Đảng cầm quyền trong điều kiện mới

Đảng cầm quyền trong điều kiện mới
Chưa bao giờ như trong giai đoạn hiện nay, những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng Đảng cầm quyền lại gắn bó chặt chẽ với nhau đến như vậy.

Vấn đề xây dựng Đảng cầm quyền luôn luôn cũ và cũng luôn luôn mới. Cũ là vì vẫn còn đó những nguyên lý cơ bản, đúng đắn của học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản. Mới là bởi học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là lý luận mở, nghĩa là luôn luôn được nạp thêm năng lượng mới từ cuộc sống, nhất là trong giai đoạn Đảng cầm quyền ở nước ta hiện nay, giai đoạn đất nước vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế… Chính Đại hội XI của Đảng ta vừa qua đã vận dụng sáng tạo và phát triển thêm một bước những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền.

Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh là sân chơi và cũng là giải pháp để các bạn trẻ học tập một cách sinh động. Ảnh: THÁI BẰNG

Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh là sân chơi và cũng là giải pháp để các bạn trẻ học tập một cách sinh động. Ảnh: THÁI BẰNG

Giai đoạn mới đặt ra những điểm gì trên vấn đề quan trọng này? Có nhiều điểm, nhưng theo tôi, nổi lên một số điểm sau đây:

Một, quyền mà Đảng cầm là từ sự ủy thác của nhân dân. Vai trò cầm quyền, lãnh đạo của Đảng ta không tự nhiên mà có và không phải cứ tự nhận mà được. Vai trò đó là kết quả tất yếu của cả quá trình phấn đấu kiên cường, bền bỉ của Đảng cho nền độc lập của Tổ quốc, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Trải qua bao nhiêu cam go, thử thách, nhân dân đã tin yêu Đảng, trao cho Đảng vai trò dẫn dắt sự phát triển của dân tộc. Và điều này cũng đúng như sự khẳng định ngay từ đầu thời dựng Đảng, khi Đảng nêu mục đích của Đảng là vì quyền lợi của Tổ quốc, của nhân dân, ngoài ra Đảng không có mục đích gì khác.

Chính vì vậy, Đảng ta không những là Đảng của giai cấp công nhân mà đồng thời còn là Đảng của nhân dân và toàn dân tộc, đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân và toàn dân tộc. Đảng là đội tiên phong được sự ủy quyền từ quyền lực của giai cấp công nhân, nhân dân và toàn dân tộc. Nguồn gốc “cầm quyền” của Đảng ta là như vậy. Đây là điểm đầu tiên, quan trọng nhất, trong cả lý luận và thực tiễn, về Đảng cầm quyền mà hiện nay cần chú ý.

Hai, Đảng phải luôn luôn nâng cao tầm trí tuệ của mình; kiên định, kiên định hơn nữa; sáng tạo, sáng tạo hơn nữa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Không ở đâu như trong lĩnh vực xây dựng CNXH lại có sự đòi hỏi rất bức xúc cả hai yếu tố đó. Bác Hồ, trong Di chúc, gọi đó là cuộc “chiến đấu khổng lồ” chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Đảng cầm quyền không được phép chệch hướng, nghĩa là không được phép sai lầm về đường lối chính trị. Mà muốn thế, Đảng phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng Đảng cũng luôn luôn phải có tư tưởng đổi mới, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo vì cuộc sống vô cùng phong phú, phát triển rất mau lẹ; điều đó không cho phép Đảng bảo thủ, trì trệ.

Ba, Đảng cầm quyền phải trong sạch, vững mạnh để giữ vững và phát huy vai trò của mình. Vai trò cầm quyền của Đảng sẽ bị suy yếu và thậm chí bị mất đi nếu Đảng bị thoái hóa, biến chất. Do đó, Đảng phải thường xuyên được xây dựng và chỉnh đốn bản thân mình. Sự cầm quyền, lãnh đạo của Đảng và việc Đảng phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn để bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của bản thân mình đều là hai vế tất yếu như nhau trong cái logic phát triển.

Hơn 81 năm đã qua, Đảng ta đã trưởng thành qua bao thử thách, đã phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, nhưng vẫn còn một số hạn chế. Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới, rất cần thiết phải đề phòng và khắc phục những biểu hiện tiêu cực: đặc quyền, đặc lợi, xa rời nhân dân, quan liêu, tham nhũng; một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Bảo đảm và phát huy dân chủ trong điều kiện một Đảng. Dân chủ trong Đảng là điều kiện tiên quyết bảo đảm dân chủ ngoài xã hội.

Vấn đề dân chủ của một xã hội không phụ thuộc vào số lượng của các chính đảng, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu là phụ thuộc vào bản thân chất lượng của đảng cầm quyền. Phải đề phòng và chống những biểu hiện mất dân chủ trong Đảng. Phải thực hiện tốt nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng là tập trung dân chủ. Dân chủ một mặt được bảo đảm bằng thể chế đồng thời rất quan trọng là phải được bảo đảm và phát huy trong thực tế. Vì vậy, Bác Hồ đã nhấn mạnh việc thực hành dân chủ một cách thực sự ở trong Đảng chứ không phải nói suông.

Bốn, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong điều kiện mới, sự lãnh đạo của Đảng quan trọng nhất là thông qua Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Điểm nhấn mà các đại hội toàn quốc của Đảng đã nêu là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo nhưng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Lãnh đạo Nhà nước, do đó, trở thành một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Đảng. Đồng thời, Đảng cần đổi mới sự lãnh đạo đối với Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội khác. Đảng không được bao biện, làm thay và đồng thời cũng không được phép buông lỏng sự lãnh đạo đối với các tổ chức đó.

Mọi sự tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đều dựa trên nguyên tắc: Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương, bằng thể chế hóa, bằng hệ thống tổ chức, bằng quản lý công tác cán bộ, bằng sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, bằng sự kiểm tra thường xuyên trong các tổ chức đó

GS-TS MẠCH QUANG THẮNG
Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Thưa quý bạn đọc!

Thực hiện Chỉ thị 01-CT/TW ngày 17-3-2011 của Bộ Chính trị về việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, từ ngày 11-4, Báo SGGP khởi đăng loạt bài Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI vào cuộc sống. Thông qua phân tích của các chuyên gia, nhà lý luận trong và ngoài nước, các bài viết ít nhiều đã đem đến cho bạn đọc cái nhìn hệ thống về những thành quả mang tính đột phá trong đổi mới nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội qua Đại hội XI của Đảng, cũng như các vấn đề đặt ra từ các văn kiện mà Đại hội đã thông qua.

Sau số báo ngày hôm nay, Báo SGGP tạm dừng loạt bài để tiếp nhận và đăng tải ý kiến của rộng rãi bạn đọc xoay quanh các vấn đề đặt ra liên quan đến nội dung các văn kiện Đại hội XI của Đảng, đặc biệt là các ý kiến đóng góp về những giải pháp thiết thực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong 5 năm tới cũng như tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại như Nghị quyết Đại hội đã đề ra.

Các bài viết và ý kiến đóng góp xin gửi về tòa soạn theo địa chỉ: toasoan@sggp.org.vn, mục “Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI vào cuộc sống”.

Ban Biên tập Báo SGGP xin trân trọng cảm ơn và đón nhận các bài viết, ý kiến đóng góp tâm huyết của tất cả các đồng chí và các bạn.

Tin cùng chuyên mục