Ngày 23-12, tại Windsor An Đông Plaza, đông đảo cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - Ngân hàng được hợp nhất từ hệ thống Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã đồng lòng với chiến lược phát triển mới của SCB.
Tam tài nhất tiến
Cách đây hơn 1 tuần lễ, vào ngày 15-12-2011, đại hội đồng cổ đông của cả 3 ngân hàng tiền thân hợp nhất đều đồng thuận đặt tên ngân hàng mới là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Saigon Commercial Joint-Stock Bank - SCB), ngân hàng này sẽ kế thừa và thực hiện tất cả hoạt động kinh doanh hiện tại của 3 ngân hàng. Như vậy, 3 tổ chức tài chính nay đã hội chung trên một con thuyền, đồng nhất một hướng đi. Chặng đường phía trước tuy còn nhiều chông gai nhưng chính từ sự đồng lòng tại cả 3 Đại hội cho thấy SCB “mới” đang được ủng hộ rất to lớn để bước sang trang sử mới.
Cụ thể, tỷ lệ đồng thuận tại tất cả các tờ trình của cả 3 đại hội đều đạt trên 90%. Trong đó, hầu hết các tờ trình ở SCB, Ficombank tỷ lệ bỏ phiếu thuận vượt mức 99%. Nếu biết tổng số cổ đông của cả 3 ngân hàng lên đến 3.693 cổ đông, với cổ đông cá nhân trong nước chiếm đến 85,17%, thì tỷ lệ trên đã cho thấy niềm tin và sự ủng hộ to lớn của các cổ đông, nhà đầu tư dành cho ban lãnh đạo ngân hàng hợp nhất. Sau khi hợp nhất, giá trị sổ sách của 3 ngân hàng sẽ được chuyển giao cho SCB “mới” vào ngày hợp nhất và vốn điều lệ của ngân hàng đạt gần 10.584 tỷ đồng. Tổng tài sản của ngân hàng mới sẽ đạt trên 150.000 tỷ đồng, nhân sự gần 4.000 người, mạng lưới hoạt động khá rộng với 230 điểm.
Đại hội của niềm tin
Và cách đây 3 ngày, vào ngày 23-12-2011, tại Windsor Plaza, Ngân hàng hợp nhất với tên gọi là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã chính thức tổ chức Đại hội đồng cổ đông hợp nhất để xin ý kiến cổ đông và thông qua các nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng hợp nhất. Đại hội đã làm việc trong vòng 5 tiếng với nỗ lực đồng thuận tiếp tục của đông đảo cổ đông. Kết quả Đại hội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua các nghị quyết với tỷ lệ phiếu thuận luôn trên 98%.
Một số nội dung quan trọng được thông qua bao gồm: Thông qua toàn văn nội dung Dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCB; Phê chuẩn Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị, Quy chế tổ chức và hoạt động Ban Kiểm soát của SCB; Ủy quyền cho Hội đồng quản trị SCB quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông; Chấp thuận ngân sách hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát SCB năm 2012; Chấp thuận bầu 8 thành viên Hội đồng quản trị, 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập, 4 thành viên Ban Kiểm soát của SCB nhiệm kỳ 2012-2017.
Tại Đại hội, cổ đông và Hội đồng quản trị mới đã thống nhất tín nhiệm bầu Bà Nguyễn Thị Thu Sương (Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ficombank) đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT SCB. Ông Vũ Văn Thành (Nguyên Chủ tịch HĐQT TinNghiaBank) đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT SCB. Hội đồng quản trị cũng nhất trí bổ nhiệm Ông Uông Văn Ngọc Ẩn - Thành viên HĐQT (Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ficombank) giữ chức vụ Tổng Giám đốc SCB. Ông Lê Phương Hiền (Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT SCB) giữ chức vụ Trưởng ban Kiểm soát.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TPHCM nhận định: SCB đã trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất trong hệ thống Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam. Việc SCB tiên phong hợp nhất tự nguyện đã khẳng định chủ trương đúng đắn tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TPHCM sẽ tiếp tục hỗ trợ, sát cánh cùng SCB sớm hoàn tất thủ tục hợp nhất theo quy định và đi vào hoạt động hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương, Chủ tịch HĐQT SCB tin tưởng: “Sau hợp nhất, SCB sẽ phát triển tốt hơn, phát huy thế mạnh về năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng quản lý điều hành để nhanh chóng trở thành một trong những ngân hàng dẫn đầu trên thị trường. Hội đồng quản trị SCB cam kết nỗ lực hết mình để thực thi quyền lợi và trách nhiệm mà Đại hội đồng cổ đông giao phó”.
Có thể nói, thông qua các đại hội cổ đông vừa diễn ra liên tục đã cho thấy niềm tin của hàng ngàn cổ đông đang đặt “trùng vào một nhịp”. Đó chính là nhịp đập của hàng ngàn con tim đang dõi theo tương lai của một ngân hàng SCB, với sức sống và niềm tin mới. Một ngân hàng SCB mạnh mẽ về năng lực vốn, tài sản và sự đồng thuận trong cổ đông chắc chắn sẽ trở thành một định chế tài chính phát triển bền vững, phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.
| |
TƯỜNG MINH