"Quê tôi ở Cà Mau - vùng đồng lầy, nước đọng nên chỉ vào mùa khô, các ấp, các xã mới tổ chức đá bóng. Bà con trong vùng mê bóng đá lắm, phần thưởng cho đội giành hạng nhất có khi là con heo nặng hàng trăm ký. Hồi nhỏ, nhà nghèo, tôi cùng bạn bè trang lứa thường lấy trái dừa điếc khô gọt vỏ, hoặc lá chuối quấn tròn thay quả bóng để chơi trên đồng ruộng “, ông Trần Lai (Trần Tương Lai) đã mở đầu “cái nghiệp” đá bóng của mình bằng một kỷ niệm thời niên thiếu như vậy. Năm 18 tuổi, ông đi bộ đội.

Hậu vệ Trần Lai (hàng đứng, người thứ 4, từ phải) trong đội hình ĐT Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu thập niên 60.
Ngày nào không hành quân, ông lại cùng đồng đội quần thảo quả banh da trên những khu rừng sình lầy của vùng đất U Minh. Tập kết ra Bắc, ông được điều về đội Thể Công rồi sang Trường Huấn luyện, khoác áo ĐT bóng đá Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến khoảng cuối năm 1966.
Trong những chuyến thi đấu tập huấn hoặc giải quốc tế diễn ra ở Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Rumania, Hungari, Mông Cổ, Indonesia…, với vóc dáng khỏe khoắn, đen đúa, thi đấu dũng mãnh, hậu vệ Trần Lai từng làm cho nhiều tiền đạo đối phương chùn chân, ngán ngại và được giới hâm mộ thời đó đặt cho biệt danh thân thương là “Lai trâu lăn”.
Năm 1967, ông sang Hungari học Đại học TDTT (chuyên ngành bóng đá). Trở về nước, ông lần lượt huấn luyện cho các đội Tổng cục Bưu điện (hạng 2 toàn miền Bắc năm 1974), Bưu điện miền Nam, Công nhân Hóa chất, Xây lắp Công nghiệp và Sở Công nghiệp TPHCM (hạng 3 giải vô địch quốc gia năm 1984 rồi lên ngôi á quân năm 1985). Cuối năm 1985, ông chuyển công tác sang làm cán bộ chuyên trách Công đoàn tại Công ty Dịch vụ-Thương mại TPHCM và nghỉ hưu vào năm 1996.
Ở tuổi 73, cựu tuyển thủ Trần Lai đang sống tại một ngôi nhà nằm trong con hẻm trên đường Âu Dương Lân, Q. 8, TPHCM. Vài năm gần đây, do cao huyết áp và vài chứng bệnh khác nên sáng nào ông đều đi bơi hoặc đi bộ.
Nhắc đến nghề cũ, giọng ông hơi buồn:”Nghề HLV thường chịu đựng biết bao cay đắng! Đội đá thắng, liệu có mấy người nhắc đến HLV. Còn khi đội thất bại, tất cả trách nhiệm trút cả lên vai, lên đầu chúng tôi. Cũng có lãnh đội can thiệp quá sâu vào chuyên môn, gây cho HLV không ít khó khăn”. Nói vậy nhưng duyên tình với bóng đá vẫn còn vương - mỗi tuần ông đều dành 2 buổi đến sân hướng dẫn cho đội lão tướng Sở Công nghiệp TPHCM (từ tháng 12/2006 đổi thành Nhà hàng Yasaka Bảo Trân). Trong lúc trò chuyện cùng chúng tôi, ông cũng rất băn khoăn trước những khó khăn của tuyển Việt Nam tại AFF Cup sắp đến. Đối với ông, “nếu được chọn lựa lại, tôi vẫn đeo đuổi theo quả bóng tròn dù rằng tôi đã khuyên 2 người con trai của mình đừng nối nghiệp cha (cười)”...
THIỆN TÂM