Rời Hà Nội trên đường cao tốc Thăng Long không phải qua những đoạn đông đúc chật chội Hà Đông, Mai Lĩnh, người đi ngỡ ngàng với con đường số 6 mới rộng mở thẳng băng hết tầm nhìn. Dốc Cun thoáng đãng xe cộ vượt nhau như trên đường bằng. Tháng hai, mưa xuân còn lay lắt trên những sườn đồi lú nhú chồi ngô xanh ngắt. Đèo Thung Khe chìm lấp trong màn sương dày đặc. Những bóng người chậm rãi co ro trong cái rét im lìm cung đèo khuất gió.
Mấy chục năm trước, chợ tình Mộc Châu họp ở khu vực trung tâm thị trấn. Một phiên chợ vào ngày tết của đồng bào Mông không coi bán mua là mục đích. Gọi là đi chơi chợ. Nam phụ lão ấu từ các bản xa cuốc bộ về chợ vào đêm 1-9. Những cặp vợ chồng say đắm ngả nghiêng nắm tay nhau. Những đôi nhân tình mới lớn tìm chỗ trải váy áo tình tự suốt đêm trong các hẻm đá lùm cây. Những cặp tình già trắc trở năm nào cũng xuống chợ tìm lại tình xưa. Họ mang theo mo cơm nắm, mua thêm một bát nước xương ngồi trên bãi đất ven chợ chăm sóc cho nhau từng miếng. Ba phiên liền không thấy bạn tình xuống mới thôi đợi chờ.
Nắng xuân chan hòa trên con đường vắt ngang thị trấn Mộc Châu. Khu chợ đã được xây cất lại khang trang rộng rãi. Mái lá thay bằng tôn xi măng xám. Hàng phở bò đun than tổ ong thay cho bếp củi reo vui bên chảo thắng cố. Áo váy người Mông bày bán chia làm 2 loại. Một loại khâu tay rất đắt tiền và một loại may bằng vải in hoa nhập khẩu bán rẻ như cho. Nhìn từ xa rất khó phát hiện. Không cần phải là ngày tết thì chợ cũng quá ồn ào bởi những thùng loa ở cửa hàng điện tử đang phát vài bản nhạc rock metal thời thượng hết công suất. Có một cái gì đó rất giống chợ Hà Đông ở Hà Nội.
Đường phố trong thị trấn Mộc Châu đã được quy hoạch lại ngay ngắn. Không còn một mảnh đất khe đá nhỏ nào thừa ra. Những người Mông xuống chợ rất khó tìm nơi đợi chờ tình tự dù cho nhà nghỉ và khách sạn nơi này có thừa. Nhưng chẳng sợ. Đồng bào Mông tiếp cận khoa học công nghệ rất nhanh. Hàng chục năm trước đã thấy vài chàng trai Mông ôm chiếc cassette mở những điệu khèn và bài hát cho các cô gái nghe.
Thị trấn nông trường Mộc Châu sầm uất trải dài hàng chục kilômét trên quốc lộ 43. Những nhà cao tầng chen vai thích cánh che chắn hết tầm nhìn. Phải đi hết chiều dài thị trấn mới bắt gặp những đồi chè xanh bát ngát được xén tỉa gọn gàng. Lẩn khuất trong vài thung lũng là những khu chuồng trại nuôi bò sữa hăng mùi rơm cỏ. Làng du lịch Bản Ôn xây mới bằng bê tông cốt thép theo phong cách kiến trúc của người Thái xưa. Cái chong chóng nứa trên đầu hồi nhà sàn cũng được thay bằng họa tiết Thái đúc bê tông. Cầu thang và cột sơn đỏ. Vách sơn vàng và mái lợp tôn xi măng. Chỉ con người nơi đây vẫn giữ tác phong hồn hậu nhẹ nhàng mến khách. Những cô gái Thái đen với búi tóc “tẳng cẩu” địu con trong những chiếc địu thêu hoa sặc sỡ thành thạo đề máy xe Wave phóng vun vút trên đường đèo. Vài người lấy măng mặc quần áo dân tộc và đi ủng cao su rằn ri, sau lưng đeo chiếc gùi mây lớn cũng dùng xe máy len lỏi trên con đường mòn xuyên qua rừng mận tiến về phía núi.
Nhà hàng Mộc Châu rộng bằng nửa sân bóng đá bày bán ở gian ngoài rất nhiều đặc sản Tây Bắc. Măng khô, nấm hương, hạt mắc khén, mật ong rừng, chè shan tuyết, bánh sữa, đồ gỗ mỹ nghệ chế từ những gốc cây sần sùi u mấu. Cô nhân viên bán hàng thoăn thoắt nhập dữ liệu vào máy tính rồi báo số tiền phải trả cho khách. Gian trong nền nhà giật cấp cao dần lên lưng đồi. Hàng trăm dãy bàn ăn ì xèo khói bốc. Tiếng chuyện trò, tiếng chạm cốc huyên náo như quán bia hơi Hà Nội. Thịt bê chao mỡ, thịt trâu nấu lá nồm, cá suối chiên giòn, rau cải mèo luộc xanh biếc ngọt the trong cổ. Rượu Champa white nhập khẩu từ Lào dịu êm thơm mùi gạo mới. Thứ rượu ngoại duy nhất có giá bán rẻ hơn bia chai rất được khách hàng ưa chuộng.
Ngoài kia, lênh đênh bóng núi đổ xuống con đường mềm như lụa dẫn lên cửa khẩu Lóng Sập. Chợt nhớ con đường Tây tiến năm xưa của nhà thơ Quang Dũng: “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/Có thấy hồn lau nẻo bến bờ/Có nhớ dáng người trên độc mộc/Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa…”. Nhớ dặm dài Tây tiến gian lao đầy kiêu hãnh...
ĐỖ PHẤN