Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính TƯ Trần Đại Hưng:

Đã có nhiều biện pháp đột phá trong phòng, chống tham nhũng

Đã có nhiều biện pháp đột phá trong phòng, chống tham nhũng

SGGP ngày 22-8 đã đăng toàn văn Nghị quyết số 04 của Hội nghị lần thứ ba, Ban chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (TN, LP). Nghị quyết này có điểm gì đáng chú ý và sẽ có tác động như thế nào đến công tác phòng, chống tham nhũng? Ngày 22-8, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Trần Đại Hưng đã trao đổi thẳng thắn các vấn đề trên với PV SGGP.

  • Cam kết không tham nhũng: không còn là hứa suông!

- PV: Theo ông, đâu là những nội dung đáp ứng được yêu cầu đang rất bức xúc trên mặt trận đấu tranh phòng, chống TN, LP?

Đã có nhiều biện pháp đột phá trong phòng, chống tham nhũng ảnh 1

- Ông Trần Đại Hưng: Đây là lần lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương ban hành một nghị quyết riêng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phòng chống TN, LP. Hai luật về vấn đề này vừa có hiệu lực, Trung ương tiếp tục ra Nghị quyết 04. Điều này có ý nghĩa Đảng rất coi trọng việc đưa luật pháp vào cuộc sống và Trung ương cũng thể hiện rõ quan điểm của mình về phòng chống TN, LP.

Nghị quyết có nhiều nội dung, chính sách toàn diện hơn, đầy đủ hơn. Có những nội dung mới mang tính đột phá về công tác phòng chống TN, LP. Trước tiên, nghị quyết nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền. Luật phải được quán triệt đến mọi cấp ngành, nhân dân.

Thứ hai, dù Điều lệ Đảng đã có quy định nhưng nghị quyết lần này có những quy định rất cụ thể về trách nhiệm của đảng viên và tổ chức Đảng. Nghị quyết nhấn mạnh đến tính gương mẫu, tiên phong ở những vấn đề cụ thể. Đảng viên phải bám rễ trong nhân dân, vận động mọi người không tham nhũng. Đảng viên phải cam kết không tham nhũng. Đây không phải là hứa suông. Cam kết trước tổ chức của mình thì phải thực hiện, nếu không thực hiện sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm, nếu tham nhũng sẽ bị xử lý nghiêm hơn. Chi bộ phải theo dõi xem cam kết ấy có làm đúng không.

Nghị quyết cũng yêu cầu phải tự giác khai báo tài sản trước mắt theo quy định của pháp luật, hướng tới mở rộng tới mọi cán bộ, đảng viên. Tổ chức Đảng phải quản lý được sinh hoạt của đảng viên và thu nhập, tài sản của đảng viên để phát hiện những trường hợp có thu nhập không bình thường. Có rất nhiều biện pháp mới về tăng cường công tác quản lý cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ do người đứng đầu chịu trách nhiệm.

Quy định mới thứ ba là về cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng. Nghị quyết cũng không có hạn chế về xử lý dù người sai phạm ở cấp nào.

- Thưa ông, Bộ Công an mới phát hiện được khoảng 5% số vụ tham nhũng trên thực tế. Còn một số chuyên gia thế giới thì nói mỗi năm ta mất trên 1% GDP chỉ vì lãng phí. Vậy, tinh thần của Trung ương lần này có đặt ra mục tiêu cụ thể trong phòng, chống TN, LP?

- Nói chung là các cơ quan, chuyên gia đánh giá đúng thực trạng của chúng ta. Quan điểm của Trung ương lấy công tác phòng ngừa là chính. Phòng ngừa chưa tốt là do các quy định, chính sách của ta chưa đầy đủ, còn sơ hở. Nếu bịt được các lỗ hổng này sẽ góp phần làm giảm tiêu cực, tham nhũng. Còn tỷ lệ phát hiện thấp là do năng lực điều tra, phát hiện của ta còn hạn chế.
Công khai, minh bạch để dân giám sát

- Nghị quyết yêu cầu phải phê bình theo hướng trên trước, dưới sau, trong trước ngoài sau. Thế nhưng, xưa nay không ít cán bộ tự nhận khuyết điểm nghiêm khắc, nhưng hiệu quả công việc vẫn thấp, vẫn sai phạm do “trình độ nhận thức có hạn”. Vậy việc phê bình lần này có phải là ràng buộc để cuối nhiệm kỳ, cuối năm đánh giá trình độ, năng lực, uy tín cán bộ?

- Đương nhiên. Qua phê bình, tập thể sẽ đánh giá anh có khuyết điểm, yếu kém gì? Điều đó liên quan đến tín nhiệm. Qua đó đánh giá trách nhiệm, uy tín. Phê từ trên trước, cấp trên tự phê binh mình, gương mẫu, giới thiệu ra cấp dưới kiểm điểm để phát huy dân chủ.

- Theo nghị quyết, nhân dân có quyền giám sát đảng viên, tổ chức Đảng. Vậy có được giám sát những kết quả công khai phê bình, tài sản trong chi bộ...?

- Người dân có quyền giám sát sinh hoạt của đảng viên ở cơ sở, trong đời sống. Anh là đảng viên đồng thời là công dân nên chịu sự giám sát. Thấy đảng viên nhận hối lộ của ai đó thì dân có quyền tố giác. Những điều đảng viên không được làm cũng sẽ được công khai để dân biết, giám sát. Luật cũng đã quy định các trường hợp phải công khai tài sản cho dân biết, ví dụ các vị ứng cử đại biểu Quốc hội chẳng hạn.

- Nghị quyết yêu cầu xử lý người giới thiệu, đề bạt những cán bộ sai phạm. Trường hợp nguyên thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến có phiếu tín nhiệm thấp vẫn được đề bạt. Vậy sẽ xử lý như thế nào?

- Phải xem xét cụ thể các quy định, quy trình. Ví dụ, qua thẩm tra phải lấy ý kiến đánh giá nhận xét từ cơ sở. Anh không lấy ý kiến của tổ dân phố, hoặc tổ dân phố đánh giá xấu nhưng anh vẫn bao che, đề bạt cán bộ của mình thì sai, phiếu tín nhiệm thế nào. Trường hợp anh Tiến thì trước hết các cấp đó phải kiểm điểm trách nhiệm. Đó là các cơ quan có chức năng giới thiệu, kiểm tra, thẩm định… đều phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của mình. Từ đó mới xử lý.

- Để triển khai nghị quyết, cần phải ban hành rất nhiều hướng dẫn, trong khi tồn tại rất lớn của Chính phủ là nợ văn bản hướng dẫn thi hành...

- Đây là yếu kém của Chính phủ, cụ thể là của cơ quan tham mưu là các ngành, cấp. Tinh thần là phải sớm thể chế hóa nghị quyết để thực hiện. Nhưng tôi tin là nếu tất cả các đảng viên được quán triệt và thực hiện tốt nghị quyết thì sẽ có bước chuyển biến căn bản cả ở giác độ phòng ngừa và kết quả đấu tranh, xử lý tham nhũng. 

NAM QUỐC

Thông tin liên quan

Tạo bước chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức và hành động phòng, chống tham nhũng 

Tin cùng chuyên mục