Đã mất lòng tin

Vậy là giai đoạn đầu quan trọng của cuộc đua giành ghế Tổng thống Pháp đã kết thúc. Các bài diễn thuyết tranh cử của các ứng viên vẫn đều đều được thực hiện ở khắp mọi miền đất nước, song người dân bắt đầu thất vọng khi họ không nhận thấy sự đột biến hay nét mới nào mà chỉ là những điều tổng hợp lặp lại đơn điệu. Người Pháp có thực sự quan tâm tới các chính trị gia, ngay cả khi bầu cử đã tới rất gần?

Thăm dò của Le Figaro cho thấy có tới 67,83% người Pháp được hỏi đánh giá 10 ứng cử viên là quá nhiều cho một cuộc tranh cử tổng thống. Trong khi đó, cuộc chiến chống thất nghiệp mới là ưu tiên hàng đầu của người dân vào thời điểm này. Có tới 76% cử tri lo sợ tương lai rơi vào cảnh không công ăn việc làm. 70% người Pháp nghĩ rằng giới trẻ có cuộc sống kinh tế khó khăn hơn cha mẹ. Mối bận tâm lớn thứ hai là tăng lương và tăng sức mua, chiếm 58%. Theo sau là các thắc mắc về giảm nợ công, tiến tới bình đẳng trong y tế, giáo dục. Công tác phòng chống tội phạm có vẻ không “nóng hổi” bằng.

Theo chuyên gia phân tích Mayeul L’Huillier nhận định trên Atlantico: Thực chất, bầu cử vẫn là thời khắc chính trị quan trọng đối với người Pháp. Sự quan tâm đến bầu cử cũng vẫn tương tự như của cuộc bầu cử năm 2007, nhưng vì người dân đã quá ngán các chính sách rất hoành tráng mà không được thực hiện, rằng sự thắng cử của ông Hollande gần như chắc chắn, do đó chẳng còn gì để hồi hộp… Sự quan tâm nếu có giảm sút là do các chiến dịch không có được chất lượng như năm xưa, ví như không có các tranh luận chuyên đề như năm 2007.

Có tới 77% người Pháp chê các chiến dịch nghèo nàn ý tưởng và 71% đánh giá các ý tưởng của ứng cử viên phi thực tế. Các chính sách hiện hữu cũng như được hứa hẹn giờ đây mất đi tính thuyết phục vì không có khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Cũng phản bác lại ý kiến cho rằng người Pháp không thấy chính trị ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày nữa, ông L’Huillier cho rằng trên thực tế, dân Pháp bây giờ tìm đến với chính trị nhiều hơn ngày trước. Tuy nhiên, họ không giải quyết vấn đề một mình mà thiên về suy nghĩ của tập thể trong thời toàn cầu hóa. Người Pháp, nhất là từ giai đoạn 2008-2010, biết rằng họ không đơn độc. Nhưng họ không tìm thấy sự gắn kết trong các chính sách của những vị đứng đầu chính quyền hiện nay cũng như trong tương lai.

Hiện đang tồn tại sự đứt khúc giữa tầng lớp chính trị và cuộc sống đời thường trong xã hội Pháp. Những chính khách đôi khi sống một cuộc sống xa rời thực tế chứ không hòa nhập. Trong mắt cử tri, cuộc sống của các chính trị gia đầy mê hoặc, nhưng tư tưởng của họ đã bị xói mòn và hành động thì không đi đôi với lời nói. Ngay như chuyện xăng tăng lên 1,67 EUR/lít, vấn đề đang khiến dân chúng lo “phát sốt” thì các ứng cử viên vẫn mỗi người một suy nghĩ. Người thì yêu cầu giữ nguyên giá trong ít nhất 3 tháng, người thì khẳng định phải hạ giá ngay lập tức. Biện pháp khả thi chưa thấy đâu, chỉ thấy người dân nhốn nháo, lo âu.

Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất ở Pháp, tỷ lệ ủng hộ đương kim Tổng thống Sarkozy đã tăng từ 33% trong tháng 2 lên 36% trong tháng 3. Tuy nhiên, kết quả này vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ ông nhận được (65%) trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra năm 2007. Người Pháp không thờ ơ với bầu cử. Nhưng 70% người Pháp được hỏi nghĩ rằng các chính khách đều tham nhũng. Điều đó cũng nói lên vì sao phần lớn người dân xa lạ với chính trị. Họ đã mất lòng tin.

Việt Khuê

Tin cùng chuyên mục