Mỗi bên một ý
Theo hãng thông tấn AP, trong các cuộc điện đàm gần đây giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump, cả 2 đã đề cập đến vấn đề START mới. Ông Putin tái khẳng định việc Nga sẵn sàng gia hạn hiệp ước và đề xuất nếu Mỹ chấp nhận đề nghị kéo dài hiệu lực của hiệp ước, Nga sẽ sẵn sàng đưa một số vũ khí mới nhất vào hiệp ước này. Ngoài ra, trong các cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng liên tục đưa ra những tín hiệu tích cực về việc sẵn sàng gia hạn hiệp ước.
Tuy nhiên, Mỹ phản ứng khá dè chừng. Theo quan điểm của ông Donald Trump, START mới là một “giao dịch tồi tệ” do chính phủ tổng thống tiền nhiệm để lại. Điều này rõ ràng có lợi hơn cho Nga và hạn chế nghiêm trọng khả năng hạt nhân của Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã đệ trình báo cáo lên quốc hội tuyên bố mặc dù Nga đã tuân thủ các điều khoản của hiệp ước, nhưng thỏa thuận này vẫn không bao gồm đủ các hệ thống vũ khí. Chính phủ Mỹ đang tìm kiếm một hệ thống kiểm soát quân sự khác có thể cung cấp một chiếc ô an ninh thực sự cho Mỹ cùng các đồng minh và đối tác.
Chạy đua phát triển vũ khí
Một số nhà phân tích tin rằng, cùng với sự phát triển và triển khai tên lửa siêu vượt âm của Mỹ và Nga, hạt nhân hóa vũ khí siêu vượt âm đã trở thành chủ đề quan tâm của cộng đồng kiểm soát vũ khí. Việc đưa vũ khí siêu vượt âm vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí một mặt thể hiện sự chân thành của Nga trong việc gia hạn hiệp ước, mặt khác cũng thể hiện xu hướng kiểm soát vũ khí trong tương lai.
Theo Reuters, vũ khí siêu vượt âm có thể đưa chiến tranh hạt nhân lên một tầm cao mới khi mà tốc độ bay của chúng nhanh hơn nhiều so với các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân hiện nay, tính cơ động cao của chúng cũng làm cho các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện khó có thể đánh chặn. Khi công nghệ tên lửa siêu vượt âm tiếp tục phát triển, xu hướng hạt nhân hóa vũ khí siêu vượt âm cũng ngày càng rõ ràng. Nó có thể tác động sâu sắc đến tình hình cạnh tranh hạt nhân của thế giới và hệ thống kiểm soát vũ khí.
Các nhà phân tích cho rằng, xem xét đưa vũ khí siêu vượt âm vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí là vấn đề cần thiết để có thể ổn định chiến lược toàn cầu. Về vấn đề này, Nga duy trì thái độ ủng hộ, trong khi thái độ của Mỹ vẫn chưa rõ ràng. Những năm gần đây, Mỹ đã liên tục tăng đầu tư vào lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm. Theo dự toán ngân sách tài khóa 2021 được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, trong năm 2021, Mỹ sẽ đầu tư 3,2 tỷ USD vào công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực siêu vượt âm, tăng 23% so với năm 2020 và cao kỷ lục trong gần 1 thập niên trở lại đây. Ngoài ra, vào giữa tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên Lục quân và Hải quân Mỹ cùng nhau thử tên lửa siêu vượt âm trên đất liền.