Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802 - 1945)

Vì nhiều lý do, trang phục cổ của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử hầu như bị bỏ trống, điều này dẫn đến nhiều vấn đề trong việc tái hiện lại lịch sử, đặc biệt là trong các hoạt động văn hóa. Thời gian gần đây, nhiều nhà nghiên cứu đã nỗ lực thông qua các tư liệu còn lại để dần hệ thống hóa và lấp đầy khoảng trống thông tin về lĩnh vực này trong lịch sử.

Vừa qua, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã công bố cuốn sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802 - 1945. Đây là công trình nghiên cứu mang tính toàn vẹn đầu tiên về vấn đề trang phục lễ của một giai đoạn triều đình phong kiến Việt Nam. Sách do Công ty Cửu Đức liên kết với NXB Hồng Đức xuất bản, dày 272 trang khổ 27x27, in màu.

Tác phẩm Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802 - 1945 được chú ý rất nhiều do đây là tác phẩm hiếm hoi sử dụng hình ảnh minh họa trang phục lại là hình ảnh gốc, không phải là hình được dựng lại sau này. Số hình ảnh này vốn nằm trong bộ tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, quê gốc Hà Nội, từng làm chức ký lục tòa khâm sứ tại kinh đô và sau này là Biên tu Viện hàn lâm hưu trí vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Bộ tranh của Nguyễn Văn Nhân vẽ vào năm 1902 theo cách truyền thần, tức vẽ người thật. Trong đó có ba nội dung chính: hình ảnh của hoàng gia gồm đủ các chức tước, các vị trí trong hoàng tộc (từ thiên tử đến tôn thất); hình ảnh quan lại: từ quan phẩm thứ nhất đến phẩm thứ chín, đủ cả văn võ, đủ cả chánh phẩm và tòng phẩm với phẩm phục bao gồm cả thường triều (mặc đi làm việc) và đại triều (mặc vào lạy vua) và đặc biệt là có cả hình ảnh sắc phục các loại lính: cận vệ, nấu ăn, lính hầu trà, lính lễ thanh minh, bảo vệ, các đội kinh tượng, chiến mã... sắc phục có đủ trang phục thường và trang phục lễ.

Song song với các hình ảnh thực tế, tác giả còn khảo cứu, đối chiếu với những nội dung quy định áo mão, phẩm phục của triều Nguyễn trong bộ sách Đại Nam hội điển sự lệ nhằm đảm bảo sự chính xác về mặt thông tin, tư liệu.

Tác phẩm của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn được đánh giá có giá trị quan trọng không chỉ với các nhà nghiên cứu lịch sử mà còn cả với các hoạt động văn hóa xã hội. Như việc thực hiện các bộ phim, các hoạt động mang tính lịch sử, công tác phục dựng hình ảnh vua quan thời Nguyễn ở các bảo tàng, các nhà tạo mẫu để tham khảo trang phục xưa…

XUÂN THÂN
 

Tin cùng chuyên mục