Cứu vãn quan hệ

Cuộc họp các ngoại trưởng của khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) hai ngày 4 và 5-12 thảo luận về kế hoạch chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho các lực lượng Afghanistan cũng như vai trò và nhiệm vụ của NATO sau năm 2014 có sự tham dự của đại diện Pakistan.

Tại cuộc họp này, Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton đã có cuộc hội đàm riêng với Ngoại trưởng Pakistan Hina Rabbani Khar. Cuộc họp là chặng nước rút của NATO nói chung và Mỹ nói riêng để tìm kiếm sự hợp tác toàn diện của Pakistan đối với nỗ lực bình ổn của họ tại Afghanistan trước khi Mỹ rút các binh sĩ chiến đấu khỏi Afghanistan vào năm 2014.

Quan hệ Mỹ - Pakistan đã xuống mức thấp nhất sau khi Mỹ đơn phương tiến hành vụ tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden trên lãnh thổ Pakistan hồi tháng 5 năm ngoái cũng như các vụ không kích của máy bay không người lái làm thiệt mạng nhiều dân thường vô tội sau đó. Chính phủ Pakistan lập tức trả đũa bằng cách hủy bỏ mọi thỏa thuận liên quan với Mỹ và NATO, đóng các tuyến tiếp vận sống còn của NATO tới Afghanistan… khiến cho Mỹ và NATO gặp nhiều khó khăn ngoài dự kiến.

Trong 7 tháng kể từ khi tuyến vận chuyển quan trọng tới chiến trường Afghanistan của NATO qua Pakistan bị đóng cửa, NATO phải cầu viện vào các ngả tiếp vận xa và đắt đỏ hơn từ phương Bắc qua Nga và một số nước Trung Á. Ước tính Mỹ đã phải mất thêm 100 triệu USD mỗi tháng vì sự gián đoạn này.

Không phải đến cuộc họp này, Mỹ mới tìm cách hàn gắn mối quan hệ với Pakistan mà trong thời gian qua, Washington không ngừng nỗ lực để khai thông bế tắc. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đều vô hiệu chỉ đến khi Ngoại trưởng Mỹ chính thức lên tiếng xin lỗi về vụ không kích và bồi thường thiệt hại, họ mới được Islamabad đồng ý cho mượn lại đường tiếp vận đến chiến trường Afghanistan vào tháng 7 vừa qua. Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ chính thức xin lỗi về những cái chết của binh sĩ Pakistan. Ngoài xin lỗi, theo AP, Washington cam kết giải ngân khoảng 1,1 tỷ USD cho quân đội Pakistan như một phần trong thỏa thuận để Islamabad mở lại các tuyến tiếp vận nói trên.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters khi đề cập quan hệ giữa Pakistan và Mỹ sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Pakistan Hina Rabbani Khar nói: “Pakistan và Mỹ đã từng có một mối quan hệ không dễ dàng gì. Tôi có thể khẳng định, đó là thời kỳ đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, Mỹ và Pakistan đang dần thoát khỏi thời kỳ này để hướng tới một quỹ đạo tích cực trong quan hệ hai nước”.

Theo tờ Nation, trong bối cảnh thời gian không chờ đợi, thời hạn rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2014 đang đến gần và sức ép rút quân ngày càng tăng trong Quốc hội khi gánh nặng về kinh tế ngày một lớn, chính quyền của Tổng thống B.Obama không còn cách nào khác là phải chạy đua với thời gian và dồn mọi sức lực để cứu vãn quan hệ với Pakistan. Đưa quan hệ đồng minh phát triển đúng “quỹ đạo” đang là điều mà giới chức Lầu Năm Góc mong muốn bởi họ không chỉ củng cố được sự trợ giúp đắc lực trong cuộc chiến chống khủng bố mà còn có thể hỗ trợ cho kế hoạch rút quân của Mỹ tại Afghanistan.

Mặc dù chưa thể khẳng định tính ổn định trong quan hệ đồng minh chiến lược này, nhưng những gì đang diễn ra được nhìn nhận là bước đi tích cực giúp Mỹ và NATO rút lui khỏi chiến trường Afghanistan an toàn và không bẽ mặt trước dư luận quốc tế. 

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục