
Theo đánh giá của các nhà khoa học, Lâm Đồng là một trong 3 trung tâm của cả nước có nền công nghệ sinh học (CNSH) phát triển mạnh, thể hiện ở việc ứng dụng có hiệu quả kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật và sử dụng kỹ thuật này như một công cụ hữu hiệu trong sản xuất, cung cấp giống ở quy mô hàng hóa.
Các trung tâm, viện nghiên cứu khoa học trực thuộc quốc gia đóng trên địa bàn Lâm Đồng không chỉ đơn thuần nghiên cứu khoa học, mà còn xây dựng những phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ nhu cầu nhân nhanh giống cây trồng như: Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Phân viện Sinh học Đà Lạt; Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng, Trung tâm Nghiên cứu rau, hoa và khoai tây Đà Lạt.

Tiến sĩ Dương Tấn Nhựt) Phân Viện Sinh học Đà Lạt) với rau cải trồng bằng phương pháp thủy canh.
Thạc sĩ Võ Khiếm, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ và tin học (Sở Khoa học-Công nghệ Lâm Đồng) cho biết: "Hiện nay, nhu cầu cung cấp cây giống từ nuôi cấy mô của nông dân rất lớn, Trung tâm đang đầu tư thêm thiết bị để cung cấp phục vụ nhiều giống rau, hoa mới cho bà con. Trung tâm đã lập dự án mở rộng phòng thí nghiệm, nhà xưởng phục cho việc lưu giữ nguồn gen các giống rau, hoa mới.
Năm 2005, Trung tâm được đầu tư 200 triệu cho các đề tài nghiên cứu khoa học về lưu trữ nguồn gen, nghiên cứu quy trình cấy mô cây hoa lyly, nhân nhanh giống hoa sạch bệnh, phục vụ nhu cầu của bà con nông dân. Trung tâm cũng phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, các cơ quan nghiên cứu kiểm tra mẫu cây giống sạch bệnh để đưa vào nuôi cấy và tổ chức sản xuất, cung cấp rộng rãi cho bà con nông dân”.
Năm 1999, Bộ Khoa học Công nghệ đã đầu tư 1 tỷ đồng hỗ trợ Lâm Đồng xây dựng một hệ thống trang thiết bị nuôi cấy mô đồng bộ, hiện đại, tương đương với các trung tâm lớn tại Hà Nội và TPHCM như: nồi hấp vô trùng, tủ sấy, box cấy và vườn ươm trong nhà kính. Hàng năm, tỉnh cũng đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng để duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm. Năng lực sản xuất của Trung tâm từ 12.000 cây mô trong năm 2003 đến năm 2004 đã cung cấp được 20.000 cây và năm nay tăng vọt lên 70.000-100.000 cây.
Với hệ thống thiết bị hiện đại này, trong những năm tới Trung tâm có thể đạt tới công suất 300.000 cây giống/năm. Nhưng hiện nay, số lượng khách hàng đến hợp đồng cung cấp cây giống cấy mô đã lên tới 300.000 cây giống địa lan. Một số giống địa lan ngoại cũng được nhân giống tại đây. Ngoài ra, trung tâm cũng đang nhân giống 10.000-20.000 cây hoa salem vàng mới xuất hiện và được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, năm nay Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng nhận một đề tài ứng dụng các tiến bộ CNSH để nhân nhanh các giống hoa địa lan sạch bệnh tại Đà Lạt.
Đến thăm cơ sở Trại giống cây trồng của kỹ sư Lê Văn Cường ở 54B Trần Anh Tông phường 8 TP Đà Lạt mới thấy cơ sở phòng thí nghiệm nuôi cấy mô của anh hiện đại không kém gì các trung tâm, viện nghiên cứu được nhà nước đầu tư. Bình quân mỗi năm anh cung cấp cho nông dân phía Bắc 500.000 củ giống khoai tây bi và trên 200.000 cây giống cấy mô các loại cho bà con nông dân quanh vùng Đà Lạt cũng như các vùng lân cận. Trại giống cây trồng của anh có 4 cử nhân sinh học và 30 lao động thời vụ giúp việc.
Hiện nay, 100% nông dân Đà Lạt sử dụng cây giống từ nuôi cấy mô. Với diện tích gần 1.000 ha hoa, 25.000 ha rau, trong đó có 450 ha trồng hoa và 300 ha trồng rau trong nhà lưới, nhu cầu giống cây trồng sạch bệnh, năng suất cao là một đòi hỏi bức thiết để nông dân Lâm Đồng vươn tới thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu rau, hoa Đà Lạt.
Các nhà sinh học VN đã từng nhận định: Đà Lạt là thành phố lý tưởng để phát triển CNSH. Từ giữa năm 2003, việc cúc giống do Đà Lạt Hasfarm sản xuất đã xuất sang Nhật có thể xem là một sự khởi đầu đầy hứa hẹn cho việc sử dụng CNSH hướng ra xuất khẩu ở Đà Lạt.
BÍCH VÂN