Đảm bảo nguồn nước ngọt cho người dân ĐBSCL

Chiều 10-2, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã trực tiếp đến kiểm tra tình hình hạn mặn ở tỉnh Vĩnh Long.

Hiện nay, vùng nhiễm mặn cao thuộc các huyện Vũng Liêm, Tam Bình và Mang Thít có hơn 80.000ha cây trồng. Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp như triển khai 3 công trình thủy lợi nhỏ, với tổng chiều dài 1.854m tại huyện Vũng Liêm.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định, vụ đông xuân 2019-2020 ở ĐBSCL cần thực hiện các nhóm giải pháp như gieo sạ sớm hơn từ 15-25 ngày, làm sao tận dụng nguồn nước đầu vụ, tiết kiệm nguồn nước cuối vụ; cơ cấu các nhóm giống ngắn ngày và tập trung các biện pháp canh tác để tiết kiệm tài nguyên nước, không bố trí vụ xuân hè. Đồng thời, rà soát lại nguồn nước ngọt cân đối đến quy mô các tỉnh ven biển, làm sao khi diễn ra kịch bản mùa khô và mặn thì không xảy ra thiếu nước. Những năm tiếp theo, khi hoàn thiện công trình thủy lợi ở sông Cái Lớn, Cái Bé sẽ có cơ sở đánh giá toàn diện 13 tỉnh ĐBSCL, trong đó 7 tỉnh ven biển để đưa chiến lược mới phù hợp trong hoàn cảnh biến đối khí hậu.

Cũng trong ngày 10-2, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc tại tỉnh Sóc Trăng về tình hình hạn, mặn. Tính đến ngày 10-2, toàn tỉnh Sóc Trăng xuống giống lúa đông xuân 185.386ha, đã thu hoạch 69.512ha, năng suất bình quân ước hơn 6,3 tấn/ha. Tuy nhiên, một phần diện tích lúa vụ 3 (đông xuân muộn) với khoảng hơn 1.000ha, ngành chuyên môn đã khuyến cáo không được xuống giống nhưng nông dân vẫn canh tác, trong số đó 600ha lúa có khả năng bị thiệt hại nặng nếu tình hình hạn, xâm mặn kéo dài.

Ngoài ra, hạn mặn ảnh hưởng diện tích cây ăn trái khoảng 4.000ha và 1.000ha rau màu. Về nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, toàn tỉnh còn gần 24.400 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh Sóc Trăng không để người dân thiếu nước trong mùa hạn mặn, dự trữ đủ lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hạn, mặn gây thiệt hại cho người dân.

* Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết, hồ chứa nước ngọt tại huyện Ba Tri có độ mặn khoảng 1,4‰, nên người dân vẫn sử dụng bình thường. Theo ông Trọng, hồ chứa nước ngọt tại Ba Tri có thể tích khoảng 860.000m³, hoạt động công suất khoảng 15.000m³/ngày đêm, đủ cung ứng cho khoảng 200.000 người. Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, hiện nước mặn xâm nhập trên các sông chính đang ở mức tương đương đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016, hiện độ mặn 1‰ hầu như đã bao trùm toàn tỉnh.

Dự báo độ mặn sẽ tiếp tục tăng cao và xâm nhập sâu trong tháng tiếp theo. Để đảm bảo nước ngọt phục vụ người dân và hoạt động cấp nước của các nhà máy nước, địa phương đã quyết định đắp đập tạm chặn dòng Ba Lai ngay khu vực gần cầu Ba Lai cũ. Đây là một trong những giải pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn sau khi tỉnh công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, ông Trần Hùng cho biết, ba nhà máy nước của công ty là Nhà máy nước An Hiệp (huyện Châu Thành), Nhà máy nước Sơn Đông (TP Bến Tre) và Nhà máy nước Hữu Định (huyện Châu Thành) sẽ cung cấp khoảng 70.000m³ nước ngày đêm phục vụ trên 75.000 hộ dân ở TP Bến Tre, huyện Châu Thành và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tin cùng chuyên mục