Đam mê máy móc

Tận tâm với nghề
Đam mê máy móc

Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XVI năm 2016

Tháng 8 năm nay, Báo SGGP phối hợp với Liên đoàn Lao động TPHCM tiếp tục tổ chức lễ trao giải thưởng cấp thành phố - giải thưởng mang tên người thợ Tôn Đức Thắng. Giải thưởng tôn vinh các kỹ sư, công nhân tiêu biểu có nhiều sáng kiến cải tiến làm lợi lớn cho đơn vị, doanh nghiệp; có tinh thần học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nhiệt tình truyền nghề cho lớp thợ trẻ. Đây còn là dịp để tôn vinh và tiếp tục thắp sáng ý chí, phẩm chất đạo đức cách mạng của người thợ Tôn Đức Thắng năm xưa cho thế hệ công nhân ngày nay, luôn giữ mãi ngọn lửa đam mê sáng tạo, thúc đẩy phong trào thi đua lao động giỏi - lao động sáng tạo, trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam.

Từ số báo hôm nay, Báo SGGP lần lượt giới thiệu 8 cá nhân tiêu biểu được trao giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XVI năm 2016.

Từng xem học nghề cơ khí là cái cớ để được ở lại TPHCM, sau đó, dù được học ngành cơ khí nhưng lại không có khái niệm máy móc là như thế nào, vậy mà đến khi được giao nhiệm vụ phụ trách chiếc máy với gần 5 chuyền làm việc, Trần Bảo Giang (32 tuổi, quê Bến Tre) thợ máy tại Nhà máy thuốc lá Bến Thành (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV), đã nhận ra niềm đam mê cháy bỏng khi được tự tay sửa từng bộ phận của máy.

Bằng giọng chân chất của người con đất miền Tây, Bảo Giang kể: “Học ngành cơ khí thì học vậy chứ suốt thời gian đi học cho đến khi ra trường đi làm, em chưa một lần nghĩ mình sẽ trở thành người thợ máy tay dính đầy dầu nhớt”.

Trần Bảo Giang với niềm đam mê của mình

Năm 2006, Giang xin vào Nhà máy Thuốc lá Bến Thành và được giao làm việc tại bộ phận công nghệ (nơi chỉ có những người phụ nữ làm các công việc lặt vặt như bưng bê, lau dọn…). Làm một thời gian thì chán nản, Giang định xin nghỉ việc thì công ty nhập về một chiếc máy làm bao cứng. Thấy hồ sơ của Giang ghi học ngành cơ khí, lãnh đạo nhà máy giao cho Giang đứng vận hành chiếc máy này. Bất ngờ và lúng túng, bởi dù học cơ khí nhưng chưa bao giờ Giang nghĩ mình sẽ tự thân làm chủ chiếc máy như thế này. Không có người hướng dẫn nên em phải tự tìm hiểu quy trình hoạt động của máy. Khi ấy Giang nghĩ, một là xin nghỉ làm, hai là phải làm thật tốt. Sau một ngày suy nghĩ, Giang chọn phương án hai. Vậy là bắt tay vào làm. Cái nào không biết, không hiểu thì Giang đọc hướng dẫn, rồi tự mày mò thực tế trên máy. Vì lần đầu tiếp xúc với máy móc công nghệ cao nên đụng đâu Giang cũng không biết. Để có thể tiếp cận với các bộ phận của máy, Giang cố gắng tìm hiểu thật kỹ cách vận hành và sửa chữa. Có thể nói, thời gian này không phút giây nào Giang rời khỏi chiếc máy. Hai bàn tay của chàng công tử nhà giàu Bảo Giang lúc nào cũng lấm lem dầu nhớt.

