Đảm bảo cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường tết

Sức mua hàng hóa tết tại thời điểm này đang tăng khá cao... TPHCM đang gia tăng kiểm soát cung - cầu, ổn định giá cả thị trường, đặc biệt với mặt hàng thịt heo. Phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, về những vấn đề trên.
Thịt heo đông lạnh nhập khẩu được bán trong chuỗi cửa hàng San Hà Foods, góp phần làm giảm áp lực về nguồn thịt heo nóng cung ứng thị trường tết
Thịt heo đông lạnh nhập khẩu được bán trong chuỗi cửa hàng San Hà Foods, góp phần làm giảm áp lực về nguồn thịt heo nóng cung ứng thị trường tết

Phóng viên: Thưa ông, còn 10 ngày nữa kết thúc mùa cao điểm kinh doanh và đón Tết Canh Tý 2020, hiện công tác chuẩn bị, dự trữ hàng hóa đã được TPHCM triển khai như thế nào?

Ông Phạm Thành Kiên: Do đã chủ động và có dự báo khá chính xác tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu, nên đến thời điểm này lượng hàng hóa thiết yếu chuẩn bị tăng từ 14,6% - 17,3% so với kế hoạch TP giao và tăng 21% - 28% so với kết quả thực hiện Tết Kỷ Hợi 2019. Tổng giá trị các mặt hàng doanh nghiệp (DN) chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng tết là 19.027,3 tỷ đồng, tăng 602,5 tỷ đồng (3,27%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết 2019 (18.424,8 tỷ đồng), trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.244,9 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết từ ngày 26-12-2019 đến 24-1-2020 (từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.224,5 tỷ đồng. Theo đó, nhiều nhóm hàng chi phối từ 20% - 53,2% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (chiếm 53,2%), trứng gia cầm (48,6%), thực phẩm chế biến (28,1%), thịt gia súc (21%), dầu ăn (27,5%), gạo (31,5%)...

Về các mặt hàng bia, nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 45 triệu lít bia và 50 triệu lít nước giải khát/tháng tết, tăng khoảng 30% so với tháng thường. Các mặt hàng bánh, mứt, kẹo dự báo tiêu thụ khoảng 19.000 tấn. Các công ty bánh kẹo năm nay cung ứng nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng tương đương bánh ngoại nhập. Việc chuẩn bị được thực hiện từ rất sớm, trong điều kiện giá cả nguyên, nhiên liệu năm nay tương đối ổn định đã tạo nhiều thuận lợi cho DN.

Ông có thể dự báo giá cả hàng hóa diễn biến ra sao? Mặt hàng nào khiến ông quan tâm và lo lắng nhất?

Kết thúc năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn TPHCM ước đạt 1.177.154 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm trước; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 763.036 tỷ đồng, tăng 13,3% và đây là mức cao tăng khá cao, trở thành động lực cho các DN chuẩn bị hàng hóa tết tăng cao. Do vậy, theo dự báo của chúng tôi, sức mua thị trường tết sẽ duy ở mức tăng từ 15% - 17% so với cùng kỳ năm 2019.

Như đã nói ở trên, cho dù sức mua tăng nhưng nguồn cung hàng hoá dồi dào, DN không chỉ giữ ổn định giá mà còn thực hiện giảm giá, khuyến mãi sâu các mặt hàng thiết yếu vào những ngày cận tết nên giá cả sẽ không có biến động. Một số mặt hàng như trái cây, thuỷ hải sản có thể sẽ tăng giá nhẹ ở mức hợp lý do tác động bởi chi phí vận chuyển, nhân công. Riêng thịt heo, do bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi nên nguồn cung giảm, dẫn tới giá heo hơi bị đẩy lên mức rất cao, nên đây cũng chính là mặt hàng mà Sở Công thương luôn quan tâm phối hợp các DN và đơn vị liên quan để đảm bảo nguồn cung cho mặt hàng này.

Theo quan sát, thịt heo đang bán trên thị trường không thiếu, nhưng giá mặt hàng này vẫn ở mức rất cao. Nhiều người lo ngại, vào dịp cận tết có thể thị trường sẽ thiếu thịt heo, ông có thể làm rõ vấn đề này?

Chúng ta đều biết, giá cả được quyết định bởi nguồn cung, khi nguồn cung giảm thì giá sẽ tăng. Dịch tả đã khiến thiếu hụt hẳn nguồn cung heo từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trước tình hình này, TPHCM đã xây dựng kế hoạch ứng phó từ khá sớm, trong đó có giải pháp như vận động các DN cung ứng đưa thêm nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt gà, vịt, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả và thực phẩm chế biến vào diện bình ổn, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của người dân; vận động DN tăng cường nhập thịt heo đông lạnh, đưa vào các bếp ăn tập thể, DN chế biến…

Thực tế cũng cho thấy, trong 2 tuần gần đây, giá heo hơi tại TPHCM đã không còn tình trạng tăng giá liên tục, nhưng vẫn đứng ở mức rất cao. Giá thịt heo cao khiến tổng sản lượng tiêu thụ toàn thị trường giảm khoảng 20%; trong đó kênh phân phối hiện đại sức mua giảm nhẹ, kênh chợ truyền thống giảm đến 30% do tâm lý người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh.

Dù vậy, chúng tôi không chủ quan mà luôn đưa mặt hàng này vào diện kiểm tra, theo dõi nghiêm ngặt. Hàng ngày, các chợ đầu mối vẫn báo cáo nhanh về sản lượng heo nhập chợ và giá bán. Tương tự, các DN bình ổn thị trường cũng vậy. Sở Công thương TPHCM đã làm việc với các sở ngành chức năng ở các tỉnh thành có thế mạnh trong sản xuất để lên kế hoạch về sản lượng, khả năng cung - cầu, đặc biệt là giá cả để có thể điều phối hàng hóa kịp thời cho nhu cầu người dân, tránh tình trạng tăng giá cục bộ.

Tôi cho rằng, để ổn định giá cả mặt hàng thịt heo từ nay đến cao điểm Tết Canh Tý 2020, bản thân người tiêu dùng sẽ quyết định tới 90%. Nếu người dân có phương án sử dụng các loại thực phẩm khác thay thế thịt heo, đồng thời chuyển đổi thói quen tiêu dùng từ thịt heo nóng sang heo đông lạnh, chắc chắn mặt hàng thịt heo sẽ không còn tăng giá nóng và chúng ta không quá lo ngại về nguồn cung.

Sở Công thương sẽ triển khai mạng lưới phân phối hàng hóa tết ra sao, đặc biệt là mặt hàng thịt heo?

Chúng tôi đang tập trung kiểm tra, theo dõi và tính toán phương án tăng cường thịt heo từ nhiều nguồn, các trang trại lớn như CP, Sagri, Emivest, CJ, Japfa, Masan… để ổn định nguồn cung. Trong đó, Vissan ký cam kết cung ứng cho các nhà phân phối lớn kể từ ngày 1-12-2019 đến hết ngày 24-1-2020 để đảm bảo lượng hàng và giá bán trong dịp mua sắm cao điểm tết.

Mặt khác, chúng tôi cũng vận động các DN tăng cường nguồn cung để bán tại các hệ thống phân phối lớn như chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Satrafood, Big C…. nhằm tạo sự dẫn dắt chung về giá bán thịt heo trên thị trường. Theo đó, các hệ thống siêu thị trên cũng cam kết bán thịt heo với giá gốc hoặc điều chỉnh giá phù hợp để ổn định thị trường, chia sẻ với người tiêu dùng trong bối cảnh giá thịt heo đang đứng ở mức cao.

Với các nhóm hàng khác, bên cạnh hoạt động của hệ thống phân phối truyền thống, số lượng siêu thị, cửa hàng tiện lợi và điểm bán hàng BOTT đang tăng nhanh chóng, phủ rộng khắp trên địa bàn TP. Việc cung ứng hàng hóa tết phục vụ nhân dân, đặc biệt là các đối tượng vùng sâu, vùng xa, công nhân lao động cũng được lãnh đạo TPHCM hết sức quan tâm. Do đó, hàng BOTT tết đã được phân phối đến 4.209 điểm bán, gồm 112 siêu thị - trung tâm thương mại, 554 cửa hàng tiện lợi, 938 điểm bán trong 122 chợ truyền thống, 2.605 điểm bán trong khu dân cư. Trong đó có 1.011 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành, 19 điểm bán phục vụ công nhân tại 11 KCN - KCX.

Bên cạnh đó, TP tăng cường bán hàng lưu động từ nay đến tết, thực hiện bình quân 130 chuyến hàng lưu động/tháng. Tôi tin rằng, với việc chuẩn bị đầy đủ nguồn cung, giữ ổn định giá cả, tăng cường phát triển điểm bán, tổ chức bán hàng lưu động, can thiệp thị trường và tổ chức các phiên chợ phục vụ công nhân... việc cung ứng hàng hóa tết sẽ được đảm bảo thực hiện tốt nhất. Người dân vùng sâu, vùng xa và công nhân lao động được tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng tiếp cận, mua sắm hàng hóa tết, hàng BOTT.

Ông có lời khuyên gì cho người dân khi mua sắm hàng tết, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm tươi sống?

Theo tôi, người dân nên đến mua sắm ở những địa điểm có uy tín và có chế độ hậu mãi tốt. Hạn chế mua hàng hóa bán ở những điểm bán không cố định; đồng thời trong quá trình mua sắm, cần lưu ý đọc kỹ các thông số in trên sản phẩm như nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng… Đối với hàng thực phẩm tươi sống, người tiêu dùng nên chọn mua tại hàng trăm điểm bán thực phẩm an toàn, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Để TPHCM tiến tới văn minh, hiện đại thì người tiêu dùng đóng vai trò hết sức quan trọng, thể hiện qua việc chọn mua các sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Điều này sẽ góp phần từng bước loại bỏ hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục