Ngày 27 tháng 2

Đã có quyền thì phải làm tròn nghĩa vụ

Cách đây 86 năm, báo cáo của mật thám Pháp cho biết trong ngày 27-2-1923, Nguyễn Ái Quốc họp chi bộ Đảng Cộng sản Pháp tại số nhà 52 đường Balagny, quận 17, Paris.

Ngày 27-2-1930, Nguyễn Ái Quốc đang có mặt tại Hồng Công viết thư qua đại diện Đảng Cộng sản Pháp để báo tin với Quốc tế Cộng sản là: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập!”. Nêu rõ trình độ lý luận của các đảng viên còn thấp, Nguyễn Ái Quốc đề nghị “cho chúng tôi một tủ sách với các tác phẩm Mác - Lênin và một số sách khác cần cho giáo dục cộng sản chủ nghĩa” và yêu cầu chỉ đạo: “Lúc này tôi chưa biết rõ vị trí của tôi. Tôi hiện là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp hay Đảng Cộng sản Việt Nam... Tôi không tham gia Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vì tôi chưa trở về Đông Dương, nhất là lúc này chúng (ý nói là thực dân Pháp) đã ban cho tôi một cái án tử hình vắng mặt...”.

Thư cũng đề nghị Quốc tế Cộng sản cung cấp những đầu mối liên lạc để đưa tài liệu về Việt Nam qua tàu biển, đề nghị Đại học Phương Đông Mátxcơva chỉ nhận học sinh do Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu. Với Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đề nghị công bố một bức thư đóng góp ý kiến và ra lời kêu gọi lính Pháp ở Đông Dương.

Cùng ngày, Nguyễn Ái Quốc viết một loạt thư cho Văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Đức, Đảng Cộng sản Mỹ, Liên đoàn chống đế quốc ở Berlin (Đức), Quốc tế Công hội Đỏ, yêu cầu gửi sách báo và gợi ý những cách để đối phó với mật thám Pháp.

Ngày 27-2-1946, Bác ra “Lời hiệu triệu” kêu gọi đồng bào cảnh giác và đấu tranh với thủ đoạn “chiến tranh tinh thần” rất thâm độc của thực dân Pháp, bằng cách: “Thực hành trường kỳ kháng chiến và toàn dân kháng chiến (dũng cảm và kỷ luật), bằng chính trị (đoàn kết, trật tự), bằng kinh tế (tăng gia, sản xuất), bằng ngoại giao (thêm bạn, bớt thù), trước hết là bằng tinh thần: bại không nản, thắng không kiêu, thua trận này đánh trận khác, được trận này không chểnh mảng, chung sức đồng tâm nhất trí, giữ gìn trật tự, tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ. Như thế, mà phải là như thế thì chúng ta mới được thắng lợi và giành được độc lập hoàn toàn”.

Cách đây đúng nửa thế kỷ, ngày 27-2-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời thủ đô Miến Điện và đặt chân tới thủ đô Jakarta. Tổng thống Sukarno, chính phủ và nhân dân Indonesia đã nồng nhiệt đón đoàn. Và cùng ngày hôm ấy, ở trong nước ban hành sắc lệnh của Chủ tịch nước cho phép Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành các loại giấy bạc mới với mệnh giá cao nhất là 10 đồng và thấp nhất là tiền kim loại 1 xu, đồng thời tổ chức đổi tiền theo phương thức 1.000 đồng tiền cũ bằng 1 đồng tiền mới.

Ngày 27-2-1961, dự và phát biểu tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, Bác nhấn mạnh: “Ngày nay tất cả những người lao động chân tay và trí óc đều phải nhận thật rõ: mình là người chủ nước nhà... Đã có quyền thì phải làm tròn nghĩa vụ. Nghĩa vụ đó là: cần kiệm xây dựng nước nhà...”.

D.T.Q. và nhóm cộng sự

Tin cùng chuyên mục