Đám mây phóng xạ đến Việt Nam - Không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân

* Cấm nhập khẩu hàng không có chứng nhận an toàn phóng xạ

(SGGP).- Tối 29-3, Tổ công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 (Nhật Bản) của Bộ Khoa học và Công nghệ phát bản tin cho biết, kết quả đo nồng độ chất phóng xạ I-131 trong không khí các ngày 28 và 29-3 của Trạm quan trắc mẫu sol khí tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân Hà Nội và Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đều nhỏ hơn hàng trăm ngàn lần so với giá trị giới hạn quy định và không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.

Số liệu hạt nhân phóng xạ môi trường từ Trung tâm dữ liệu quốc gia của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO, thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) cho biết, các trạm quan trắc đặt tại Thái Bình Dương, trong lục địa của Hoa Kỳ và Canada cũng đều phát hiện được các hạt nhân phóng xạ.

Tại Đông Nam Á, hiện có 2 trạm của tổ chức CTBTO đưa số liệu đến Trung tâm dữ liệu quốc tế là trạm tại Malaysia và tại Phillipines. Đến hôm qua, chỉ trạm tại Phillipines đã phát hiện thấy các hạt nhân phóng xạ. Trong ngày 29 và 30-3, đám mây chính chứa phóng xạ vẫn chưa vào thềm lục địa Việt Nam và nằm giữa khu vực Phillipines - Indonesia - Malaysia - Việt Nam.

Các chuyên gia của CTBTO cho biết, trong vài ngày tới, những đám mây nói trên có vào lãnh thổ Việt Nam hay không còn tùy thuộc vào tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn của toàn vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu những đám mây đó có vào vùng lãnh thổ Việt Nam thì rất khó phát hiện được sự ảnh hưởng của chúng đối với phông bức xạ hiện nay.

CTBTO cũng lưu ý rằng, mạng lưới trạm quan trắc phóng xạ hạt nhân của Tổ chức CTBTO được xây dựng cho mục đích phát hiện các vụ thử hạt nhân, do vậy rất nhạy và có thể phát hiện được các hạt nhân phóng xạ với nồng độ rất thấp trong bầu khí quyển và liều phóng xạ do các hạt nhân phóng xạ này gây ra rất thấp không ảnh hưởng sức khỏe con người.

Các trạm quan trắc của Bộ KH-CN hiện vẫn đang tiếp tục theo dõi 24/24 giờ diễn biến mức phóng xạ trong không khí trên lãnh thổ Việt Nam

Ngày 29-3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất kiểm soát mức nhiễm phóng xạ trong thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản.

Theo đó, công văn nêu rõ, cơ quan thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan thẩm quyền của Nhật Bản thực hiện phân tích chất phóng xạ và cấp chứng nhận an toàn phóng xạ cho mỗi lô hàng thực phẩm xuất khẩu vào Việt Nam.

Người đứng đầu Bộ NN-PTNT đề nghị sẽ giữ lại tại cảng 100% các lô hàng thực phẩm có nguồn gốc từ 4 tỉnh Fukushima, Gunma, Ibaraki và Tochigi rời Nhật Bản từ sau ngày 11-3-2011 nếu không kèm theo giấy chứng nhận an toàn phóng xạ của cơ quan thẩm quyền Nhật Bản, để kiểm tra dư lượng chất phóng xạ khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Ngoài ra, với các lô hàng có kèm theo giấy chứng nhận an toàn phóng xạ của cơ quan thẩm quyền Nhật Bản sẽ thực hiện kiểm tra xác xuất, trường hợp kiểm tra phát hiện có nhiễm phóng xạ vượt ngưỡng cho phép sẽ không cho nhập khẩu vào Việt Nam. 

T.LƯU - V.PHÚC

- Thông tin liên quan:

>> Đám mây phóng xạ nồng độ ngày càng thấp

Tin cùng chuyên mục