm Liên Hoa trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam

Cửu Phẩm Liên Hoa là một dạng công trình kiến trúc tôn giáo đặc biệt chỉ có ở Việt Nam. Đến nay, trên cả nước chỉ còn 3 tòa Cửu Phẩm Liên Hoa tồn tại. Nghiên cứu dạng thức công trình đặc trưng của Phật giáo Việt Nam này có thể cho thấy những nét phát triển độc đáo không chỉ trong tôn giáo mà còn ở kỹ thuật kiến trúc, văn hóa tâm linh của người Việt xưa.

Đó chính là suy nghĩ và mong muốn của thạc sĩ văn hóa dân gian Trang Thanh Hiền khi thực hiện cuốn sách Cửu Phẩm Liên Hoa trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam, NXB Thế giới cùng Nhà sách Cửu Đức và Công ty Từ Văn Books phối hợp xuất bản và giới thiệu.

Tác giả đã tiếp cận với ba trường hợp Cửu Phẩm Liên Hoa còn tồn tại nguyên vẹn tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Động Ngọ và chùa Giám (Hải Dương) có niên đại thế kỷ 17. Đây là một loại pháp khí, hình tháp nội tiếp trong một nhà phẩm thông ba tầng, mỗi tầng bốn mái. Tháp được thiết kế hình lục lăng hoặc bát giác với chín tầng hoa sen gắn liền trên một cái trục nối từ đất đến trần của tòa nhà. Sự xuất hiện của các tòa tháp đẹp nhất, bền nhất như vậy cho thấy sự hưng thịnh của Phật giáo thời kỳ này đồng thời cũng chứng tỏ sự phát triển vượt bậc về kỹ thuật kiến trúc thế kỷ 17.

Theo tác giả Trang Thanh Hiền, Cửu Phẩm Liên Hoa vốn có nguồn gốc sâu xa từ các nghi thức vừa hành lễ vừa cầu kinh lại đồng thời quay một vật gì đó như con lắc, quả chuông, tòa tháp, từ đó giúp cho lời kinh được phát tán vào trời đất. Tuy nhiên, dạng thức Cửu Phẩm Liên Hoa vốn được hình tượng hóa lên từ kinh Phật nhưng lại chỉ được tìm thấy trong nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

Sách được chia làm ba chương, chương đầu dành để nói về lịch sử hình thành loại hình kiến trúc này vào thế kỷ 17. Chương hai khảo sát cụ thể về hình tượng, biểu tượng và nghệ thuật kiến trúc của 3 ngôi tháp gỗ còn nguyên vẹn đến ngày nay. Chương cuối, tác giả đã đưa ra các giải thích về ý nghĩa tồn tại của tháp cũng như đặt chúng trong sự so sánh đối chiếu với các loại hình kiến trúc khác của Phật giáo thế giới, từ đó khẳng định tính độc đáo của loại hình tháp Cửu Phẩm Liên Hoa trong nghệ thuật kiến trúc, tư tưởng của Phật Việt Nam cũng như thế giới.

XUÂN THÂN

Tin cùng chuyên mục