Đàm phán Doha đổ vỡ, giá dầu giảm mạnh

Hội nghị thượng đỉnh giữa các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, diễn ra tại Doha vào ngày 17-4, đã kết thúc mà không có một thỏa thuận nào đạt được. Giá dầu thế giới ngay sau đó đã giảm nhanh chóng khi các quốc gia sản xuất dầu mỏ chủ chốt không đạt được thỏa thuận “giới hạn” sản lượng dầu mỏ, nhằm khắc phục tình trạng dư cung trên thị trường.
Đàm phán Doha đổ vỡ, giá dầu giảm mạnh

Hội nghị thượng đỉnh giữa các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, diễn ra tại Doha vào ngày 17-4, đã kết thúc mà không có một thỏa thuận nào đạt được. Giá dầu thế giới ngay sau đó đã giảm nhanh chóng khi các quốc gia sản xuất dầu mỏ chủ chốt không đạt được thỏa thuận “giới hạn” sản lượng dầu mỏ, nhằm khắc phục tình trạng dư cung trên thị trường.

Công nhân của Mỹ làm việc tại một giàn khoan dầu ở Texas. Ảnh: Bloomberg

Nỗi ám ảnh trị giá 315 tỷ USD

Theo CNN, tại thị trường châu Á, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5-2016 giảm 2,2 USD, xuống còn 36,16 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 6 cũng giảm 2,23 USD, xuống còn 40,87 USD/thùng.

Theo Bloomberg, kể từ khi giá dầu bắt đầu lao dốc tháng 11-2014, các nước đã mất 315 tỷ USD - tức khoảng 20% dự trữ ngoại hối. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ mà còn ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ quốc tế và các quỹ đầu cơ, vì thông thường các quốc gia xuất khẩu dầu sẽ tích trữ trái phiếu kho bạc Mỹ và các tài sản có tính thanh khoản cao khác. Abhishek Deshpande, chuyên gia phân tích dầu mỏ đến từ Natixis, nhận định, năm nay sẽ tiếp tục là một năm đầy khó khăn đối với hầu hết các quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ.

Trước cuộc họp thất bại này, các nước đã đề xuất giữ sản lượng khai thác dầu ở mức của tháng 1 cho đến ít nhất tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, đàm phán Doha đổ vỡ cũng là trường hợp không nằm ngoài dự đoán khi mà Iran đã quyết định không tham dự cuộc họp quan trọng này vào phút chót. Tehran kịch liệt phản đối ý tưởng bình ổn sản lượng bởi nước này đang toan tính giành lại thị phần đã bị mất sau khi được phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Các nhà phân tích cũng nhìn nhận trước cuộc họp này là một thỏa thuận bình ổn sản lượng nếu đạt được cũng chỉ có tác dụng rất ít để thay đổi tình trạng dư thừa dầu trên thế giới. Tuy nhiên, người ta vẫn hy vọng vào việc đạt được một thỏa thuận phải chăng để có thể giúp hỗ trợ giá dầu và kiểm soát các dự đoán thị trường cho đến cuộc họp OPEC vào tháng 6 tới.

Các nhà quan sát thị trường đã từng đặt hy vọng, những thành viên tham dự cuộc họp có thể ký một thỏa thuận tạm thời để ít nhất là giữ thể diện và làm cầu nối đến cuộc họp OPEC vào tháng 6. Sự sụp đổ của các cuộc đàm phán báo hiệu giá dầu thô thế giới có thể chịu sức ép mới sau khi tăng khoảng 55% kể từ tháng 2-2016 đến nay.

Trông chờ vào phép lạ?

Trong bản báo cáo nghiên cứu gửi đến khách hàng vào ngày 15-4, hai ngày trước Hội nghị Doha, Công ty Tư vấn và nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh) đã chỉ ra rằng, vì Nga và các nước thành viên OPEC đã bơm dầu thô ở mức kỷ lục nên hiệu quả của một thỏa thuận bình ổn sản lượng tối đa chỉ đạt ở mức không đáng kể.

Capital Economics nhận định, việc bình ổn sản lượng dầu của OPEC và Nga ở mức cao hiện nay sẽ không làm giảm nguồn cung dư thừa nếu không có sự tham gia kích cầu hay cắt giảm nguồn cung từ phía các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC. Do vậy, xu hướng hồi phục giá dầu gần đây có thể xem như chưa chín muồi và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu thị trường có kết quả thất vọng vào phiên giao dịch ngày 18-4. Đại đa số các nước thành viên OPEC đều cảm thấy bức bách bởi giá dầu suy yếu, vì doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ được sử dụng để trang trải nhiều khoản chi tiêu công cộng và để giải tỏa các sức ép trong nước.

Mọi sự chú ý hiện nay được hướng đến cuộc họp của các nước thành viên OPEC vào tháng 6 tới, nơi tổ chức này có thể buộc ra tay nếu giá dầu thô bắt đầu một giai đoạn thoái trào mới. Hội nghị này nếu thất bại có thể dẫn tới giá dầu thô trượt dốc hơn nữa trên các thị trường toàn cầu.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục