1. Năm 1967, vừa tròn 20 tuổi, chàng trai Nguyễn Minh Chuyên lên đường ra trận. Chặng đường từ những thửa lúa làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đến chiến trường miền Đông Nam bộ kéo dài những 9 năm. Năm tháng hòa mình vào cuộc chiến đấu khốc liệt đã sớm gieo vào lòng anh bộ đội trẻ những dấu ấn sâu đậm. Và như một ý thức, những khi rảnh rỗi giữa 2 trận đánh, Minh Chuyên gác súng lại để cầm bút. Anh đã ghi chép những gì chứng kiến và gửi những bài viết mộc mạc của mình qua đường giao liên đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Cứ như thế, các tác phẩm: Đường qua dốc đỏ, Sau một trận đánh, Người chọn cái chết… lần lượt ra đời ngay giữa chiến trường khói lửa.
Năm 1976, Nguyễn Minh Chuyên trở về quê hương và công tác ở báo Thái Bình. Chiếc ba lô chiến sĩ mà anh mang trên lưng lại không hề giống với bất kỳ ba lô của những người chiến sĩ trở về khác, không gì ngoài những trang ghi chép “nặng trĩu” dư âm chiến trận.
Về lại quê hương, điều đầu tiên mà Minh Chuyên gặp cũng chẳng giống ai. Anh đã lặng người đi khi trước mắt anh là những phận người, những con người nếu không mang thương tích chiến tranh thì là những con người đã và đang chịu đựng nỗi đau do chiến tranh đưa đến. Và truyện ký Thủ tục làm người còn sống in tháng 5-1988 trên báo Văn nghệ như một “phát súng mở màn” cho một đề tài mà Minh Chuyên đeo đuổi.
Câu chuyện về “liệt sĩ” Trần Quyết Định trong Thủ tục làm người còn sống được khơi nguồn từ một người bạn - thương binh Đoàn Duyến. Anh Duyến nói với Minh Chuyên: “Mày từng là thằng lính, toàn đi viết văn, viết báo ở đâu đâu, thằng Định người xã mình oan khuất đã 10 năm nay, sao không viết mà kêu cho nó. Hay là mày “trơn lông, mượt da” nên quên hết đồng đội rồi sao?”. Cú hích đó thực sự làm Minh Chuyên “sực tỉnh” và thế là anh “dấn thân” vào đề tài hậu chiến với một nhận thức có trách nhiệm “bền bỉ và mải miết đi tìm những cảnh ngộ xót đau”.
2. Nhưng khi bắt tay vào việc thì nảy sinh nhiều khó khăn. Minh Chuyên tìm đến các cơ quan chức năng để đưa đơn kêu cho “liệt sĩ” Trần Quyết Định nhưng đều nhận được nếu không là khất lần thì cũng là sự đùn đẩy. Anh quyết không chịu “đầu hàng”. Anh tìm gặp những đồng đội, tìm về nơi anh Định bị thương và kiên quyết đề nghị các cơ quan chức năng cùng hợp tác. Bốn tháng sau khi bài báo ra đời, “liệt sĩ” Trần Quyết Định đã được “làm người còn sống”.
Trong tâm thức của Minh Chuyên vẫn còn nguyên những lần chính tay anh đã phải “lôi” thương binh ra khỏi trận địa mù mịt đạn khói để giành giật sự sống cho đồng đội. Từ chút may mắn vượt qua mờ mịt chiến tranh và trở về vẫn còn nguyên vẹn hình hài, anh lại quặn thắt khi chứng kiến những người lính năm xưa đang lầm lũi hòa nhập đời thường với không ít thua thiệt.
Minh Chuyên tự hứa: “Phải giành lại không chỉ sự sống mà cả sự công bằng cho đồng đội”. Lần lượt bút ký, truyện ký của Minh Chuyên xuất hiện làm lay động xúc cảm người đương thời như: Nghị lực, Chiến tranh đã đi qua, Quãng đời huyền thoại, Nỗi oan trần thế, Người lang thang không cô đơn… Đó là những tác phẩm văn học đầy ắp tính báo chí, bởi những con người thật với số phận thật đang cần được trợ giúp, cần được giãi bày.
Nhớ hồi bút ký Người lang thang không cô đơn viết về anh thương binh Nguyễn Đình Thức được in báo, hồi đó địa phương đã có những phản ứng quyết liệt chỉ bởi một điều “câu chuyện đã bôi nhọ quê hương” và “không thể chấp nhận được”. Thế là Minh Chuyên bị địa phương “làm khó”. Anh phải “lánh đi” giữa lúc kinh tế gia đình tứ bề túng thiếu.
Khi ấy, nhà thơ Trần Ninh Hồ (báo Văn nghệ) gặp và khuyên cánh nhà văn trẻ chúng tôi: “Các cậu nên có tiếng nói bảo vệ thằng Chuyên”. Rồi sự thực bao giờ cũng là sự thực. Câu chuyện về “liệt sĩ” Trần Quyết Định hay về thương binh Nguyễn Đình Thức được “trả lại tên” và thành những hình tượng điển hình đầy tính nhân bản cho văn học.
3. Hậu chiến tranh là đề tài Minh Chuyên đeo đuổi, khi trở thành nhà văn, nhà viết kịch, rồi thành đạo diễn phim tài liệu ở Đài Truyền hình Việt Nam. Ở lĩnh vực nào, nhà văn, đạo diễn Minh Chuyên đều “đăm đắm” chỉ một đề tài đó. Ông tận dụng “sức mạnh” của sân khấu, của báo chí nói chung và của truyền hình nói riêng để thể hiện “Tiếng nói làm xoa dịu nỗi đau chiến tranh khi nỗi đau sinh ra bởi chiến tranh”.
Loạt tác phẩm của ông về “câu chuyện da cam” từng làm người đọc, người xem xúc động. Đó là nỗi đau dai dẳng đời cha sang đời con và có khi kéo dài vài đời sau đó. Đó là sự khủng khiếp mà mọi người cần chung tay giúp đỡ, chung tay đòi quyền công bằng. Hình ảnh bé Thịnh và bé Thoa trong Đứa con màu da thú, hay nhân vật Lại Thị Hà trong Chiếc cũi trần gian mà Minh Chuyên đã “công bố” được dư luận quan tâm, được nhiều người hảo tâm mở lòng trợ giúp.
Tiếng lòng của Minh Chuyên đã thực sự góp phần không nhỏ vào nhận thức và hành động của đời sống xã hội. Khi mà cuộc sống hiện tại với bao bận rộn, với bao tính toán đã phần nào làm “xao nhãng” quá khứ và nỗi đau từ quá khứ.
Thái độ của người sáng tạo là làm sống lại quá khứ, dĩ nhiên không phải để sợ hãi, để lảng tránh mà để đạt tới sự cảm thương, đồng lòng lên tiếng đấu tranh cho quyền lợi chính đáng. Câu chuyện này giờ đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Nó không chỉ “hành hạ” người dân Việt Nam mà còn trực tiếp “hành hạ” những người Mỹ tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam.
Những bài báo, phim tài liệu truyền hình về chất độc màu da cam do nhà văn, đạo diễn Minh Chuyên truyền tải suốt những năm tháng qua thực sự là tiếng nói mạnh mẽ, là cầu nối giữa sự thực với công lý. Những tác phẩm như Cha con người lính, Di họa chiến tranh là những minh chứng hùng hồn được Minh Chuyên đưa ra ánh sáng.
Để có được những trang viết, những thước phim tài liệu, nhà văn, đạo diễn Minh Chuyên không chỉ vượt qua “rào cản”, vượt qua “sự mặc cảm” mà còn phải vượt qua hiểm nguy nữa. Ông từng lặn lội trở lại nơi chiến địa xưa để xác minh, để tìm nhân chứng, để có tư liệu chính xác. Những lần đi đó nếu không có tấm lòng với đồng đội, với quá khứ thì không thể thực hiện được. Rừng thiêng nước độc và bao vất vả đều không ngăn được bước chân người đi “Chữa lành những vết thương thời hậu chiến”.
Trở về đời thường, trong khi nhiều người khác lo toan cho cuộc sống riêng, chăm bẵm cho đời sống riêng, Minh Chuyên lại theo đuổi “được lo cho đồng đội và gia đình đồng đội”. Nét trân quý này đã thúc giục ông tiếp tục đi, tiếp tục lắng nghe, tiếp tục gặp gỡ và tiếp tục chuyển hóa thành tác phẩm. Lại nhớ có lần Minh Chuyên đã bộc bạch: “Không có giải thưởng nào bằng nụ cười của những người mà tôi đã gặp”.
Hơn 30 năm, đúng như tâm sự “Tôi nguyện cả đời theo đuổi”, Minh Chuyên đã có hơn 300 tác phẩm viết, 225 tác phẩm truyền hình, 5 tác phẩm sân khấu với chỉ một đề tài “Hậu chiến tranh” trong khoảng thời gian và không gian trải dài. Quả là khâm phục và quý mến người đàn ông “đậm tình quê lúa” này.
Cũng nhờ theo đuổi đề tài về chất độc màu da cam, nhà văn - đạo diễn Minh Chuyên đã góp phần làm xích lại quan hệ Việt - Mỹ và làm thức tỉnh nhiều cựu binh Mỹ từng là thủ phạm và trớ trêu thay lại cũng là nạn nhân chiến tranh. Đó là các cựu binh Homer Stedy, Wayne Karlin, Paud Reed, Kevin Bowen… Những cựu binh “thủ phạm - nạn nhân” này từ nỗi đau thương tật của chính mình mà quay lại Việt Nam. Khi đã thấy tận mắt hậu quả mà họ đã gieo rắc cho người Việt Nam, họ đã thành nhân chứng hùng hồn đấu tranh với Chính phủ Mỹ để đòi lại sự công bằng cho các nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam. |