Qua 2 tháng, Giang nhận ra mình đã mê mùi dầu nhớt khi nào không biết. Đó cũng là lúc em được lãnh đạo đơn vị cất nhắc lên vị trí tổ trưởng. Từ đó đến nay, mỗi khi vùi đầu vào chiếc máy là Bảo Giang không còn biết gì xung quanh. Nhiều lần máy hư nặng, Giang ăn, ngủ ngay bên chiếc máy và chỉ thấy vui sướng, hạnh phúc mỗi khi “bắt” máy chạy được theo ý mình. Vì quá hiểu Giang nên anh em trong nhà máy không ngại ngần điện thoại cho em để báo máy hư, cho dù khi ấy đã nửa đêm và Giang luôn có mặt ngay sau đó. Giang tâm sự, bản thân cũng không biết lý do gì lại bỗng dưng mê máy móc như vậy, chỉ biết là khi thấy guồng máy luôn quay thì em thấy thật hạnh phúc.

Bằng cái đầu nhạy bén lại mê cải tiến nên Giang đã mày mò để cho ra đời những sáng kiến làm lợi rất nhiều cho đơn vị. Năm 2008, Giang đưa ra sáng kiến đầu tay là chế tạo bao chạy thuốc mẫu tự động bỏ xốp để đỡ tốn nhân công và giảm hư hao thành phẩm. Riêng trong năm 2013, Giang có đến 3 sáng kiến cải tiến. Nhờ những sáng kiến của Giang mà đơn vị không phải mua máy mới nhưng vẫn đáp ứng được đơn đặt hàng. Làm lợi cao nhất đó là sáng kiến chuyển đổi dây chuyền máy bao X2/C600/CV để làm ra bao thuốc bo tròn thay vì vuông cạnh như mọi khi. Bằng cải tiến này, đơn vị đã tiết kiệm được 9,8 tỷ đồng, lại giúp tăng năng suất hiệu quả khi làm việc.

Trong công việc, nhờ tinh thần nhiệt tình, ham học hỏi, Giang được đồng nghiệp vô cùng quý mến. Với bản tính thích làm việc tập thể nên Giang đã nhận kèm cặp, huấn luyện đào tạo nhiều công nhân trẻ thành thợ giỏi. Nhiều công nhân sau đó đã góp phần vào thực hiện những sáng kiến cải tiến cùng Giang, cũng như có những sáng kiến riêng của họ.

Với nhiều sáng kiến nổi bật, trong 2 năm liền 2014, 2015, Bảo Giang được vinh dự nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi cùng nhiều bằng khen của đơn vị, tổng công ty và thành phố trao tặng. Nói về thành tích của mình, Bảo Giang cười tươi khiêm tốn: “Em chỉ có đam mê máy móc, còn các giải thưởng thì em nghĩ đó là thành tích của cả tập thể, bởi mọi người đã cùng nhau đóng góp”.

Đến nay, dù đã là phó quản đốc phân xưởng nhưng đồng nghiệp vẫn luôn thấy Giang xuất hiện bên những chiếc máy khi có trục trặc. Đôi bàn tay Giang vẫn lấm lem dầu nhớt như ngày nào và nụ cười của chàng trai miền Tây vẫn nở sau khi “bắt” được máy móc hoạt động trở lại.

HỒNG HẢI


Tận tâm với nghề

Yêu nghề, luôn hết lòng với công việc là phương châm làm việc của người công nhân kỹ thuật điện bậc 7/7 Nguyễn Hoàng Chi (56 tuổi, làm việc tại Công ty Điện lực Sài Gòn, thuộc Tổng Công ty Điện lực TPHCM). Hơn 36 năm trong nghề, anh có gần 50 sáng kiến cải tiến kỹ thuật giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Sáng kiến đầu tay của người công nhân ấy là khi anh 25 tuổi và đang làm việc tại Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Vào cái thời máy móc còn hiếm hoi, anh và đồng nghiệp đã mày mò để sửa được cánh tuabin của Nhà máy Thủy điện Suối Vàng mà trước đó mọi người đã nhận định phải bỏ đi. Nhờ sáng kiến của anh, chiếc máy tiếp tục vận hành được thêm 10 năm nữa.

