Đã có thể xuất khẩu chất thải nguy hại ​

Năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chấp thuận cho 9 doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu chất thải nguy hại với tổng lượng là hơn 3.958 tấn.

Trong Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa gửi đến Quốc hội cho biết, đến tháng 9-2020, cả nước có 123 cơ sở xử lý chất thải nguy hại (CTNH), tăng 14 cơ sở so với năm 2016; tỷ lệ CTNH được thu gom, xử lý đúng quy định đạt 80%-85% (tăng 12% so với năm 2016).

Bên cạnh việc thu gom, tự xử lý trong nước, Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu CTNH ra nước ngoài. Năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chấp thuận cho 9 doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu CTNH với tổng lượng là hơn 3.958 tấn, góp phần làm giảm áp lực về xử lý chất thải trong nước. 9 doanh nghiệp nêu trên bao gồm Công ty TNHH GSA Metals; Công ty TNHH DVTM NPP; Công ty Masuda Sangyo Việt Nam; Công ty TMXD 5 Hải Phòng; Công ty Dịch vụ Schlumberger; Công ty TNHH TES-AMM Việt Nam; Công ty TNHH Ánh Dương-Quảng Ninh; Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam; Công ty TNHH Xử lý môi trường Sao sáng Bắc Ninh. 

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, hiện nay, Bộ đang tập trung xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn theo hướng coi chất thải là tài nguyên; hạn chế tối đa lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý; khuyến khích các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng trong quá trình xử lý.

Đến nay, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đã tăng đáng kể. Tính đến hết năm 2019, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý đạt tỷ lệ khoảng 92% (tăng 7% so với năm 2016); nông thôn đạt tỷ lệ khoảng 66% (tăng 8% so với năm 2016); trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 70%. Với định hướng xử lý chất thải rắn tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý bài bản, hiệu quả, quy mô cấp huyện, liên huyện. Điển hình là tại tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt chỉ còn 43% (thấp nhất trong cả nước).

Các dự án xây dựng các mô hình mẫu về xử lý rác thải cũng được các địa phương triển khai thực hiện, nhất là tại khu vực nông thôn. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp khá cao, đạt trên 90% khối lượng phát sinh. Đối với một số loại chất thải rắn đặc thù như tro xỉ, thạch cao, việc đảm bảo yêu cầu môi trường khi thực hiện tái chế đã được quan tâm triển khai. Tỷ lệ tro xỉ được tái sử dụng ở đạt trên 50% tổng lượng tro, xỉ phát sinh, nhiều cơ sở sản xuất đạt tỷ lệ tái sử dụng cao.

Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Thuế Bảo vệ môi trường, trong đó quy định túi nilon khó phân hủy là một trong những đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thống nhất thực hiện các biện pháp giảm rác thải nhựa đại dương từ đất liền ra biển.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã phát động phong trào toàn dân tham gia chống rác thải nhựa, thành lập Liên minh chống rác thải nhựa, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam - PRO Vietnam; triển khai ký kết hợp tác công tư về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam. Ngày 20-8-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu chất thải nhựa.

Nguồn thu từ đất năm 2019 đạt trên 191.500 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần năm 2015 

Theo Báo cáo số 473/BC-CP vừa được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi đến Quốc hội, nguồn thu từ đất hiện chiếm từ 12% - 15% thu ngân sách nội địa hàng năm, trong đó năm 2019 đạt 192.000 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần năm 2015. 

Có 58/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 và thực hiện rà soát để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế bảo đảm theo đúng quy định tại Điều 14 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ; thẩm định và cấp 73 chứng chỉ định giá đất cho cá nhân đủ điều kiện. Nhờ đó, số tiền thu từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) đã tăng qua các năm.

Cụ thể: năm 2013 thu 54.434 tỷ đồng; năm 2014 là 55.138 tỷ đồng; năm 2015 là 84.810 tỷ đồng; năm 2016 là 115.290 tỷ đồng; năm 2017 là 104.400 tỷ đồng; năm 2018 là 121.400 tỷ đồng; năm 2019 đạt trên 191.500 tỷ đồng.

Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian tới, chính sách tài chính về đất đai và giá đất sẽ được sửa đổi theo cơ chế thị trường, hướng tới hiệu quả, bền vững.

Bên cạnh việc hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất bảo đảm khách quan, minh bạch, phù hợp với giá thị trường, thu hẹp các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà chuyển sang hình thức cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm; cơ chế kiểm soát cũng sẽ chặt chẽ hơn.

Để khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai, chính sách thuế sẽ được thiết kế theo hướng người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng thì phải chịu mức thuế cao hơn; quản lý chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất, ngăn ngừa tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.

Kiểm soát chặt chẽ và công khai, minh bạch trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, hoạt động sản xuất và đời sống của người có đất thu hồi. Hoàn thiện các cơ chế hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất và Quỹ Phát triển đất trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, quản lý, khai thác và tạo quỹ đất.

Tin cùng chuyên mục