Quốc hội Thái Lan (NLA) ngày 23-1 đã buộc tội cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, hồi tố quyết định cách chức thủ tướng của bà, đồng thời cấm bà Yingluck hoạt động chính trị trong 5 năm.
Động cơ chính trị?
Theo Bangkok Post, với 190 phiếu thuận, 18 phiếu chống, 8 phiếu trắng và 3 phiếu không hợp lệ, NLA đã thông qua quyết định chính thức về sự nghiệp chính trị của bà Yingluck Shinawatra. Trong 2 cuộc bỏ phiếu sau đó, cựu Chủ tịch Thượng viện Nikom Wairatpanij và cựu Chủ tịch Hạ viện đã không đủ số phiếu bị luận tội trước cáo buộc vi phạm Hiến pháp khi chủ trì cuộc họp của NLA về việc sửa đổi các điều khoản của Hiến pháp. Để bị luận tội, cần tối thiểu 3/5 tổng số 220 phiếu tại Quốc hội, tương đương 132 phiếu.
Bà Yingluck Shinawatra điều trần trước phiên bỏ phiếu của Quốc hội Thái Lan.
Phiên luận tội bà Yingluck và 2 cựu lãnh đạo Quốc hội diễn ra theo yêu cầu của Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC). NACC cáo buộc bà Yingluck Shinawatra xao nhãng nhiệm vụ chống tham nhũng và thất bại trong chương trình thu mua lương thực của Chính phủ Thái Lan giai đoạn 2011-2014, trong đó bà là Chủ tịch Ủy ban chính sách lúa gạo quốc gia. Bộ Tài chính Thái Lan cho biết chương trình này gây thiệt hại 500 tỷ baht. Trước đó, tại phiên điều trần trước phiên bỏ phiếu luận tội, bà Yingluck cho rằng việc cấm bà hoạt động chính trị là “vi phạm quyền cơ bản của bà” và việc luận tội bà “mang động cơ chính trị”.
Tranh cãi tiếp tục kéo dài
Phương tiện truyền thông xã hội Thái Lan tràn ngập thông tin về phiên luận tội bà Yingluck với cả những ý kiến ủng hộ lẫn phản đối. Theo The Nation, những người ủng hộ phiên luận tội cho rằng đây là bước cần thiết hướng tới cải cách quốc gia, trong khi những người phản đối xem đây là sự bất công với bà Yingluck.
Các nhà phân tích thì cho rằng dù sao đi nữa, kết quả phiên bỏ phiếu cho thấy chia rẽ tiếp tục gia tăng trong xã hội Thái Lan. Reuters dẫn lời ông Paul Chambers, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Đông Á thuộc Đại học Chiang Mai, cho rằng: “Nói cho cùng, đây là vấn đề gây chia rẽ trong xã hội giữa những người ủng hộ và chống gia đình Thaksin”.
Báo The Nation cho biết, Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC), đơn vị tổ chức các cuộc biểu tình đường phố chống lại chính phủ của bà Yingluck, ngay trước phiên luận tội bà Yingluck đã kêu gọi các thành viên NLA làm việc bằng lương tâm của mình để chứng minh rằng đạo đức và luân lý vẫn còn tồn tại trong xã hội Thái Lan. PDRC cho rằng bà Yingluck không trả lời thỏa đáng trước những cáo buộc của NACC.
Trong khi đó, lãnh đạo lực lượng Áo đỏ Kwanchai Praipana cho rằng bà Yingluck là nạn nhân mới nhất của những người thân thiết với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, là nạn nhân của “đàn áp chính trị”.
Một chính trị gia từ đảng Pheu Thai của bà Yingluck, ông Somkid Chueakong, dự báo cử tri sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho đảng này trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới sau khi bà Yingluck bị buộc tội. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan ngày 22-1 đã chỉ trích một số nhà lãnh đạo Áo đỏ vì đã cảnh báo rằng quyết định buộc tội bà Yingluck có thể dẫn đến cuộc tắm máu, bạo loạn. “Nói như vậy là không tốt cho đất nước, mà hiện nay đang tiến triển tốt”.
Theo ông Prawit, chính phủ đã không tìm cách trả thù hay hành động chống lại bất cứ ai mà chỉ giải quyết các vấn đề của đất nước, giúp đất nước đi lên.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã kêu gọi những người ủng hộ bà Yingluck không nên kéo về thủ đô Bangkok trong tuần này vì lo ngại tái diễn bạo lực đường phố vốn xảy ra nhiều lần trong những năm gần đây. Thái Lan hiện vẫn còn áp đặt thiết quân luật, theo đó cấm các cuộc tụ họp công cộng.
THỤY VŨ (tổng hợp)