
Sau 3 năm đảm nhận chức vụ Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine (ảnh) sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình vào tháng 9 tới. Nhân chuyến thăm và làm việc tại Đà Nẵng, trước khi lên tàu USS Peleliu của hải quân Hoa Kỳ (đang hoạt động nhân đạo tại Đà Nẵng) trở về Mỹ, chiều 25-7, ông Michael Marine đã dành cho báo chí cuộc trao đổi xoay quanh những bước tiến trong quan hệ Việt-Mỹ thời ông làm đại sứ và những vấn đề tiếp nối để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.
- PV: Thưa đại sứ, xin ông cho biết điều tâm đắc nhất trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam?

Đại sứ MICHAEL MARINE: Trong 3 năm làm việc tại Việt Nam, tôi nhận thấy là quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng trở nên khăng khít. Các chỉ số về quan hệ thương mại song phương, đầu tư, mà hai bên cùng quan tâm đều có những bước tiến đáng kể. Nói cách khác, hai bên đã tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề vốn gây trở ngại trước đây như nhân quyền, tự do tôn giáo, tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh, giải quyết hậu quả chất độc dioxin. Đặc biệt, sự tiến bộ trong mối quan hệ giữa 2 nước đã thể hiện rõ thông qua chuyến thăm VN của Tổng thống George W. Bush hồi mùa thu năm 2006 và chuyến thăm Mỹ mới đây của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
- Xin ông cho biết những vấn đề gì còn tồn tại mà người kế nhiệm của ông phải làm?
Tôi được biết, người kế nhiệm tôi sẽ là ông Michael W. Michalak, hiện là đại sứ Mỹ tại APEC. Theo tôi, ông Michalak cần xúc tiến tiếp những tiến bộ đã đạt được trong các lĩnh vực như y tế, tôn giáo, giải quyết hậu quả chất độc dioxin… Đặc biệt, ông ấy cần chú trọng đến 6 vấn đề chính, bao gồm: tăng cường thúc đẩy sự hiểu biết giữa hai bên, hỗ trợ tiến trình cải cách kinh tế tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Hoa Kỳ mở rộng quan hệ hợp tác làm ăn tại đây, tập trung giải quyết các hiểm họa, dịch bệnh như cúm gia cầm, HIV/AIDS, đẩy mạnh hợp tác giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia như hoàn thiện hệ thống pháp luật, chống khủng bố, buôn bán ma túy và quan tâm đến nhân quyền cũng như tự do tôn giáo. Tôi tin rằng, với những kinh nghiệm của ông ấy tại APEC, ông ấy cũng sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình.
- Được biết, ông vừa đi thực tế tại khu vực sân bay Đà Nẵng, một trong những nơi được coi là nhiễm dioxin nặng nhất Việt Nam, theo ông có sự tiến bộ nào rõ rệt nhất trong quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ về vấn đề giải quyết hậu quả chất độc này tại Việt Nam?
Từ năm 2002, chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề này bằng việc trao đổi thông tin với chính phủ Việt Nam. Tháng 5-2007 giữa hai chính phủ đã ký thỏa thuận cùng nhau giải quyết hậu quả. Hiện thông qua quỹ Ford, chính phủ Hoa Kỳ tài trợ 2,4 triệu USD để làm sạch dioxin trong đất và nước tại một số khu vực của Việt Nam (trong đó sẽ dành ra 400.000 USD để làm sạch khu vực sân bay Đà Nẵng). Thông qua công ty PEM của Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ chuyển giao những kinh nghiệm cũng như hiểu biết của mình trong việc tẩy độc này cho phía Việt Nam. Hiện việc lên kế hoạch tẩy độc chi tiết vẫn đang được hai bên ráo riết xúc tiến để đến cuối năm có thể bắt đầu thực thi.
- Xin ông nói rõ thêm về khoản chi 65 triệu USD của Chính phủ Mỹ dành cho VN trong năm 2008 để phòng chống HIV/AIDS?
Số tiền này sẽ được đầu tư qua chương trình Quỹ khẩn cấp PEPFAR do Tổng thống Mỹ thành lập để giúp các nước đang phát triển phòng chống HIV/AIDS. VN tham gia chương trình này từ năm 2004. Đến nay, Chính phủ Mỹ đã cung cấp 80 triệu USD cho Bộ Y tế và các đối tác khác của VN để triển khai các biện pháp ngăn chặn sự lây lan đại dịch HIV/AIDS, chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Số tiền này mỗi năm mỗi tăng và hy vọng sang năm sau nữa sẽ còn tăng cao hơn.
- Ông nghĩ thế nào về nguồn vốn đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam hiện nay?
Làn sóng đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn, đó là điều tôi có thể khẳng định (đến cuối năm 2006 số vốn đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam đã đạt khoảng 4 tỷ USD). Trong 3 năm ở Việt Nam, tôi đã đi qua 56 tỉnh thành và điều tôi nhận thấy rõ ràng nhất là rất nhiều địa phương của Việt Nam hết sức năng động trong việc thu hút đầu tư. Tuy nhiên, như các bạn biết, bất cứ nhà đầu tư nào, kể cả các doanh nhân Hoa Kỳ cũng rất thận trọng khi bỏ tiền ra nếu chưa nắm rõ môi trường kinh doanh nơi mình sẽ đến. Các bạn cần liên kết thành những khu vực có chung môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ lẫn nhau chứ không nên làm riêng rẽ như hiện nay. Có một điều tôi có thể nhấn mạnh rằng, các nhà đầu tư Hoa Kỳ nên nhanh chân hơn kẻo bỏ lỡ mất cơ hội đầu tư rất thuận lợi tại Việt Nam.
- Kết thúc nhiệm kỳ của mình, điều gì ông cảm thấy ấn tượng nhất về Việt Nam?
Tôi có rất nhiều kỷ niệm với Việt Nam, đặc biệt là tôi đã có rất nhiều bạn bè ở đây. Tôi rất thán phục trước vẻ đẹp của con người, thiên nhiên và văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, đức tính tốt đẹp nhất của người Việt Nam, theo tôi, đó là họ không quên quá khứ nhưng lại hòa nhập rất tốt với hiện tại và tương lai. Nếu có lời khuyên cho ai đó, tôi khuyến khích họ nên đến Việt Nam để tự thân họ cảm nhận được hết vẻ đẹp và hiểu hơn về đất nước xinh đẹp này. Riêng đối với những doanh nhân Mỹ chưa hoạt động tại Việt Nam, tôi sẽ khuyên họ nên đến để tìm cơ hội tại thị trường rất năng động này.
- Xin cảm ơn Đại sứ!
H.Minh - K.Anh - NG.Hùng
Tân Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đến thăm Việt Nam trong chuyến công du đầu tiên: B.M. |