Đã có bản đồ các vùng ngập lụt khi có mưa lũ, siêu bão

Mỗi năm khi mùa mưa bão lũ tới thì ngập lụt luôn là nỗi lo lắng của nhiều người dân. Tuy nhiên tại lễ công bố sáng nay 29-3, Bộ NN-PTNT thông báo, các nhà khoa học, chuyên gia đã cùng cơ quan chức năng xây dựng được bản đồ các vùng ngập lụt tại nước ta khi có mưa lũ, siêu bão, nước biển dâng do triều cường...

Sáng nay 29-3 tại Hà Nội, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức “Lễ công bố và bàn giao bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong trình huống bão mạnh, siêu bão và bản đồ ngập lụt ở hạ du các hồ chứa nước trên lưu vực sông liên tỉnh”.

Lễ công bố bản đồ ngập lụt và các kịch bản sáng nay 29-3

Theo ông Nguyễn Văn Bốn, Trung tâm Nghiên cứu động lực cửa sông ven biển và hải đảo - Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, mục đích của dự án này là xác định phạm vi, mức độ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão. Từ đó, làm cơ sở để xây dựng các phương án ứng phó, đặc biệt là phương án di dời, sơ tán dân khu vực cửa sông, ven biển.

Kịch bản mà bản đồ này đặt ra là trong tình huống bão cấp 13 trở lên. Theo đó, bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão được xây dựng cho 28 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh tới Kiên Giang với 5 kịch bản tương ứng với các cấp bão mạnh nhất (từ cấp 13 đến 16 kết hợp triều cường) có thể xảy ra cho dải ven biển Việt Nam.

Cùng với bản đồ ngập lụt do nước biển dâng là bản đồ ngập lụt tại hạ du các hồ chứa nước trên các lưu vực sông liên tỉnh được xây dựng với các kịch bản xả lũ lớn và tình huống vỡ đập trên 6 lưu vực sông liên tỉnh gồm: sông Hồng, sông Mã, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Ba, sông Serepốk, sông Sê San. Tổng cộng có 119 kịch bản ngập lụt cho 46 hồ chứa lớn ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. 

Các nhà khoa học đã xác định được những vùng ngập lụt khi mưa lũ bão

Theo báo cáo tại Hội nghị lần thứ 24 các bên tham gia Công ước khung của Liệp Hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 24) đã liệt kê danh sách 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách này. Thiên tai ở Việt Nam ngày càng phức tạp, khó lường, là một trong những thách thức lớn đối với phát triển bền vững của đất nước. 

Trong 20 năm qua, các khu vực trên cả nước đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến môi trường sống, sản xuất kinh doanh của người dân. Bình quân mỗi năm có khoảng 400 người thiệt mạng, mất tích do thiên tai; thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra khoảng 1-1,5% GDP/năm, trong đó gây thiệt hại nặng nề nhất là bão mạnh, lũ lớn. 

Theo phân vùng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dải ven biển nước ta chịu ảnh hưởng của bão mạnh, siêu bão với sức gió lên tới cấp 16; đồng thời, nguy cơ lũ lớn xảy ra trên các lưu vực sông, đặc biệt là các lưu vực sông liên tỉnh.

Trước diễn biến khó lường và cực đoan của thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã giao Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai xây dựng “Bản đồ ngập lụt do nước biển dân trong tình huống bão mạnh và siêu bão” và “Bản đồ ngập lụt hạ du hồ chứa trên các lưu vực sông liên tỉnh” làm cơ sở để các bộ ngành, địa phương xây dựng phương án ứng phó, cũng như xây dựng phương án chỉ đạo điều hành chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai. 

Theo ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, đến nay Tổng cục Phòng chống thiên tai cùng các cơ quan đầu ngành liên quan đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng bản đồ ngập lụt phục vụ công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới. Bản đồ này góp phần cho Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các địa phương chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và là cơ sở để phát triển, xây dựng hệ thống chỉ đạo điều hành theo thời gian thực. “Để nâng cao tính hiệu quả, chính xác hơn, bản đồ này cần được cập nhật ít nhất mỗi năm 1 lần”- ông Quang nói. 

Tin cùng chuyên mục