Ngày 27-11, tại Pháp, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào không chỉ của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào vẫn còn không ít thách thức. Bởi để loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc này được phát huy và có sức sống lâu bền, đang có rất nhiều việc phải làm.
Những hạt nhân dân ca trong dân
Anh Nguyễn Cảnh Sơn (xã Đồng Thành, Yên Thành, Nghệ An) là người nổi tiếng về hát dân ca ví, giặm. Mặc dù có giọng hát trời phú, có niềm đam mê, tha thiết với dân ca nhưng anh Sơn vẫn thiếu một môi trường thực sự để thể hiện. Anh tâm sự: “Cái chính là ở niềm đam mê nên tôi và những người yêu dân ca ở xã Đồng Thành cùng tập trung lại để chơi với nhau. Có không ít các cháu học sinh cũng mong muốn được học hát, nhưng vì điều kiện, nhất là kinh phí nên chúng tôi vẫn chưa thể thực hiện được những lớp dạy dân ca thực sự”.
Cụ Lê Thị Vinh (CLB Dân ca ví, giặm xã Ngọc Sơn), 80 tuổi vẫn tham gia truyền dạy dân ca cho con cháu.
Ở những nơi khác trên miền đất xứ Nghệ, những người đam mê vẫn đang âm thầm đời truyền đời để giữ dân ca ví, giặm. Chị Lê Thị Bích Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Kim Liên (huyện Nam Đàn), là một ví dụ. Chị Thủy đã truyền niềm đam mê dân ca cho cậu con trai của mình là Nguyễn Quốc Bảo. Tại Liên hoan Câu lạc bộ Dân ca xứ Nghệ lần thứ nhất vào năm 2011, Bảo đã đạt giải thưởng đặc biệt với danh hiệu “Nghệ nhân nhỏ tuổi hát dân ca hay nhất”, khi mới 5 tuổi.
Tại Câu lạc bộ Dân ca ví giặm xã Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương) có một đại gia đình cùng có niềm đam mê dân ca. Đó là gia đình nghệ nhân Võ Thị Hồng Vân với 3 thế hệ cùng hát dân ca ví, giặm. Mẹ chồng chị Vân là cụ Lê Thị Vinh năm nay đã 80 tuổi. Mặc dù sức khỏe yếu, nhưng mỗi buổi sinh hoạt của CLB hoặc khi con cháu có thời gian cụ lại tranh thủ truyền dạy lại vốn cổ của ông cha. Cụ vui vẻ cho biết: “Tôi rất vui vì cứ nghĩ cái vốn quý bấy lâu của ông bà bị thất truyền, nhưng giờ con cháu vẫn thích, vẫn theo hát là tôi mãn nguyện lắm rồi”.
Vào trung tuần tháng 5-2014, trong dịp Hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát huy dân ca trong xã hội đương đại (trường hợp dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh) do Bộ VH-TT-DL phối hợp với 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức, các đại biểu đến từ nhiều nước như Pháp, Mỹ, Nga, Nhật Bản… đã thật sự hứng thú khi được cùng tham dự một buổi sinh hoạt của CLB Dân ca ví giặm Ngọc Sơn.
Đưa ví, giặm vào cuộc sống
Tại cuộc hội thảo về dân ca ví, giặm nêu trên, NSƯT Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Nghệ An cho rằng, hiện nay dân ca ví, giặm đang bị mai một, bị biến dạng, vai trò của nó trong đời sống đương đại ngày càng ít quan trọng hơn. Trong những năm qua, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm, tuy nhiên kết quả chưa đạt được như mong muốn. Để bảo tồn và phát huy tốt di sản dân ca ví, giặm cần xây dựng cơ chế, chính sách vừa có tầm vĩ mô, vừa cụ thể, khả thi; cần có kế hoạch, phân công trách nhiệm, xác định lộ trình cụ thể cho các tổ chức, địa phương...
NSND Trịnh Hồng Lựu, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ nhìn nhận, để lưu giữ ví, giặm xưa cần tạo lại các không gian văn hóa, môi trường diễn xướng xưa bằng cách xây dựng những kịch bản dựa trên cơ sở tái tạo lại đời sống dân ca trước đây, từ đó lập hồ sơ chụp hình, ghi âm, quay phim… để lưu giữ và trưng bày bằng dữ liệu. Bên cạnh đó, phải đưa dân ca ví, giặm vào cuộc sống đương đại hôm nay. Ví, giặm phải sống nhịp sống của hôm nay, thở nhịp thở của xã hội hôm nay và tự tạo cho mình tính thời đại bằng chính khả năng biểu đạt linh hoạt và phong phú của mình.
GS-TS Trần Quang Hải (Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp) trăn trở: “Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có các chương trình đưa dân ca vào trường học từ mấy năm nay. Đó là bước đầu để trẻ em thấy đó là niềm tự hào của địa phương. Rất nhiều nhạc sĩ đã tìm thấy nguồn cảm hứng để tạo ra những bài thanh nhạc rất hay. Những hình thức đó có thể là bước đầu của sự giải tỏa vấn đề khó khăn trong bảo vệ âm nhạc cổ truyền, dân ca, mà vấn đề này cần phải huy động trên toàn quốc chứ không phải một vùng, địa phương mà thôi. Dân ca có thể trình bày bằng nhiều khía cạnh khác nhau. Đó là sân khấu hóa, làm sao đem những bài dân ca phù hợp trên bình diện, khung cảnh mới cho thấy dân ca có thể tiến tới một hình ảnh khác, hình thức khác, phương cách biểu diễn khác và đem được niềm vui cho thế hệ trẻ. Bây giờ, người trẻ thích những gì ồn ào, thành ra muốn lôi kéo những người trẻ yêu thích dân ca thì chúng ta phải đưa những hình ảnh hợp với sở thích người trẻ, lôi kéo người trẻ thì họ mới thấm nhuần”.
DUY CƯỜNG