Anh Hoàng Chi (phải) trao đổi công việc cùng đồng nghiệp

Như được tiếp thêm động lực, chàng công nhân trẻ Nguyễn Hoàng Chi nghiên cứu những cải tiến khác và sau đó, hầu như năm nào anh cũng có từ 1 - 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Anh chia sẻ: “Thời bao cấp, để phát ra 1KW điện khó khăn lắm, phải qua nhiều khâu, nhiều máy móc và làm việc cũng cực nhọc hơn. Nhưng chính từ những khó khăn ấy mà tôi và anh em công nhân trưởng thành thấy rõ”.

Kể về sáng kiến “Gia công đầu chụp dùng máy bắn bê tông đóng cọc ter”, anh nói thấy anh em dùng búa tạ đóng thủ công cọc ter dễ gây tai nạn lao động mà lại tốn công thợ, nên anh tính toán sử dụng độ rung của máy bắn bê tông để ép cọc ter xuống đất. Kết quả khá mỹ mãn, giúp cho thao tác nhanh hơn. Anh tâm đắc nhất sáng kiến “Cải tạo dụng cụ uốn thanh đồng” vì đã đáp ứng kịp thời công tác quản lý sửa chữa bảo trì trạm điện, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thời gian mất điện của khách hàng cũng như đảm bảo an toàn cho người công nhân khi đứng máy. Anh cũng luôn nhắc nhở bản thân làm việc gì cũng phải kiểm tra lại, bởi nghề thợ điện luôn tiềm ẩn nhiều nhiều nguy cơ khi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Chỉ một sơ suất nhỏ là có thể mất đi tính mạng.

Hơn 36 năm gắn bó với nghề anh luôn trăn trở vì hàng ngày nhìn thấy anh em đối mặt với sự cực nhọc, nguy hiểm của công việc. Về nhà, anh suy nghĩ mãi để có những sáng kiến cải tiến giúp công việc tốt hơn. Khi nghĩ được ý tưởng nào, anh thực hành tại nhà trước. Vợ và các con của anh đã quá quen với cảnh anh đầu tắt mặt tối với các thí nghiệm bằng những dụng cụ anh sắm sửa để trong nhà. Đó cũng là lý do khi có tiền thưởng từ các sáng kiến, anh đều dùng để mua đồ nghề làm thử nghiệm. Khi có ý tưởng, anh đưa lên công ty để áp dụng. Có những sáng kiến chỉ mất vài ngày anh đã làm xong, nhưng có lúc thấy vẫn chưa vừa ý, anh tiếp tục hoàn thiện thêm để sáng kiến đem lại hiệu quả cao nhất.

Anh Hoàng Chi tâm sự, để có được những thành quả như ngày hôm nay anh rất biết ơn những cô chú đã tận tình chỉ dẫn khi anh mới vào nghề. Và như để trả cái ơn ấy, thời gian qua anh nhận đào tạo lại cho rất nhiều bạn trẻ. Bằng cái tâm của người thợ yêu nghề, anh dốc lòng truyền đạt những kiến thức và kinh nghiệm của mình cho lớp thợ đàn em. Câu cửa miệng anh hay nhắc nhở các công nhân là “phải có lòng yêu nghề, tâm huyết với công việc thì mới có thể trở thành người thợ giỏi”. Cũng chính nhờ sự chỉ bảo tận tình của anh, nhiều lớp trẻ đã trở thành thợ giỏi, đạt thành tích cao trong các kỳ thi nâng bậc, có nhiều sáng kiến đóng góp cho đơn vị.

Hàng ngày, bản thân anh Hoàng Chi cũng tìm tòi học hỏi kiến thức, tiếp thu cái mới, cái hay qua sách vở cũng như trên mạng. Bởi anh quan niệm, nếu không bổ sung kiến thức mới thì tới lúc nào đó bản thân sẽ bị tuột hậu, nhất là những kiến thức về công nghệ mới. Anh cũng rất nghiêm khắc với bản thân mình, mỗi khi nhận nhiệm vụ thì không làm qua loa mà toàn tâm, toàn ý với công việc. Chính vì vậy, anh rất được lãnh đạo tin tưởng, giao việc, cũng như được chọn đại diện công ty tham dự các kỳ đại hội thi đua yêu nước.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục