Ngày 26-11, Báo SGGP phối hợp với Sở KH-CN TPHCM tổ chức hội thảo “Giải pháp cứu chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai”. Tại hội thảo, một lần nữa thực trạng ô nhiễm lại được các chuyên gia cảnh báo ở mức độ hết sức nghiêm trọng và đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường của hệ thống sông này.
Nước thải gây ô nhiễm nghiêm trọng
|
Phát biểu mở đầu hội thảo, đồng chí Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên, Tổng Biên tập Báo SGGP, nêu rõ: Sài Gòn - Đồng Nai là một trong những hệ thống sông lớn hàng đầu của nước ta, chảy qua 11 tỉnh, thành, có tác động trực tiếp đến khoảng 20 triệu người, trong đó có gần 10 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc tại TPHCM. Phần lớn lưu vực của hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đã và đang phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm hết sức nặng nề. Đồng chí Nguyễn Tấn Phong cho biết: “Trước những yêu cầu bức thiết từ thực tế cuộc sống, từ những phản ánh của bạn đọc và những trăn trở của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia về nước và môi trường, Báo SGGP đã thực hiện loạt bài Sông Sài Gòn - Đồng Nai đang “chết”! Loạt bài được đăng tải liên tục trên các số báo ra ngày 18, 19, 20, 21, 22-11-2013 đã nhận được sự hưởng ứng của dư luận, sự đồng tình của giới chuyên môn và sự chia sẻ của các cơ quan truyền thông đại chúng”. Việc tổ chức hội thảo “Giải pháp cứu chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai” là một đóng góp của Báo SGGP cùng Sở KH-CN với các cơ quan chức năng, giới chuyên môn và cộng đồng trong việc bảo vệ, gìn giữ những giá trị to lớn của hệ thống sông này.
Tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia TPHCM, nhấn mạnh, chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai hiện nay đang bị suy giảm mạnh. Nồng độ các chất như chì (Pb), Cadimi (Cd), hàm lượng sắt, dầu và oxy hóa luôn vượt tiêu chuẩn cho phép gần 10 lần. Cá biệt, nồng độ Coliform trên sông Đồng Nai đo được dao động từ 230 - 240.000 MPN/100ml, vượt tiêu chuẩn cho phép đến hàng trăm lần. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước sông là nước thải sinh hoạt, chiếm gần 90% tổng lượng chất thải bị thải ra sông. Số còn lại là do nước thải từ hoạt động sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, các bãi chôn lấp rác, hoạt động giao thông đường thủy và bệnh viện.
Vấn đề gây lo ngại nhất hiện nay là đoạn sông nơi lấy nước thô phục vụ sinh hoạt của hai nhà máy nước là Tân Hiệp (công suất hiện tại khoảng 300.000m³/ngày, lấy nước tại trạm bơm Hòa Phú) và Nhà máy nước Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương (công suất hiện tại khoảng 30.000m³/ngày), chất lượng nước không đạt quy chuẩn.
Thủy điện làm giảm sản lượng nước
Việc hình thành quá nhiều thủy điện ở cả nhánh chính và nhánh phụ đang gây nên những tác hại lớn cho môi trường hệ thống lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai. Theo GS-TS Tăng Đức Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, hiện trên dọc hệ thống sông chính và nhánh của sông Đồng Nai có 15 nhà máy thủy điện lớn đang hoạt động. Cụ thể, hồ Đa Nhim, hồ Đại Ninh, Đồng Nai 1, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đồng Nai 5, Đồng Nai 6, Đồng Nai 8, hồ Dầu Tiếng, Trị An, hồ Thác Mơ, hồ Cần Đơn, hồ Srok Fu Miêng, hồ Phước Hòa. Hiện còn một số thủy điện khác đã được phê duyệt và đang xây dựng. Nếu xét cái lợi của thủy điện thì đó là nguồn cung cấp năng lượng rẻ, ổn định; giúp đảm bảo cấp nước đủ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; đẩy mặn vào mùa khô. Hơn nữa, các hồ chứa thủy điện có khả năng cắt lũ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng tồn tại những tác hại như gây ra hiện tượng lũ chồng lũ, kiệt nước vào mùa khô càng kiệt hơn...
