Đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội nói chung, dân chủ xã hội chủ nghĩa nói riêng ở nước ta có ý nghĩa rất lớn đối với sự nghiệp đổi mới, mở cửa hội nhập vào khu vực và thế giới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Xác định và thực hiện mục tiêu dân chủ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển, chuyển biến nhanh đất nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tạo cơ sở, nền tảng cho dân chủ xã hội phát triển ngày càng cao hơn.
Bước tiến của dân chủ
Tại Hội nghị lần thứ VI (Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII) diễn ra từ ngày 25-1 đến 2-2-1999, Đảng ta đã xác định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Đây là mục tiêu quan trọng, lần đầu tiên Đảng ta xác định cho hướng phát triển của nước ta trong thời kỳ đầu quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4-2001), trên cơ sở tổng kết, đánh giá 15 năm đổi mới, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng nền kinh tế thị trường, Đảng ta bổ sung mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đến đây, mục tiêu dân chủ được Đảng ta đặt ra trong bối cảnh thế giới, trong nước đầu thế kỷ XXI có những chuyển biến nhanh, tạo ra những thời cơ, vận hội, đồng thời đưa đến những khó khăn, thách thức cho đất nước ta. Đặt ra mục tiêu dân chủ lúc này là đồng nghĩa chứng tỏ đất nước ta đã phát triển lên một bước cao về nhiều mặt. Trong đó, có ý thức, nhận thức về dân chủ xã hội trong các tầng lớp nhân dân. Song, điều này cũng tạo ra những cơ sở, điều kiện mới và yếu tố mới nhằm thúc đẩy đất nước chuyển biến nhanh hơn.
Trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng, Đảng ta xác định “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…”.
Thúc đẩy sự phát triển toàn diện
Mục tiêu dân chủ được đưa lên và nhấn mạnh trong cương lĩnh bổ sung lần này và Đảng ta hoạch định cho phương hướng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong thời đại hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng và đóng vai trò tiên phong thúc đẩy công cuộc đổi mới đi nhanh hơn nữa, toàn diện, sâu sắc và triệt để. Mục tiêu dân chủ và dân chủ hóa từng bước xã hội là nhân tố chính có ý nghĩa vừa là mục tiêu nhưng cũng vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội.
Mục tiêu dân chủ được nhấn mạnh trong văn kiện lần này là ở thời điểm lịch sử chuyển sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những biến chuyển hết sức quan trọng và cũng có nhiều phức tạp về dân chủ và tiến bộ xã hội ở nhiều quốc gia. Đặc biệt, ở Việt Nam, sau 25 năm đổi mới và sau 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước thực hiện một nhiệm vụ chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa, đất nước ta đã có những bước phát triển nhiều mặt, nền dân chủ đất nước có bước chuyển biến, phát triển ở mức độ cao hơn. Tuy nhiên, nhìn tổng thể và đi sâu vào nhiều mặt của đời sống xã hội, tính chất dân chủ và sự thể hiện dân chủ vẫn chưa được phát huy đúng mức, tiếng nói và sức mạnh dân chủ của nhân dân đôi lúc chưa được tôn trọng. Từ thực tiễn này, Đảng ta đặt ra và đưa lên mục tiêu dân chủ là hoàn toàn xác đáng, rất cần thiết, có cơ sở chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và có đủ những điều kiện thuận lợi của đất nước để triển khai, thực hiện thành công. Đồng thời, đó là một động lực chủ yếu có tính quyết định nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện nhiều mặt của xã hội và cũng là động lực quan trọng thúc đẩy công cuộc đổi mới của Đảng ta, nhân dân ta tiến lên một bước cao hơn, giành lấy những thắng lợi quan trọng hơn trong những thập niên tiếp theo của thế kỷ XXI.
Đảng ta đặt mục tiêu và nâng cao hơn sự phát triển của dân chủ và thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa được xem như một tiền đề vừa có tính cấp bách, bức thiết vừa có tính chiến lược của Việt Nam ở thế kỷ XXI và xa hơn nữa. Bởi lẽ, những thành công, kết quả Việt Nam đạt được trong 25 năm đổi mới vừa qua là chỉ thắng lợi bước đầu có ý nghĩa và tính chất mở đường cho đất nước bước vào thời kỳ phát triển cao hơn, mạnh mẽ và toàn diện hơn. Nhìn tổng thể nhiều mặt của đất nước, công cuộc đổi mới chưa đủ sức khai thông những “ứ đọng” cơ bản, chưa đủ lực phá vỡ và thay đổi sâu sắc, triệt để ở những cái cũ, cái lạc hậu lỗi thời nhưng lại đeo bám dai dẳng đối với dân tộc. Chính vì vậy, trong văn kiện, ở phần II, mục 4 của Cương lĩnh bổ sung lần này, đưa lên mục tiêu dân chủ, nhất thiết xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng ta nhấn mạnh: “Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội…”.
Thúc đẩy và nâng cao mục tiêu dân chủ đối với nước ta trong thời kỳ hiện nay nhất định sẽ thúc đẩy sự nghiệp đổi mới chuyển biến nhanh hơn, tạo ra nhiều động lực quan trọng thúc đẩy dân chủ hóa xã hội trong mọi tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự ràng buộc luật pháp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, tiến tới hình thành từng bước và ngày càng hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Mục tiêu dân chủ được đẩy mạnh và nâng cao, nhất thiết xây dựng thành công nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không chỉ là động lực thúc đẩy sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội mà có tác dụng hạn chế, ngăn ngừa, thậm chí đẩy lùi một trong 4 khó khăn thách thức mà có lúc Đảng ta xác định là nguy cơ lớn của dân tộc. Khó khăn, thách thức, nguy cơ lớn đó chính là thực trạng quan liêu, tham nhũng, tiêu cực xuất phát từ sự suy thoái, biến chất về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên hiện nay. Nâng cao mục tiêu dân chủ và đẩy mạnh thực hiện dân chủ hóa xã hội trong lúc này sẽ là liều thuốc đặc trị hiệu quả cho một căn bệnh ác tính đang lan rộng và ăn sâu vào một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức có quyền. Một căn bệnh kinh niên đang hoành hành cơ thể sống của Đảng ta, làm giảm sút và ngày càng mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ta. Dân chủ hóa xã hội và đẩy mạnh, nâng cao dân chủ là xây dựng và nâng cao vai trò, sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp đổi mới của Đảng và đất nước. Đó cũng là phương pháp, nguyên tắc căn bản xây dựng, phát huy sức mạnh của lực lượng quần chúng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cao hơn, sâu xa hơn là dùng sức mạnh của lực lượng quần chúng để ngăn ngừa, điều trị, tiêu diệt những thói hư, tật xấu, những căn bệnh mãn tính của một bộ phận nhỏ lợi dụng lực lượng lãnh đạo quần chúng. Từ nhận định này cho thấy, thực hiện và nâng cao, đẩy mạnh mục tiêu dân chủ trong thời kỳ đặc biệt hiện nay của đất nước có ý nghĩa sâu xa, vừa là mục tiêu nhưng cũng vừa là động lực góp phần quyết định hình thành nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện tại và trong tương lai.
TS Nguyễn Thành Nam
Tin bài liên quan: