Đa dạng giải pháp bảo vệ môi trường

Trong năm 2020, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề, ra góp phần xây dựng TPHCM xanh - sạch - đẹp. Xoay quanh chủ đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM.

Trong kế hoạch thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020, TPHCM đề ra 16 chỉ tiêu cần thực hiện. Từ những nỗ lực của chính quyền thành phố cùng sự đồng lòng của người dân, đến hết năm 2019, chương trình đã đạt được những kết quả nhất định. Trong năm 2020, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề, ra góp phần xây dựng TPHCM xanh - sạch - đẹp. Xoay quanh chủ đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Toàn Thắng (ảnh), Giám đốc Sở TN-MT TPHCM.

PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường của TPHCM trong thời gian qua?

 Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG: 

Công tác nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, không xả rác ra đường và kênh rạch đã được triển khai đồng loạt trên toàn thành phố, nhờ đó đã tạo ra được chuyển biến tích cực về vệ sinh môi trường, giảm đáng kể các điểm ô nhiễm do rác thải, tình trạng rác tồn đọng trên các tuyến đường đã phần nào hạn chế. Công tác nạo vét, dọn cỏ rác, vớt lục bình được triển khai thực hiện thường xuyên, góp phần tạo cảnh quan, thông thoáng dòng chảy. Đồng thời, thành phố cũng đã xử lý nghiêm theo quy định các đối tượng thực hiện hành vi thải bỏ rác không đúng nơi quy định, hạn chế tình trạng rác tự phát và rác người dân để tại các khu vực vỉa hè, rác được lưu chứa trong các thiết bị thùng rác. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM

Cùng đó, tỷ lệ cơ sở công nghiệp thực hiện xử lý nước thải tăng từ 85% lên 97% với tổng lượng nước thải xử lý là 99%; tỷ lệ cơ sở công nghiệp đầu tư hệ thống xử lý khí thải tại nguồn hoặc sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm (điện, CNG, DO…) đạt chỉ tiêu đề ra (98%). Các doanh nghiệp có lưu lượng xả thải lớn hoặc phát thải lớn ngày càng quan tâm đến việc xử lý nước thải, khí thải và công tác bảo vệ môi trường. Tỷ lệ năng lượng tái tạo hiện nay đạt khoảng 1,8% vượt chỉ tiêu (0,06%) so với mục tiêu đặt ra. 

Ngoài ra, điểm mới trong giai đoạn này là việc vận dụng hiệu quả các phần mềm điện tử trong công tác quản lý vi phạm trật tự đô thị nhằm giải quyết kịp thời những phản ánh, bức xúc của người dân về tình trạng vệ sinh môi trường; hoàn thành kết nối, thu, nhận và quản lý, giám sát dữ liệu đối với các hệ thống quan trắc tự động, liên tục của các nguồn thải lớn quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP, Nghị định 40/2019/NĐ-CP của Chính Phủ và Thông tư 24/2017/TT-BTNMT của Bộ TN-MT. 

Trong quá trình triển khai các hoạt động/dự án kéo giảm ô nhiễm môi trường, thành phố gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông ?

 Về mặt thuận lợi, hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị xã hội luôn có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất và thường xuyên trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là triển khai Chỉ thị 19-CT/TU ngày 19-10-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về Cuộc vận động người dân thành phố không xả rác ra đường vì thành phố sạch và giảm ngập nước, Chỉ thị số 23/2014/CT-UBND ngày 9-9-2014 của UBND TPHCM về tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni lông trên địa bàn thành phố. 

Thành phố luôn quan tâm đối với công tác khen thưởng các cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường thông qua Giải thưởng Doanh nghiệp xanh; hỗ trợ tài chính cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có các chương trình, dự án, các hoạt động bảo vệ môi trường.

Nguồn lực được tập trung để triển khai đồng bộ, sâu rộng Chương trình Phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố; xây dựng và hoàn thiện các khu xử lý chất thải rắn của thành phố, các dự án nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung; cải tạo, nạo vét, khai thông, duy tu, bảo dưỡng hệ thống các kênh rạch được phân cấp quản lý; thực hiện các giải pháp hạn chế dần phương tiện giao thông cá nhân gắn với phát triển mạnh vận tải hành khách công cộng. Các nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ được đẩy mạnh trong bảo vệ môi trường để kịp thời đánh giá, dự báo diễn biến chất lượng môi trường cũng như đề ra giải pháp quản lý kiểm soát chất lượng môi trường hiệu quả và phù hợp.

Vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: CAO THĂNG

Bên cạnh những thuận lợi, thành phố cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định như: Công tác tuyên truyền chưa tiếp cận được đến 100% dân cư trên địa bàn, đặc biệt là đối tượng dân nhập cư; việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường chưa được người dân quan tâm do người dân vẫn còn thói quen sử dụng túi ni lông vì giá rẻ, tiện dụng. Trong khi đó, công tác kêu gọi thu hút nhà đầu tư đối với các dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung còn gặp nhiều khó khăn do cần huy động nguồn vốn lớn. Mặt khác, văn bản pháp luật quy định về quy trình thủ tục cưỡng chế thực hiện quyết định xử lý vi phạm về môi trường chưa có hướng dẫn cụ thể từ Trung ương nên còn nhiều khó khăn trong công tác xử lý dứt điểm cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường dẫn đến các cơ sở tái hoạt động, hoặc thay đổi pháp nhân, đăng ký kinh doanh tại Sở KH-ĐT để tiếp tục hoạt động. 

Trong năm 2020, thành phố sẽ tiếp tục triển khai những kế hoạch/giải pháp nào để giảm ô nhiễm môi trường, thưa ông? 

 Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, thành phố sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện hồ sơ pháp lý về môi trường của các chủ đầu tư trước khi dự án đi vào hoạt động, đảm bảo phải có hệ thống xử lý nước thải theo quy định; xây dựng và triển khai các kế hoạch truyền thông về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tổ chức các sự kiện môi trường thường niên: Ngày hội Sống xanh, Chiến dịch Vì một thành phố xanh - sạch - đẹp, giúp cho công tác truyền thông lan tỏa đến nhiều nhóm đối tượng người dân.

Tiếp tục triển khai chuyển đổi công nghệ xử lý của các nhà máy xử lý rác hiện hữu, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án đã có chủ trương của thành phố, thực hiện đấu thầu lựa chọn dự án xử lý rác sinh hoạt mới. Đặc biệt sẽ đầu tư mới phương tiện xe buýt, ưu tiên chuyển đổi phương tiện sang sử dụng nhiên liệu sạch (điện, LPG, CNG, LNG...) để thay thế nhiên liệu truyền thống nhằm phù hợp với đặc tính đô thị và điều kiện giao thông trên địa bàn thành phố. Thực hiện việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới.

Tin cùng chuyên mục