
Nhiều môn học được số hóa, dùng chung
Theo PGS-TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM là 2 đơn vị dẫn đầu Việt Nam trong việc đổi mới các phương pháp giáo dục đại học. Việc triển khai sử dụng bài giảng trực tuyến môn Triết học Mác - Lênin dùng chung trong Đại học Quốc gia TPHCM thuộc đề án giáo dục 4.0 là một nỗ lực cụ thể để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo trong toàn hệ thống.
“Ngoài đặc thù của các trường thành viên, Đại học Quốc gia TPHCM cần có những môn học thể hiện nhận thức chung của toàn hệ thống. Môn Triết học Mác - Lênin được chọn là một trong những môn học dùng chung trong Đại học Quốc gia TPHCM theo mô hình lớp học đảo ngược. Tiếp sau môn học này sẽ xây dựng hệ thống bài giảng dùng chung cho môn Xác suất thống kê”, PGS-TS Nguyễn Minh Tâm cho biết.
PGS-TS Vũ Tình, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), thành viên ban soạn thảo chương trình môn Triết học Mác - Lênin, cho biết, đến nay Đại học Quốc gia TPHCM đã biên soạn 81 video bài giảng cho môn Triết học và tổ chức thí điểm tại Trường ĐH Quốc tế và Trường ĐH Kinh tế - Luật. Hệ thống video này không bao phủ toàn bộ nội dung môn học và thay thế hoàn toàn cho việc giảng dạy trực tiếp trên lớp. Việc trao đổi giữa giảng viên và sinh viên trên lớp sẽ chú trọng phần vận dụng kiến thức để nhận thức, giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống hiện thực. Ngoài những câu hỏi trắc nghiệm trong tài nguyên học tập, một số video có câu hỏi mang tính gợi mở tư duy. Việc sử dụng bài giảng trực tuyến này sẽ áp dụng theo mô hình “Flipped Classroom” (lớp học đảo ngược) - 1 trong 5 xu hướng công nghệ giáo dục của Mỹ. “Khi thỉnh giảng cho Đại học Touro của Mỹ, tôi được yêu cầu chỉ sử dụng 1/3 thời lượng của mỗi buổi học. Phần thời gian còn lại, tôi sẽ phải lắng nghe người học trình bày những kiến thức từ việc tự học”, PGS-TS Vũ Tình chia sẻ.
Trong khi đó, PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng, những bài giảng trong hệ thống bài giảng trực tuyến môn Triết học Mác - Lênin được ban soạn thảo đầu tư, thiết kế hay, trực quan sinh động. Nếu được áp dụng vào quá trình giảng dạy sẽ đạt hiệu quả cao.
Xây dựng hệ thống học liệu số
Theo PGS-TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, một trong những nguyên tắc cốt lõi của đổi mới phương pháp giảng dạy là xây dựng hệ sinh thái học tập như cơ sở dữ liệu số, hệ thống bài giảng video dùng chung, các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn giảng viên...
Hệ thống học liệu số của Đại học Quốc gia TPHCM được vận hành trên trang hệ thống đào tạo trực tuyến với mục tiêu xây dựng một phần hệ thống bài giảng môn học dùng chung, tài liệu tham khảo, bài giảng số chuyên ngành. Với hệ thống này, sinh viên có thể tự nghiên cứu học tập, giảng viên tham khảo cho các hoạt động dạy học. Hệ thống học liệu số do chính giảng viên đăng ký xây dựng và thiết kế. Thông qua hệ thống học liệu số đã triển khai, các giảng viên và sinh viên có thể khai thác sử dụng chung.
Đặc biệt, trong năm 2023, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số toàn hệ thống. Sinh viên các đơn vị thành viên cũng được cấp tài khoản đăng nhập vào hệ thống học liệu số các môn học chung để học tập và tham khảo. Đồng thời, hệ thống cũng cung cấp một nền tảng học trực tuyến đủ các tính năng (quản lý, kiểm tra, đánh giá, phân tích kết quả học tập...). Tính đến nay, 43 môn học đã có trên hệ thống học liệu số Đại học Quốc gia TPHCM. Đại học này đã xây dựng được hệ thống với hai môn chung (trong đó môn Triết học Mác - Lênin đã có 81 video bài giảng và tổ chức thí điểm tại Trường ĐH Quốc tế và Trường ĐH Kinh tế - Luật) và 41 môn học/học phần thuộc khối kiến thức cơ bản và cơ sở ngành của các trường ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Công nghệ thông tin và ĐH Kinh tế - Luật.
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, năm 2023, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học thông qua chuyển đổi số trong toàn hệ thống. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là triển khai kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021-2025 và thực hiện rà soát, đánh giá giữa kỳ với các hoạt động chính: thúc đẩy chuyển đổi số, đa dạng hóa nguồn lực tài chính...
Về đào tạo, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đào tạo: phát triển hệ thống học liệu số dùng chung trong giảng dạy và học tập; xây dựng và triển khai các khóa học trực tuyến trên nền tảng MOOCs (Massive Open Online Courses - khóa học trực tuyến đại chúng mở); triển khai toàn diện, đồng bộ hệ thống quản lý đào tạo. Về khoa học và công nghệ, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ thực hiện chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ: xây dựng và vận hành hệ thống đăng ký, quản lý đề tài, dữ liệu về khoa học - công nghệ; tiếp tục thực hiện chiến lược nâng cao số lượng công bố quốc tế trong danh mục ISI/Scopus, chú trọng hợp tác quốc tế trong công bố…