LTS: Thực hiện Chỉ thị 01-CT/TW ngày 17-3-2011 của Bộ Chính trị về việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, từ ngày 11-4 đến 17-4 vừa qua, Báo SGGP đã khởi đăng đợt đầu loạt bài ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI đảng lần thứ XI VÀO CUỘC SỐNG, nhằm chuyển tải đến bạn đọc những phân tích của các chuyên gia, nhà lý luận trong và ngoài nước về những thành quả mang tính đột phá trong đổi mới nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội qua Đại hội XI của Đảng. Kể từ số báo hôm nay, 11-5-2011, Báo SGGP tiếp tục vệt tuyên truyền này với các bài viết, ý kiến của rộng rãi bạn đọc, các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn xoay quanh những giải pháp thiết thực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong 5 năm tới cũng như tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại như Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra. Ban Biên tập Báo SGGP trân trọng cảm ơn tất cả bạn đọc đã có bài viết, ý kiến đóng góp cho chuyên mục và rất mong tiếp tục nhận được các bài viết, ý kiến đóng góp tâm huyết của các đồng chí và các bạn. Bài vở xin gửi về tòa soạn theo địa chỉ: toasoan@sggp.org.vn, mục “ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI đảng lần thứ XI VÀO CUỘC SỐNG”. Ban Biên Tập |
Đảng CSVN, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, là đảng kiểu mới, thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. 81 năm tồn tại và phát triển, Đảng ta nhanh chóng trưởng thành và chiếm lĩnh vai trò độc tôn lãnh đạo. Trước biến chuyển của thế giới, các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu tan rã, Đảng ta vẫn kiên định, giữ vững định hướng đi lên, có bản lĩnh.
Được như thế là vì chúng ta luôn đổi mới phương thức lãnh đạo. Những đợt học tập xây dựng Đảng đã luôn nâng cao nhận thức, tính chiến đấu ngang tầm lãnh đạo của đảng viên, đợt sinh hoạt chính trị lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã nâng cao chất lượng đảng viên. Người đảng viên nói đi đôi với làm. Ý thức phục vụ nhân dân, vì dân vì Đảng, không chỉ là nhiệm vụ mà trở thành tình cảm, được thường trực, thường xuyên trong mỗi con người. Đó là sự đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động sáng tạo và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Đảng viên có trách nhiệm cá nhân của đảng viên trong nhiệm vụ được giao, theo điều lệ. Người có quyền, có trách nhiệm quản lý cao hơn, lớn hơn của người đứng đầu theo quy định nếu để cơ quan đơn vị và cán bộ dưới quyền xảy ra tiêu cực tham nhũng. Chịu trách nhiệm của người cán bộ đứng đầu là nhiệm vụ được ghi trong quy định công chức theo kiểu “chức cao quyền lớn, trách nhiệm lớn”. Đó còn là văn hóa Đảng, văn minh, thấu tình đạt lý. Nâng cao trách nhiệm của mỗi đảng viên và người đứng đầu buộc mọi người phải làm tròn chức trách của mình với chất lượng cao, có ý thức giám sát, kiểm tra đơn vị cán bộ thực hiện chức trách.
Nhận, chịu trách nhiệm khi để cơ quan đơn vị xảy ra sai lầm từ việc tự phê bình, phê bình phải đi đôi với việc tự phong xử lý kỷ luật, chứ không phải nhận để cho có, để “hạ hỏa” bức xúc. Tùy theo mức độ nặng nhẹ mà người nhận chịu trách nhiệm xin từ chức, miễn chức hoặc cảnh cáo, khiển trách, đền bù…
Ở các nước tư bản, xe lửa đụng nhau chết người, bộ trưởng giao thông đứng ra nhận lỗi, từ chức. Tổng thống có con buôn lậu vũ khí, phải đứng ra điều trần xin lỗi ở thượng viện. Ở ta, một số nơi, cơ quan quận, huyện dính đến việc chia chác đất đai, đổ bể không ai chịu nhận trách nhiệm, thường đổ lỗi cho “trình độ non kém”.
Việc giám sát kiểm tra xem xét kết luận trách nhiệm người đứng đầu cũng phải nghiêm minh khách quan, được xã hội đồng thuận. Phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức Đảng, đảng viên, cấp ủy viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước đi đôi với đổi mới cách ra nghị quyết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát thực nghiêm minh. Đã có nhiều vụ việc, cơ quan xảy ra tiêu cực, chẳng ai chịu trách nhiệm. Nhân viên, đảng viên cho mình không có trách nhiệm, hay vì sợ không dám nói? Thủ tướng có chỉ thị, công văn “yêu cầu kiểm điểm, làm rõ báo cáo, xử lý” nhưng nhiều nơi chