Đa dạng lễ hội đón tết, vui xuân

Đa dạng lễ hội đón tết, vui xuân

Để giúp người dân và du khách vui xuân, các địa phương cả nước đã đưa ra nhiều chương trình, hoạt động phong phú và giàu bản sắc dân tộc.

Lễ rước và dựng cây nêu tại Đại nội Huế.

Lễ rước và dựng cây nêu tại Đại nội Huế.

Tết năm nay, thành phố Hà Nội tiến hành bắn pháo hoa tại 29 quận huyện, mỗi địa điểm này lại bố trí một sân khấu ca múa nhạc để phục vụ đông đảo công chúng. Ngày 30 Tết, tại quảng trường Cách Mạng Tháng Tám, trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội, sẽ có một sân khấu ca nhạc dành cho giới trẻ, diễn ra từ 8 giờ 30 đến 24 giờ. Ngoài ra, sẽ có một sân khấu dành cho âm nhạc truyền thống được đặt tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Trước cửa Công viên Thống Nhất Hà Nội và khu vực quận Hà Đông có một sân khấu ca múa nhạc tổng hợp được dựng lên để phục vụ nhiều đối tượng công chúng đến vui xuân.

Theo ước tính của Sở VH-TT-DL Thừa Thiên - Huế, trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014, lượng khách đến Huế sẽ đông hơn những năm trước, khoảng 50.000 - 55.000 lượt khách đăng ký lưu trú. Đây là cơ hội tốt để ngành du lịch kích cầu, mở rộng thị trường.

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mở cửa miễn phí các điểm di tích cho nhân dân địa phương đến tham quan từ ngày mùng 1 - 3 Tết. Để đa dạng các hoạt động chào đón năm mới, trung tâm thực hiện các hoạt động văn hóa, giải trí như: triển lãm “Ngựa và Long Mã” tại Trường lang; lễ dựng cây nêu tại Thế Miếu - khu vực Đại nội, điện Long An và các điểm di tích khác; biểu diễn lân sư rồng tại sân điện Thái Hòa - Đại nội; tổ chức các trò chơi cung đình và dân gian tại khu vực sau điện Thái Hòa; biểu diễn múa lân tại Ngọ Môn; võ thuật tại sân điện Thái Hòa - Đại nội; chương trình nghệ thuật nhã nhạc, múa cung đình tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế… Duy trì biểu diễn nhã nhạc, múa cung đình tại Nhà hát Duyệt Thị Đường và các hoạt động đổi gác, trình tấu đại nhạc, tiểu nhạc tại khu vực Đại nội.

Còn tại Đà Nẵng, trước, trong và sau Tết Nguyên đán tổ chức 28 hoạt động văn hóa - văn nghệ cấp thành phố, 19 hoạt động văn hóa cấp quận, huyện và 19 giải thể thao cấp quận, huyện được tổ chức từ 19 tháng Chạp đến 12 tháng Giêng.

Có 3 hoạt động được đầu tư quy mô lớn với tổng kinh phí gần 340 triệu đồng. Cụ thể, chương trình nghệ thuật “Mừng Đảng - Đón xuân” vào đêm giao thừa tại bờ Đông sông Hàn; chương trình nghệ thuật quần chúng vào tối mùng 6 tháng Giêng và chương trình âm nhạc đường phố vào tối mùng 9 tháng Giêng đều diễn ra tại đường Bạch Đằng.

Nhóm PV


  • Chương trình giao lưu - nghệ thuật “Mãi mãi vững niềm tin”

Nhân kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2014), dự kiến, tối 2-2 (mùng 3 Tết), tại Nhà hát Đài truyền hình TPHCM (HTV), Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Ban Tổ chức các ngày lễ lớn TP và HTV tổ chức Chương trình giao lưu - nghệ thuật “Mãi mãi vững niềm tin”. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9.

Mở đầu chương trình sẽ là những thước phim tư liệu về bối cảnh ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ở phần tiếp theo, khán giả thưởng thức những ca khúc về Đảng đã được nhiều thế hệ đảng viên, chiến sĩ cách mạng và toàn thể dân tộc mang theo vào 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Bên cạnh các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, trong khuôn khổ chương trình, khán giả còn được giao lưu với các vị khách mời: anh Trương Anh Văn - công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Thống Nhất, công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2014; anh Lê Văn Sáu - nông dân, đảng viên ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn; Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp - Trưởng Bộ môn Bác sĩ gia đình, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục