Đá “chầu” là tên gọi của người Sài Gòn hay còn được gọi bằng cái tên khác là đá “phủi” kiểu mà dân Hà Thành thường nói. Đây là sân chơi hết sức bổ ích cho những ai yêu thích và đam mê với trái bóng tròn nhưng không có khả năng và thời gian để đeo đuổi môn thể thao “vua” này.
Đặc biệt là sau thời gian lao động mệt nhọc, cần có chút thời gian để giảm tress.

Phùng Công Minh của Bình Dương ( bên phải) trong một trận đá “chầu” ở đội bóng Cây Xoài-Quận 10. Ảnh: Dũng Phương.
Trong những năm gần đây, trên địa bàn TPHCM, phong trào bóng đá ở mọi tầng lớp nhân dân ngày càng phát triển mạnh mẽ, có đôi lúc tôi và những anh bạn cùng chơi bóng đá “phủi” nói vui là “nhà nhà lập đội bóng, người người lập đội bóng”, kéo theo đó là việc các sân bóng đá thi nhau ra đời như “nấm mọc sau mưa”.
Tuy nhiên, những người tìm đến sân chơi này với nhiều lý do và đủ mọi thành phần khác nhau.
Chơi bóng đá để cho vui, cho khỏe… hay với mục đích tìm đối tác làm ăn như trong chơi golf cũng có.
Từ anh sinh viên xa nhà muốn vả chút mồ hôi và giải sầu cho nỗi nhớ quê hương… nạp lại ít năng lượng sau thời gian mệt mỏi trên ghế giảng đường… cho đến những ông chủ của những công ty, doanh nghiệp và cả những anh cán bộ công sở vào những chiều cuối tuần tan ca sớm.
Đặc biệt, nếu chịu khó đi xa ở tận sân Tân Xuân (Hóc Môn), bạn sẽ bắt gặp nguyên cả một đội bóng toàn cầu thủ người nước ngoài, họ đến từ những quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau dưới sự quản lý của một ông “bầu” cũng là người ngoại quốc, đó là đội bóng 360 độ của một tay “cò” cầu thủ không rõ danh tánh.
Mục đích chính của việc duy trì đội bóng này không gì khác hơn là duy trì thể lực để có thời cơ là giới thiệu cho các CLB hạng Nhất hoặc V-League, hay thỉnh thoảng ta lại bắt gặp đâu đấy bóng dáng của những cầu thủ người châu Phi trong các đội bóng Việt Nam, đây là những cầu thủ thường không đạt yêu cầu về chuyên môn khi thử việc cho những đội bóng ở Việt Nam, nhưng không về nước được vì nhiều lý do: hoặc không có tiền hoặc giấy tờ tùy thân của họ bị nhà môi giới nắm giữ.
Họ sống lây lất nay đây mai đó bằng sự giúp đỡ của những người bạn đang thi đấu cho các CLB ở Việt Nam, việc có mặt của họ ở các trận đá “chầu” này cũng không ngoài mục đích mưu sinh.
Hỏi anh Hiển, ông “bầu” của đội bóng Thành Nam (Tân Bình) có những cầu thủ đặc biệt này, anh cho biết : “Đội đa số là những cán bộ, công nhân viên nên thể lực yếu, nhưng khi thi đấu mà để thua nhiều thì không sung, vì thế tìm những cầu thủ này để họ “gồng, gánh” cho vui và hấp dẫn thêm ấy mà! Xong trận, anh em kéo nhau ra quán lai rai vài chai bia hay buổi ăn nhẹ, xong gởi họ 5-7 chục hoặc 100 ngàn cho họ uống nước, đi xe cũng xong”.
Hơn nữa, không phải đây chỉ là sân chơi dành riêng cho những tầng lớp như đã nói ở trên, mà đây còn là nơi những anh chàng chơi bóng đá chuyên nghiệp nhà ta cũng tìm đến.
Vậy họ tìm đến đây để làm gì, khi mà với đẳng cấp và trình độ của họ… dĩ nhiên không phải là để cọ xát hayhọc hỏi kinh nghiệm? “Đơn giản, cũng như tất cả những ai, cái chính là tìm chút niềm vui, được gặp lại bạn bè sau thời gian dài thi đấu liên tục cho CLB và khoảng thời gian nghỉ ngơi đợi tập trung trở lại quá dài đã làm cho mình “nhớ” và “đói” bóng.
Nhưng cái khác của tụi mình ở chỗ, đây là nơi dùng để duy trì thể lực và tìm chút ít cảm giác bóng, nhằm khi trở lại tập luyện không bị ngộp và hụt hơi” - sau một trận đấu “phủi” Hứa Hiền Vinh (XSKT ĐLLĐ), Lâm Ngọc Mẫn (T.Tiền Giang), Lý Lâm Huy, Phan Thanh Giang (GĐT.LA), Quang Thanh, Anh Đức, Công Minh (Bình Dương) cho chúng tôi biết.
Còn thời gian thích hợp cho những trận thi đấu kiểu này? 7 giờ sáng, 1 giờ chiều và kể cả 12 giờ trưa cũng có, miễn sao có giờ, có sân là được.
Có trường hợp một cầu thủ sáng đá 1 trận, chiều đá 1 trận hoặc có khi nhiều “show” quá thì 2 giờ đá 1 trận, đến 4 giờ thêm trận nữa là chuyện bình thường, vậy mà các cầu thủ chuyên chạy “show” này vẫn chạy vèo vèo.
Thích thay những trận “chầu” đích thực !
NGỌC UYÊN