Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, vào hồi 17 giờ 10 phút (tức 23 giờ 10 phút giờ Việt Nam) ngày 27-11, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 9 của UNESCO diễn ra tại thành phố Paris, nước Cộng hòa Pháp, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam đã chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại

(SGGPO).- Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, vào hồi 17 giờ 10 phút (tức 23 giờ 10 phút giờ Việt Nam) ngày 27-11, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 9 của UNESCO diễn ra tại thành phố Paris, nước Cộng hòa Pháp, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam đã chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, Giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa. Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như: Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường nón, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên,...

Dân ca Ví, Giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh và là phương tiện nghệ thuật để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng.

Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đáp ứng 5 tiêu chí để đăng ký vào Danh sách đại diện:

1. Được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng cư dân Nghệ Tĩnh, chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống văn hóa và tinh thần, phản ánh bản sắc văn hóa cũng như thể hiện suy nghĩ và cảm xúc theo cách của họ.

2. việc ghi danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào “Danh sách Đại diện” có thể góp phần thúc đẩy nhận thức về di sản văn hóa phi vật thể thông qua sự quan tâm đối với dân ca, khuyến khích sự khoan dung và sự đồng cảm giữa các nhóm dân tộc và các cộng đồng cũng như đối thoại giữa các nghệ nhân của các phong cách âm nhạc khác nhau.

3. Các biện pháp bảo vệ gồm nâng cao nhận thức, giáo dục và phát huy được đề xuất với sự hỗ trợ tài chính của các cơ quan Nhà nước và địa phương, nhằm đảm bảo tính bền vững việc thực hành di sản, thể hiện cam kết và ý chí của chính quyền, cộng đồng trong việc bảo vệ di sản.

4. Hồ sơ đề cử được xây dựng với sự tự nguyện tham gia của cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức chuyên ngành, các chuyên gia và cùng cam kết bảo vệ.

5. Di sản đã được Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam kiểm kê với sự tham gia và đóng góp của cộng đồng; được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào 2012.

Việc Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình âm nhạc đặc biệt này. Đồng thời đây cũng là cơ hội giúp cho cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập và tham gia trình diễn, nhằm bảo tồn và phát huy một cách bền vững di sản văn hóa phi vật thể này.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục