Kỳ tuyển sinh đại học năm 2016 vừa kết thúc, bên cạnh niềm vui của các tân sinh viên là nỗi buồn của những thí sinh rớt đại học, chuyển qua học cao đẳng, trung cấp hoặc chờ năm sau thi lại. Khi nghĩ đến con đường để thành công, người ta hay nghĩ đến chuyện phải học đại học. Suy nghĩ của xã hội và nhiều nơi tiếp nhận lao động cũng cho rằng chỉ có bằng đại học mới chứng minh được năng lực. Vậy, con đường đại học có là cánh cửa duy nhất vào đời?
Có nhiều con đường để người trẻ vào đời như học một nghề để nuôi sống tốt bản thân (Ảnh: NGUYỄN TƯỜNG)
Không là duy nhất
Năm ngoái, Bùi Thị Kiều Duyên (20 tuổi, quận Thủ Đức, TPHCM) trượt đại học. Vì không theo được ngành mình yêu thích, dưới sức ép từ gia đình, Duyên cũng chọn đại một trường dân lập để theo học. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau, Duyên thấy ngành nghề mà cô đang cố theo học không hề phù hợp. Thế là Duyên nghỉ học, đi làm cho một công ty.
Duyên chia sẻ: “Cơ hội dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học cũng nhiều hơn, mức thu nhập cao hơn. Nhưng, học xong mà không làm được gì, học mà không đam mê thì điều đó thật vô nghĩa. Hơn nữa, mỗi người một khả năng, một điều kiện, một lý tưởng và một đam mê khác nhau. Tôi không hề hối tiếc khi từ bỏ con đường học tập để đi làm bởi dù không có tấm bằng, hiện tại tôi vẫn có công việc là trưởng nhóm bán hàng của một công ty, dù nhỏ thôi. Tôi không muốn lãng phí tiền bạc của cha mẹ và lãng phí thời gian của bản thân khi cứ cố để lấy cái bằng dù ngành học hoàn toàn không phù hợp”.
Năm nay, Nguyễn Minh Tấn (ngụ quận 8, TPHCM) đăng ký thi vào một trường quân sự theo truyền thống gia đình. Sức học bình thường, lại không ham học như bạn bè đồng lứa nên Tấn cứ nhắm mắt thi đại, vì “gia đình chọn trường sẵn rồi”. Đến khi công bố điểm thi khối A, gia đình Tấn ai cũng sốc vì cậu chỉ nhỉnh hơn điểm sàn một chút, cách điểm chuẩn ngôi trường mà Tấn nộp hồ sơ đến 7 điểm. Thay vì buồn, Tấn gợi ý ba mẹ cho chuyển qua học Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng vì cậu thích lắp ráp máy móc. Ba mẹ Tấn lúc đầu không chịu, yêu cầu cậu học một trường đại học dân lập và tiếp tục ôn để năm sau thi lại. Tấn kiên quyết thuyết phục bằng được ba mẹ và cuối cùng cậu đã toại nguyện. Tấn cho biết: “Tôi nghĩ học trường nào cũng vậy thôi, quan trọng là học ngành mình chọn và ra đời, ai cũng như ai, ăn thua vẫn là nỗ lực bản thân. Tôi không học đại học cũng không sao, còn nhiều con đường khác mà”.
“Theo tôi, tấm bằng đại học không phải là con đường duy nhất đi đến thành công, bởi thực ra khi đi làm, khởi nghiệp hay tham gia các dự án ở môi trường chuyên nghiệp rồi thì có bằng cấp nhưng không có năng lực cũng xem như vứt đi. Bỏ qua bằng cấp, cái còn lại để một con người khẳng định giá trị của chính họ trong công việc cũng như cuộc sống là sự đeo đuổi đam mê đến cùng. Đây là điều khiến quá nhiều bạn trẻ dễ bỏ cuộc”. Đó là chia sẻ của anh Trần Thanh Tùng (28 tuổi, TPHCM), chủ nhân Dự án Cà phê sáng tạo Monkey in Black khá đình đám thời gian qua.
Được quyền tự quyết
Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ được gia đình định hướng việc học đại học. Từ nhỏ, nhiều người đã được gieo vào đầu suy nghĩ cha mẹ quyết định thay chúng ta và bản thân không có quyền phản biện. Rõ ràng, việc định hướng học cho con là hoàn toàn đúng tuy nhiên cần phải quan tâm đến con mình phù hợp với nghề gì. Anh Lê Xuân Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TPHCM, cho rằng: “Trước ngưỡng cửa phải lựa chọn nghề nghiệp, bạn trẻ hãy mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình, phải thường xuyên trao đổi, trò chuyện để cha mẹ hiểu về năng lực và sở thích. Nên tham khảo ý kiến của cha mẹ, anh chị đi trước. Thậm chí sử dụng các công cụ trắc nghiệm nghề nghiệp, tính cách để xem mình phù hợp với ngành nghề nào”.
Bất cứ ngành nghề nào, bậc đào tạo nào nếu bản thân thật sự nhiệt huyết, đam mê, ham học hỏi và phù hợp với nghề thì chắc chắn sẽ thành công. Rất nhiều tấm gương đã thành đạt ở nhiều lĩnh vực khác nhau dù có hay chưa có bằng đại học, dù bất kỳ ngành nghề nào. Anh Trần Thanh Tùng chia sẻ: “Sự giao tiếp của bạn với người khác, kinh nghiệm làm việc và cách thể hiện khả năng tư duy, tầm nhìn... là những điều rất quan trọng. Tất cả chỉ có được qua trải nghiệm, khi bạn lăn xả vào những điều mới mẻ... ngoài môi trường giáo dục chính quy vốn mang tính truyền thống và hàn lâm”. Tuy nhiên, anh Trần Thanh Tùng cũng cho rằng, nếu được, hãy có một tấm bằng đại học bởi đó sẽ là tấm vé vớt khi bạn thất bại trên nhiều lĩnh vực. “Không thể lấy việc “tôi không cần tấm bằng đại học” để tạo điều kiện cho bản thân lười biếng, chán nản, dễ dàng bỏ cuộc trước tri thức bởi không phải ai cũng có thể theo chân Steve Jobs hay Bill Gates”, anh Tùng nói.
Với những bạn trẻ tạm không chọn con đường đại học, có thể học hỏi trong quá trình đi làm để tự mình lớn lên, như quan điểm của bạn Kiều Duyên: “Tôi không học đại học, không học cao đẳng mà tôi học cách giao tiếp, cách marketing thương hiệu của công ty tôi ngay chính từ sự trải nghiệm trong công việc, từ đồng nghiệp. Lúc thi rớt đại học, có lúc, tôi nghĩ đó là dấu chấm hết. Nhưng theo thời gian, cuộc sống cuốn đi, tôi nhận ra rằng còn nhiều thử thách to lớn hơn nhiều. Nếu thực sự muốn học, ta có thể học được ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào mà không nhất thiết cứ phải vào trường đại học”.
TIỂU TÂN