Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam “đồng hành-hiệp thông-phục vụ” ​ ​

Ngày 8-10, tại Hà Nội, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã họp báo về Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần VII (nhiệm kỳ 2018-2023).
Linh mục Trần Xuân Mạnh chủ trì họp báo
Linh mục Trần Xuân Mạnh chủ trì họp báo

 Đại hội do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tổ chức chính thức diễn ra trong hai ngày 12 và 13-10 tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội triệu tập hơn 400 đại biểu chính thức là linh mục, tu sĩ và giáo dân tiêu biểu. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số tôn giáo bạn. Đại hội lần này với chủ đề “đồng hành-hiệp thông-phục vụ” nhằm xác định đường hướng hoạt động cụ thể của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong thời gian tới.

Linh mục Trần Xuân Mạnh, quyền Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo cho biết, đại hội sẽ đánh giá kết quả phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào công giáo; hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2018; rút ra những bài học kinh nghiệm, cách làm hay về nội dung, phương thức hoạt động. Trên cơ sở đó, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để đưa phong trào thi đua yêu nước và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát triển hơn. Đại hội sẽ hiệp thương cử ra Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam khóa VII (nhiệm kỳ 2018-2023)…

Theo đánh giá của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, trong những năm qua, phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” (nay là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”) đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, vừa góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vừa hiệp thông thực hiện các chương trình mục vụ của giáo hội. Từ phong trào thi đua yêu nước, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang khẳng định hiệu quả kinh tê cao. Các mô hình này chủ yếu tập trung vào chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất theo quy mô trang trại, gia trại để  nâng cao giá trị và sản lượng hàng hóa; phát triển những làng nghề, ngành nghề truyền thống với quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn; thành lập các doanh nghiệp, công ty sản xuất, kinh doanh với hiệu quả cao.

Trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng bào công giáo đã góp hàng nghìn tỷ đồng và hàng chục nghìn ngày công để làm đường giao thông, công trình phúc lợi… Nhiều địa phương có đông đồng bào công giáo sinh sống đã được chọn để làm điểm về xây dựng nông thôn mới, đến nay đã về đích nông thôn mới như: huyện Hải Hậu (Nam Định), huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), huyện Đơn Dương (Lâm Đồng)… Bên cạnh đó, các phong trào: xây dựng gia đình công giáo gương mẫu, xứ họ đạo tiên tiến; Xứ, họ đạo an toàn; Xứ đạo thực hiện nếp sống mới văn minh, xứ đạo sáng-xanh-sạch-đẹp đã góp phần tích cực vào việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa tại các xứ, họ đạo.

Đặc biệt, hoạt động từ thiện nhân đạo của đồng bào công giáo phát triển sâu rộng, thể hiện qua những việc làm thường xuyên của người công giáo như mở lớp học tình thương dạy chữ, dạy nghề miễn phí cho trẻ em lang thang, người khuyết tật; chăm sóc bệnh nhân phong và bệnh nhân AIDS; quyên góp tiền mổ mắt, mổ tim cho người nghèo; xây nhà tình nghĩa; hỗ trợ người dân bị thiên tai… Điển hình như tại TPHCM, với sự giúp đỡ của đồng bào công giáo, năm 2017 có hơn 2.000 sinh viên, học sinh nghèo được cấp học bổng, 16.591 em được theo học tại các lớp học tình thương, các lớp học nghề miễn phí. Toàn thành phố hiện nay có 920 cụ già neo đơn được các giáo xứ và dòng tu trợ cấp, phục vụ bữa cơm nhân ái hàng ngày. Tại tỉnh Nghệ An, Tòa Giám mục Xã Đoài tham gia hoạt động từ thiện thiện trong 5 năm 2012-2017 với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Tại tỉnh Phú Yên, đồng bào công giáo đã ủng hộ 13,2 tỷ đồng vào các hoạt động từ thiện,…

Đến nay , hệ thống Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã có mặt tại 42 tỉnh, thành phố. Tại các địa phương đã thành lập được 286 Ban Đoàn kết công giáo quận, huyện.

Dự kiến trong nhiệm kỳ 2018-2023, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đã có, đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện đường hướng đồng hành-hiệp thông-phục vụ trong hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc và giáo hội; các thành viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam luôn luôn hiệp thông với giáo hội, cùng giáo hội chăm lo cho mọi thành phần dân Chúa trên quê hương Việt Nam; Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam dấn thân vào đời sống xã hội Việt Nam để phục vụ mọi người trong vui mừng và hy vọng; tiếp tục sứ mệnh phục vụ cộng đồng dân tộc và giáo hội để góp phần hiện thực hóa phương châm “tốt đời- đẹp đạo” của người công giáo).

Tin cùng chuyên mục