Vào những ngày cuối cùng của năm 2013, Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM ra mắt cuốn kỷ yếu Cựu tù chính trị và tù binh TPHCM - Nhân vật và sự kiện do NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản.
Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, đã có rất nhiều các tác phẩm điện ảnh, các công trình nghiên cứu về cựu tù chính trị và tù binh, tuy nhiên vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu khái quát về hệ thống nhà tù tại Nam bộ - Sài Gòn trong giai đoạn hai cuộc kháng chiến và cũng chưa có công trình nào ghi dấu các cán bộ chiến sĩ, người yêu nước bị địch giam cầm tù đày ở đây. Trong khi đó, theo thời gian, lực lượng cựu tù chính trị và tù binh đang ngày càng ít đi do tuổi cao sức yếu (75 tuổi trở lên chiếm 85%). Chính trong bối cảnh đó, mong muốn có một cuốn kỷ yếu về các cựu tù chính trị và tù binh hiện đang sống ở TPHCM là một khát khao cháy bỏng trong lòng những người cựu tù cũng như với những ai quan tâm đến một giai đoạn đầy hào hùng của dân tộc.
Nỗ lực thực hiện cuốn kỷ yếu được bắt đầu từ năm 1999, tuy nhiên vì nhiều lý do đã không thành công. Đến năm 2002, chương trình mới được khởi động lại và đến nay mới hoàn tất. Cuốn sách là một công trình công phu, dày hơn 1.500 trang, in 4 màu, chia làm 4 phần chính. Phần 1 tập hợp những bài viết, phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về các cựu tù chính trị và tù binh. Phần 2 giới thiệu đến bạn đọc mạng lưới điều tra khai thác và hệ thống các nhà giam tại khu vực Nam bộ - Sài Gòn trong thời kỳ thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cùng tay sai. Một điều đáng chú ý là ở phần này, có các bài viết nghiên cứu, bài viết của các cựu tù phân tích những âm mưu cũng như thủ đoạn của thực dân, đế quốc đối với tù chính trị và tù binh. Nhiều chi tiết độc đáo, mới lạ từ những nhân chứng lịch sử đã làm sáng tỏ sự tàn bạo của kẻ thù đối với các chiến sĩ cách mạng khi đó. Phần 3 cũng là phần chính của cuốn sách với danh sách các cựu tù chính trị và tù binh ở 24 quận, huyện tại TPHCM. Có khoảng hơn 10.000 cựu tù được nêu danh trong sách với các thông tin như hình ảnh, họ tên, thời điểm bị bắt, tự do, những nơi giam giữ, địa chỉ cư trú hiện nay. Với những thông tin này, kỷ yếu sẽ là tư liệu lịch sử quan trọng lưu lại cho các thế hệ mai sau về những con người đã góp phần làm nên lịch sử hào hùng vẻ vang của dân tộc. Phần 4 gồm các bài viết giới thiệu quá trình hình thành ban liên lạc và một số hình ảnh về các hoạt động của các cựu tù, các bài viết, bài thơ do các cựu tù sáng tác trong chốn lao tù năm xưa…
Nhận xét về cuốn kỷ yếu, đồng chí Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cho biết: “Hình ảnh và tên tuổi của các đồng chí tù chính trị và tù binh không chỉ thể hiện trong phạm vi kỷ yếu này mà sẽ tồn tại mãi mãi, khắc ghi sâu đậm trong trái tim, khối óc của mỗi người dân”.
TƯỜNG VY