Qua thăm khám và các kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé bị phù phổi cấp, suy hô hấp do biến chứng tay chân miệng. Bệnh nhi nhanh chóng được các y bác sĩ cho thở máy, truyền Gamma globulin (huyết thanh)... Sau 2 ngày điều trị tích cực, bé gái dần hồi phục và sức khỏe ổn định.
Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh tay chân miệng đang vào mùa và số ca nặng tăng đáng kể. Nếu phát hiện trẻ sốt cao liên tục, biếng ăn, chảy nước miếng nhiều, dù bàn tay và chân không có hồng ban bóng nước, phụ huynh cũng nên nghĩ đến tay chân miệng. Đôi khi chỉ với một biểu hiện cũng vẫn có nguy cơ trở nặng độ 3-4, ảnh hưởng đến thần kinh, hô hấp và trụy tuần hoàn khó lường. Bên cạnh đó, phụ huynh cần theo dõi, thấy trẻ có các biểu hiện sau thì cần đưa đến bệnh viện thăm khám sớm: sốt cao; thở bất thường; quấy khóc liên tục; khó ngủ hoặc ngủ li bì; ngủ gà; chới với; hay giật mình; ngồi không vững hoặc đi loạng choạng; run tay chân; co giật; vã mồ hôi; nôn ói nhiều; bỏ ăn, bỏ bú; da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái.