Văn hóa của người Khmer ở Nam bộ đã góp phần làm phong phú, đa dạng, độc đáo văn hóa Việt Nam và trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa Việt Nam.
- Đổi thay phum sóc
Ông Thạch Minh, 52 tuổi, ở ấp Cầu Tre – xã Phú Cần (Tiểu Cần – Trà Vinh) cho biết, thu nhập nâng cao khiến đời sống tinh thần, sinh hoạt văn hóa của bà con Khmer vui vẻ lắm. Xung quanh, nhà nào cũng có truyền hình màu, radio… Ông Thạch Minh có 4 người con, 2 con đầu đã trở thành bác sĩ, đứa kế tiếp đang học Đại học Dược Cần Thơ, đứa út lớp 12 Trường Dân tộc nội trú tỉnh. “Đứa nào cũng múa Lâm thôn khá lắm” - ông Minh khoe.
Đường sá Phú Cần hôm nay khang trang, sạch sẽ, ô tô và xe 2 bánh bon bon ngược xuôi trên đường làng; đường dây điện thoại, ăng-ten truyền hình giăng mắc trên mỗi nóc nhà. Con đường đến nhà Thạch Khel (Trà Cú – Trà Vinh) chưa rải nhựa nhưng phẳng lì, điện lưới quốc gia chạy ngang cánh đồng lúa đang trải vàng...
Chỉ vào đứa cháu hôm nay trở thành cô dâu, Thạch Khel nói với người Khmer, lễ cưới chiếm một vị trí quan trọng trong nghi lễ vòng đời và là yếu tố bảo lưu sắc thái văn hóa dân tộc. Ngày nay việc cưới hỏi trong đồng bào dân tộc Khmer đã được tiết giảm cho phù hợp với cuộc sống mới, nhưng vẫn bắt buộc phải có một số lễ chính (lễ hỏi, buộc chỉ cổ tay…). Đám cưới của một gia đình chẳng khác gì ngày hội của cả phum sóc, thể hiện tính cộng đồng rất cao. “Hủ tục bỏ dần, mỹ tục bảo tồn mà”, anh nói.
Thời gian qua, chính quyền địa phương đã thực hiện chính sách hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước để xây dựng trường lớp riêng cho trẻ em Khmer và sư sãi Nam tông; xây dựng các lò hỏa táng theo tập tục ở vùng đồng bào dân tộc, hỗ trợ giáo viên (kể cả nhà sư) dạy bổ túc chữ Khmer ở các chùa. Người Khmer xưa kia thiêu quan tài lộ thiên chứ không dùng lò thiêu như ngày nay.
Tại Sóc Trăng đã ra đời nhiều lò hỏa táng cải tiến, vừa văn minh, tiện lợi lại hợp vệ sinh nhưng vẫn giữ được nét phong tục lâu đời của dân chúng. Trong năm 2010, tỉnh Sóc Trăng đầu tư xây dựng 38 lò hỏa táng theo thiết kế hiện đại ở 38 chùa Khmer trong tỉnh (khoảng 340 triệu đồng/lò). Tại Trà Vinh đã nâng cấp, xây mới được 99 lò hỏa táng trong tổng số 141 chùa...
Đồng bào Khmer Nam bộ hầu hết theo Phật giáo Nam tông (Tiểu thừa). Do vậy ngôi chùa Khmer có vai trò rất quan trọng trong đời sống và thể hiện rõ nét văn hóa của người Khmer Nam bộ. Mỗi ngôi chùa Khmer không chỉ là một trung tâm sinh hoạt tôn giáo mà còn là trung tâm văn hóa nghệ thuật, đào tạo, giáo dục xã hội, bảo lưu tồn trữ các giá trị văn hóa dân tộc của địa phương và đều là những công trình kiến trúc, điêu khắc, hội họa, tạo hình… tuyệt mỹ. Nơi đây, người dân Khmer được lớn lên trong nếp sống đạo đức Phật giáo Tiểu thừa.
Sự giao thoa văn hóa trong quá trình cộng cư thể hiện khá rõ trên nhiều mặt. Người Việt, người Hoa, người Khmer đều ăn Tết Nguyên đán và Tết Chol Chnam Thmay; tham dự hào hứng vào lễ hội đua ghe ngo (Sóc Trăng), đua bò Bảy Núi (An Giang). Truyện Thạch Sanh - Lý Thông của người Việt và truyện Chao Sanh - Chao Thông của người Khmer; chuyện Tấm Cám và chuyện Niêng Môrơnắc Mêđa (Khmer) đều có cùng một nội dung.
- Hội nhập văn hóa
Văn hóa Việt nói chung, văn hóa dân tộc Khmer nói riêng bị “va đập” mạnh trước xu thế hội nhập văn hóa toàn cầu. Giữ gìn, bảo lưu, phát huy tính nguồn cội, bản sắc văn hóa trong bối cảnh mới đang là thách thức rất lớn. Ngày hội văn hóa Khmer Nam bộ được tổ chức định kỳ trong vùng với việc trình diễn trang phục dân tộc, lễ hội và trò chơi dân gian… cũng nhằm tôn vinh, bảo tồn văn hóa đặc sắc của bà con dân tộc Khmer.
Sự kiện trùng tu lại chùa Dơi - Sóc Trăng (còn gọi là chùa Mã Tộc, Mahatup), di tích lịch sử cấp quốc gia sau khi bị cháy (8-2007) với tổng kinh phí khoảng 4 tỷ đồng, hay tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng chánh điện chùa Ghôsitaram (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), chánh điện chùa Khmer lớn nhất Việt Nam đầu năm 2010… đã minh chứng sự quan tâm, nhất quán của Đảng – Nhà nước trong việc chăm sóc đời sống tinh thần cho bà con Khmer ĐBSCL.
| |
ĐBSCL hiện có 4 tờ báo Đảng địa phương (Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ) và báo ảnh Đất Mũi (Cà Mau) đã có ấn bản tiếng Khmer. Trong bối cảnh các ấn phẩm văn hóa bằng tiếng Khmer còn ít, việc các ấn bản tiếng Khmer của báo Đảng được phát hành miễn phí xuống tận khóm, ấp vùng đồng bào Khmer sinh sống đã góp phần làm phong phú hơn đời sống văn hóa của bà con Khmer vùng ĐBSCL.
Bên cạnh báo in, báo Cần Thơ điện tử tiếng Khmer cũng ra đời (cuối năm 2007). Từ năm 1990, Đài Tiếng nói Việt Nam đã chính thức phát sóng chương trình phát thanh tiếng Khmer tại TPHCM với thời lượng 45 phút, 3 lần/ngày. Kể từ tháng 9-2009, cơ quan thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam – khu vực ĐBSCL nâng thời lượng phát sóng chương trình này lên đến 630 phút/ngày. Các sự kiện chính trị, văn hóa thể thao hay những dịp lễ lớn của bà con Khmer đều thực hiện cầu phát thanh trực tiếp.
Ngoài ra, từ năm 2008, chương trình còn phối hợp với 7 đài PT-TH của 7 tỉnh thành thực hiện mỗi ngày một chương trình cộng tác có thời lượng 60 phút. Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ từ năm 2006 đã tăng thời lượng phát hình các chương trình tiếng Khmer cả sáng, chiều, tối với nhiều chuyên mục mới, hấp dẫn như “Cuộc sống vui tươi”, “Hành trang ngày mới”… và đặc biệt là các chương trình văn hóa văn nghệ. “Nhiều phim truyện Khmer đã được thực hiện vừa khai thác đề tài dân gian, truyện cổ tích vừa mang hơi thở cuộc sống hôm nay, gần gũi với bà con Khmer. Có những bộ phim do chính diễn viên quần chúng Khmer đảm nhiệm khá thành công…”, đạo diễn Mạch Thu Hồng thuộc Phòng Khmer Trung tâm THVN tại Cần Thơ, tâm sự.
Thổ cẩm “Khmer silk”, sản phẩm đường thốt nốt, làng nghề cốm dẹp… vẫn được vinh danh trong kinh tế thị trường. Hương sen vẫn tỏa ngát, vẫn luôn giữ cốt cách trong sóng gió hội nhập.
Đặc sắc văn hóa Khmer Nam bộ - Cái chữ thay đổi cuộc đời
Chưa bao giờ tiếng dân tộc được đề cao, tôn trọng như vậy, nhiều vị cao niên dân tộc Khmer nhận xét.
Đa dạng loại hình giáo dục
Ngôi Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) Hậu Giang được đầu tư trên 50 tỷ đồng nằm cặp lộ (ngã ba Vĩnh Tường - Long Mỹ) có không gian rộng rãi khang trang và được trang bị khá hiện đại với hệ thống máy tính, bảng tương tác thông minh… “Năm học này 3 khối lớp có 242 em, chủ yếu là con em đồng bào Khmer nghèo, vùng sâu vùng xa. Năm ngoái tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt trên 85,3%”, thầy Hiệu trưởng Phan Ngọc Thuần giới thiệu.
Ngoài nội dung chương trình như các trường khác, ở đây còn dạy tiếng Khmer 3 tiết/tuần, nhiều em khi tốt nghiệp nói được 3 thứ tiếng (Anh, Việt, Khmer). Từ ngôi trường này nhiều em đã bước vào giảng đường đại học.
Đến nay, toàn vùng có 9 trường DTNT cấp tỉnh và 15 trường cấp huyện. Hàng năm có trên 6.400 học sinh Khmer theo học. Giáo viên dạy chữ Khmer được hưởng phụ cấp thêm 50% lương, học sinh dân tộc Khmer được miễn học phí, hưởng chế độ chính sách ưu đãi, được cấp dụng cụ học tập và mượn sách giáo khoa, riêng học sinh trong hệ thống trường DTNT được nhà nước chăm lo toàn bộ từ học hành, ăn, ở và các chế độ khác…
Ngoài hệ thống trường văn hóa, con em người Khmer còn theo học tại trường Phật giáo. Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam bộ tại Sóc Trăng đã đào tạo được 16 khóa với hơn 800 tăng sinh. Ngoài ra, nhiều chư tăng còn theo học các trường đại học tại TPHCM, Cần Thơ, Trà Vinh với các chuyên ngành tin học, kế toán, du lịch, Anh văn; trên 50 vị đang du học tại các trường đại học Phật giáo ở Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ.
Nhiều vị cao niên người Khmer trong vùng cùng nhận định chưa bao giờ tiếng dân tộc được đề cao, tôn trọng như vậy.
Còn cần nhiều nỗ lực
Bây giờ bà con Khmer gặp nhau hay hỏi con anh học lớp mấy, ra nghề chưa, thay vì hỏi con anh đi tu chưa như ngày trước. “Đó là sự thay đổi lớn về nhận thức”, Phó ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh Kim Hồng Danh khẳng định. Trước kia cả chục người mới có 1 người đi học nay đã khác hẳn.
Trà Vinh hiện có trên 1.000 sinh viên đại học người Khmer. Có cả thạc sĩ tu nghiệp nước ngoài. Trình độ dân trí của bà con ngày càng cao, “bùng nổ” đội ngũ trí thức người Khmer cống hiến trên rất nhiều lĩnh vực xã hội.
* Đến nay, so với năm 1991, số lượng học sinh Khmer tăng gấp 2 lần, giáo viên Khmer tăng 2,04 lần. Sinh viên đại học tăng về số lượng và chất lượng (trung bình có khoảng 2.200 sinh viên/năm). |
Thượng tọa Lý Hùng, Ủy viên DK Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP Cần Thơ phân tích: “Đất nước ta đang trên đà tiến lên CNH - HĐH và người dân Khmer Nam bộ cũng không nằm ngoài bước chuyển đó. Bà con không chỉ cắm cúi với thửa ruộng nữa mà đã thấy rõ cái chữ sẽ thay đổi cuộc đời. Đảng - Nhà nước nhất quán chính sách nâng cao dân trí cho toàn dân và quan tâm ưu đãi cho con em dân tộc Khmer, nên xu hướng học tập ngày càng phát triển, mở rộng”.
Chùa Pitu Khôsa Răngsây, nơi thượng tọa đang trụ trì, đã vận động phật tử đóng góp hơn 2 tỷ đồng cho quỹ khuyến học, Tiếp sức mùa thi, mở lớp học miễn phí… cho con em người Khmer nghèo.
Giữ gìn, phát huy tiếng dân tộc cũng chính là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đó. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ nhưng do tập quán bà con Khmer thường sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi còn hạn chế về cơ sở hạ tầng, dịch vụ; thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp nên vẫn còn một bộ phận không nhỏ cuộc sống còn khó khăn, trình độ dân trí thấp. Điều này khiến việc tiếp nhận chủ trương, chính sách, ứng dụng KHKT, tiếp nhận thông tin… chưa tương xứng với nỗ lực đầu tư và đóng góp của xã hội.
Có một thực tế là khá nhiều học sinh Khmer nói, hiểu được nhưng viết chữ Khmer rất khó khăn. Trường DTNT Hậu Giang có 173 em tham gia học tiếng Khmer thì 51 em chưa nói được, 114 em học quyển 1, 54 em học quyển 2 của chương trình tiểu học (từ vỡ lòng trở lên có 7 quyển, do NXB Giáo dục ấn hành).
Các ngôi chùa Khmer không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là trường học chữ, truyền dạy nhân cách, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng – Nhà nước. Tỷ lệ 70% sư sãi chỉ có trình độ phổ thông cơ sở, 10% số sư không biết chữ quốc ngữ, số sư có trình độ trung cấp Phật học còn khiêm tốn chắc sẽ khiến nhiều người quan tâm, suy nghĩ?
Vũ Thống Nhất