Các nội dung sửa đổi về hình thức tổ chức và vai trò của MTTQ Việt Nam được nêu ở phần sửa đổi Điều 9 Hiến pháp năm 2013 tại dự thảo Nghị quyết. Nội dung sửa đổi đưa các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ về trực thuộc MTTQ cũng được đề cập tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam. Quy định như trên sẽ giúp công tác thu thập ý kiến của nhân dân được triển khai có hiệu quả hơn; đồng thời Mặt trận - cơ quan đại diện và bảo vệ quyền lợi của nhân dân sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn, buộc các cơ quan phải lắng nghe và tiếp thu ý kiến.
Việc khẳng định các tổ chức chính trị - xã hội lớn trực thuộc MTTQ Việt Nam và “được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam” là thay đổi lớn nhằm tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn cơ chế “chủ trì” và “thống nhất hành động” để đảm bảo tính chủ động, đặc thù của từng tổ chức thành viên mà vẫn phát huy vai trò trung tâm của MTTQ Việt Nam.
Theo đó, cần bổ sung hoặc làm rõ trong văn bản hướng dẫn thi hành Hiến pháp (như Luật MTTQ Việt Nam sửa đổi) về quy chế phối hợp, cơ chế ra quyết định và phân định trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan, đơn vị (gồm MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên) khi thực hiện các hoạt động chung, nhất là trong công tác giám sát, phản biện xã hội và tập hợp ý kiến nhân dân.
Thời gian qua, vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được Đảng đánh giá là một trong những chức năng hữu hiệu đảm bảo hoạt động của các cơ quan chính quyền nằm trong khuôn khổ pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Nhưng thực tế, việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội vẫn còn hạn chế. Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 cần tạo cơ sở vững chắc hơn để nâng cao thực chất và hiệu quả của công tác này, như tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tiếp thu, giải quyết các ý kiến của Mặt trận. Vì vậy, cần xem xét bổ sung vào phần sửa đổi Điều 9 Hiến pháp năm 2013, sau cụm từ “phản biện xã hội” có một nội dung mang tính chế định mạnh mẽ hơn. Ví dụ, bổ sung nhiệm vụ cụ thể của MTTQ Việt Nam và các cơ quan trực thuộc như: “có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiến nghị xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội”.
Nội dung này cũng nên được đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam nhằm đồng bộ hóa hệ thống pháp lý. Đặc biệt là có quy định cụ thể việc cung cấp thông tin, tài liệu đầy đủ, kịp thời cho MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên; quy định rõ trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trước các kiến nghị của Mặt trận; đảm bảo nguồn lực (kinh phí, nhân sự có năng lực) cho hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ. Song song đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về phát huy dân chủ ở cơ sở, công tác giám sát, phản biện xã hội.