Đà Nẵng tìm phương án gỡ khó cho doanh nghiệp thời dịch Covid-19

UBND TP Đà Nẵng vừa tổ chức buổi đối thoại với các Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn để giải quyết đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp bàn phương án khắc phục khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hỗ trợ máy móc cho doanh nghiệp theo chương trình khuyến công
Hỗ trợ máy móc cho doanh nghiệp theo chương trình khuyến công

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn như: xuất nhập khẩu trì trệ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh ăn uống phải đóng cửa, 1 bộ phận lao động thất nghiệp, tập trung nhiều trong lĩnh vực du lịch.

Toàn cảnh hội nghị
Ông Lê Hữu Ánh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hòa Vang cho biết, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến toàn bộ các lĩnh vực kinh tế không riêng lĩnh vực nào. Vì vậy ông đề xuất giảm thuế, miễn giảm, giãn nợ, chậm nộp bảo hiểm xã hội; có chương trình hỗ trợ khuyến công địa phương.
“Làm sao để đi vào thực tiễn nhanh để doanh nghiệp được thụ hưởng sớm nhất. Mức hỗ trợ như thế nào”, ông Lê Hữu Ánh chia sẻ.

Ông Phạm Bắc Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng cho biết, ngoài việc tuyên truyền vận động về các biện pháp phòng chống dịch, Hiệp hội kêu gọi doanh nghiệp hội viên chủ động phòng chống dịch bệnh, ra sức đoàn kết, chia sẻ hàng hóa dịch vụ  theo “giá vốn” để giữ việc làm cho người lao động, góp phần ổn định xã hội đồng thời tạo chuỗi liên kết chặt chẽ cùng nhau vượt qua khó khăn.

Ông Phạm Bắc Bình cũng đưa ra một số kiến nghị, cụ thể: giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid – 19; đề nghị nhà nước có những chính sách hỗ trợ về vốn, chính sách thuế, hỗ trợ đầu tư… để các hộ kinh doanh này có động lực để phát triển đổi mới sáng tạo; ngân hàng nhà nước có chính sách cụ thể, thực chất và đồng bộ với tất cả các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất cho vay và thực hiện khoanh nợ trong thời gian phù hợp.

Do lượng khách du lịch giảm đáng kể nên kéo theo đơn hàng những sản phẩm này cũng giảm khoảng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 
Ông Hà Đức Hùng, Hội Doanh nhân Trẻ TP Đà Nẵng đề nghị, ngoài việc xem xét về nợ ngân hàng, hiệp hội đề nghị xem xét miễn hoặc giảm thuế VAT cho ngành này từ 6 tháng đến 1 năm hoặc đến khi hết dịch để hỗ trợ sức tiêu thụ của thị trường cho những ngành du lịch.
Bên cạnh đó, ông cho rằng nhà nước nên có chủ trương cho Ngân hàng nhà nước sử dụng các công cụ điều tiết tiền tệ, giảm lãi suất ngân hàng để khuyến khích đầu tư, tăng sức mua của toàn xã hội. Việc tăng đầu tư công gắn với việc kiểm soát hiệu quả nhằm tăng thêm việc làm cho doanh nghiệp, người lao động góp phần làm tăng sức mua của xã hội.

"Việc triển khai các biện pháp có thể là gánh nặng cho ngân sách Trung ương, tuy nhiên, hỗ trợ doanh nghiệp, nuôi dưỡng và bảo toàn nguồn thu bền vững, lâu dài là việc cần làm", ông Hà Đức Hùng chia sẻ.

Bà Lê Thị Nam Phương, Hội Nữ doanh nhân TP Đà Nẵng cho hay, ngoài việc cảm kích nỗ lực trong phòng chống dịch Covid-19, bà cho rằng việc giải quyết cho doanh nghiệp không chỉ liên quan đến tiền mà còn liên quan đến chính sách.

Đặc biệt, bà cho hay các trung tâm giáo dục, nhóm trẻ gia đình góp phần lớn trong chính sách 4 an của thành phố. Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp dịch bệnh, các cơ sở này tạm thời đóng cửa. Vì vậy bà đề nghị nhà nước cần có chính sách để giảm thời gian nộp BHXH, giải quyết BHXH cho những người đang thất nghiệp trong giai đoạn này.

Ông Nguyễn Tiến Quang, cho biết 60% doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp thương mại dịch vụ du lịch, vì vậy dịch Covid-19 hầu như ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp.

Giám đốc VCCI Đà Nẵng cũng kiến nghị Quỹ đầu tư xem xét giảm điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được trong thời gian khó khăn này hoặc Quỹ nên chuyển hướng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, Việt Nam ký nhiều hiệp định FTA, thế nhưng để hiểu cụ thể, tận dụng được cơ hội lại không nhiều. “Các hiệp định FTA là cơ hội để tái cấu trúc chuỗi cung ứng, làm chủ thị trường, thay đổi thị trường truyền thống”, ông Nguyễn Tiến Quang nhìn nhận.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất, thiệt hại trên cả nước khoảng 7 triệu USD và đến tháng 6 mới có dấu hiệu phục hồi. Hàng ngày đều có doanh nghiệp giảm lao động, đóng cửa. Giữa tháng 3 nếu 3 địa phương (Huế- Đà Nẵng- Quảng Nam) không có người dương tính với dịch Covid-19 thì hiệp hội sẽ công bố chương trình kích cầu du lịch.

Bên cạnh đó ông nghĩ rằng cần hỗ trợ thuế hải quan cho những sản phẩm đặc thù tại vùng sông nước và liên kết vùng để giải quyết các điểm nghẽn. “Ngành du lịch cần có sản phẩm mới, đặc thù như di lịch biển đảo, trên sông để tạo sức hút cho cái riêng của Đà Nẵng”, ông Cao Trí Dũng đề nghị.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhìn nhận, năm 2020 thế giới không lường được diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19. Ngoài việc phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu thì Đà Nẵng cần là một điểm đến an toàn để mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt diễn ra bình thường.

Ông nhấn mạnh, nhà nước sẽ triển khai để hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ, kích cầu, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp gặp khó khăn, dự kiến vào tuần sau sẽ công bố. Mặt khác, Đà Nẵng đang nỗ lực đẩy mạnh giải ngân gói đầu tư công 14.000 tỷ đồng để tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh.

Tin cùng chuyên mục