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường, cho biết, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sự hình thành quá nhiều thủy điện đã gây nên các tác động tiêu cực đối với chế độ thủy văn của sông, hồ tại lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Đơn cử như việc hình thành các thủy điện với các hồ chứa phía thượng lưu bao gồm các hồ Thác Mơ (dung tích 1.370 triệu m³, vận hành từ năm 1995), Cần Đơn (160 triệu m³, vận hành từ năm 2003), Srok Phu Miêng (28 triệu m³, vận hành từ cuối năm 2006), hồ Phước Hòa (đang xây dựng)... đã làm giảm mực nước mặt trên sông Đồng Nai. Tình trạng này sẽ rất dễ gây thiếu hụt nguồn nước phục vụ hoạt động sản xuất, sinh hoạt, nông nghiệp... GS-TS Tăng Đức Thắng thể hiện sự đồng tình khi cho biết, hàng năm, ước tính lượng nước cho sinh hoạt khoảng 1.500 triệu m³, cho công nghiệp khoảng 850 triệu m³, cho tưới khoảng 7.770 triệu m³. Nhu cầu nước cho các lĩnh vực vẫn đang gia tăng. Thêm vào đó, nước cho môi trường, nước để duy trì chất lượng các điểm nguồn cấp đều ở mức lớn. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, đối với những năm ít nước, khả năng thiếu nước rất lớn.
Cân bằng lợi - hại để phát triển kinh tế
GS-TS Nguyễn Văn Phước cho biết thêm, ô nhiễm nước sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người dân trong lưu vực cũng như đối với các nhà máy xử lý nước cho sinh hoạt. Để cứu chất lượng nguồn nước sông này, giải pháp đầu tiên là phải đẩy mạnh công tác kiểm soát các nguồn thải. Phối hợp giữa các tỉnh thành liên quan như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… rà soát, phân loại và xác định những điểm nóng ô nhiễm, nhất là tại khu vực lấy nước cấp sinh hoạt. Từ đó, xây dựng những giải pháp ưu tiên bảo vệ chất lượng nguồn nước tại những khu vực này. Kế đến là điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế xã hội liên quan đến xả nước thải ra sông, hạn chế các ngành nghề, khu công nghiệp có mức phát thải ô nhiễm cao về lưu lượng và tải lượng. Hoàn thiện mạng lưới thu gom nước thải và rác thải đô thị; đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị vì đây là nguồn gây ô nhiễm nhiều nhất, đặc biệt ưu tiên phía thượng nguồn.
Còn theo GS-TS Tăng Đức Thắng, bất cứ sự phát triển kinh tế nào cũng có sự trả giá nhất định. Và việc phát triển hệ thống thủy điện dọc sông Sài Gòn - Đồng Nai cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, phải thấy rằng, những cái hại trong thủy điện không phải do thủy điện mà do chính con người sử dụng, quản lý và vận hành các hồ chứa. Họ đã không tuân thủ đúng quy định tích, xả nước lũ. Diện tích rừng bị phá để xây dựng hồ chứa thủy điện nhưng không được các chủ đầu tư phục hồi, bù đắp theo đúng cam kết. Bộ Công thương hoặc các tỉnh thành đã quản lý lỏng lẻo, cấp phép cho một số nhà máy thủy điện nhỏ xây dựng không đảm bảo các yêu cầu về mặt kỹ thuật... Do vậy, để khắc phục những cái hại này, phải xây dựng quy trình vận hành tích, xả lũ thích hợp đối với các hồ chứa, đập thủy điện. Quy trình này sẽ được tích hợp với mạng lưới dự báo, cảnh báo sớm. Muốn làm được thế, về phía cơ quan chức năng cũng phải nghiên cứu, cân bằng được lợi ích kinh tế giữa các chủ đầu tư thủy điện; kiên quyết loại bỏ những thủy điện nhỏ, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Đặc biệt, xử lý thật mạnh tay, truy cứu trách nhiệm với những nhà máy thủy điện xả lũ sai quy định.
PGS-TS Phùng Chí Sỹ nhấn mạnh, cần phòng ngừa, giảm thiểu và ngăn chặn suy thoái môi trường. Kết hợp từng bước xử lý, khắc phục các điểm nóng ô nhiễm môi trường trên lưu vực, đặc biệt những điểm và nguồn nước được sử dụng cho mục đích cấp nước. Đối với các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp cần thiết phải thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm bảo đảm đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn bằng cách kêu gọi sự đầu tư của các nhà đầu tư hay quỹ tài trợ để có một nguồn tài chính vững mạnh phục vụ các dự án cải thiện chất lượng môi trường sông. Không dừng lại ở đó, chúng ta cần phải đẩy mạnh các giải pháp công trình và phi công trình, chẳng hạn như phát triển diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển.
Rõ ràng, để cứu chất lượng nước hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, cần có nhiều giải pháp tổng hợp và đồng bộ. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ cao để tăng cường quan trắc và kiểm soát chất lượng môi trường là rất cần thiết. Nhưng trên hết, vẫn là sự đồng lòng, quyết tâm vào cuộc của lãnh đạo 11 tỉnh, thành mà hệ thống sông này chảy qua với sự chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ. Có như vậy, hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai mới tránh khỏi nguy cơ bị khai tử trong tương lai.
| |
NHÓM PV KINH TẾ