Theo đó, sau 3 ngày (18, 19, 20-6) Đà Nẵng ghi nhận 34 trường hợp mắc Covid-19 (10 trường hợp trong ngày 20-6). Trong đêm 19-6, các cơ quan chức năng truy vết hơn 3.300 trường hợp để tiến hành xét nghiệm; thiết lập 7 cơ sở cách ly và đang cách ly 408 trường hợp (trong đó có 169 người về từ vùng dịch). Ngày 20-6, TP Đà Nẵng đã xét nghiệm hơn 4.855 lượt người. Ngoài ra TP Đà Nẵng cũng xét nghiệm hơn 10.000 người liên quan đến các khu vực có nguy cơ cao; phát hiện 556 người đi qua vùng dịch, có tiếp xúc với người nghi ngờ mắc Covid-19.
Theo BS Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng triển khai xét nghiệm, khoanh vùng các điểm nóng. Trong đó nhờ phát hiện sớm các F0 nên Đà Nẵng có thể kịp thời xác định các F1 và chặt đứt các chuỗi lây nhiễm. Việc phát hiện nhiều ca dương tính cho thấy tín hiệu tích cực, có thể sớm kiểm soát dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị cơ quan chức năng ban hành ngay kế hoạch xét nghiệm mới, đảm bảo bao phủ mức độ xét nghiệm, để kịp thời đánh giá tình hình dịch. Ông Quảng yêu cầu tiến hành kiểm tra, tổ chức lại các chốt kiểm soát khoa học hơn, bổ sung thêm cơ sở vật chất và nhân lực; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai báo y tế khi qua chốt kiểm soát dịch.
Phát biểu kết luận, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị dừng hoạt động của các cửa hàng lưu động; tiếp tục điều tra, kêu gọi người dân tự giác khai báo y tế nếu đi qua các điểm nóng dịch bệnh. Ông Chinh yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền về thông tin TP xử phạt những trường hợp không chấp hành quy định phòng, chống dịch, qua đó giúp người dân hiểu thêm về trách nhiệm phòng, chống dịch.
Cùng ngày, UBND TP Đà Nẵng vừa có kế hoạch về việc xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng nhằm giám sát chủ động dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần theo hướng dẫn tại quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 5-6 của Bộ Y tế đối với 20% người lao động tại cơ sở lao động, sản xuất, kinh doanh, nhà máy, phân xưởng, khu chế xuất, khu công nghiệp kể cả người vận chuyển, giao nhận hàng... Toàn bộ người lao động tham gia cung cấp các dịch vụ cho cơ sở sản xuất kinh doanh. Thực hiện xét nghiệm định kỳ 1 tháng/lần, với tỷ lệ 10-20% và đại diện trên từng nhóm đối tượng trực tiếp cung ứng dịch vụ, tiếp xúc khách hàng đối với các lĩnh vực. Cụ thể như: cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch; các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi; các chợ đầu mối, dân sinh; các cơ sở nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống; các đơn vị vận tải; các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, vũ trường, bar, pub, spa, dịch vụ cắt tóc, làm đẹp, thẩm mỹ; các cơ sở kinh doanh, dịch vụ thương mại ở các lĩnh vực có tiếp xúc nhiều; một số câu lạc bộ thể dục thể thao trung tâm huấn luyện; các cơ sở giáo dục; phóng viên các cơ quan báo chí, đài truyền hình; các đơn vị, địa điểm tập trung nhiều người có nguy cơ lây nhiễm cao. Xét nghiệm ngẫu nhiên đối với các trường hợp liên quan đến các bệnh viện, trạm y tế (định kỳ 1 tháng/lần với tỷ lệ 10-30%); xét nghiệm ngẫu nhiễn 10-20% phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cơ sở xét ngiệm tư nhân, cơ sở bán lẻ thuốc với tỷ lệ 20-30% với người làm việc tại cơ sở. Các công, viên chức người lao động đi công tác ngoại tỉnh tại các tỉnh, thành phố có ca nhiễm cộng đồng nhưng không thuộc khu vực áp dụng cách ly tập trung tại nhà xét nghiệm ngẫu nhiên 10-20% trong vòng 3-7 ngày sau khi về TP. Các đối tượng không có hoặc không khai thác được yếu tố dịch tễ, triệu chứng lâm sàng như trại giam, tạm giam, cơ sở xã hội Bầu Bàng, trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm điều dưỡng tâm thần... sẽ xét nghiệm trong vòng 24 - 72 giờ trước khi đưa vào các cơ sở, đơn vị tập trung dài ngày. Thời gian thực hiện từ tháng 6-2021, phương pháp thực hiện xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR, trộn mẫu để xét nghiệm phù hợp đối với các nhóm đối tượng. |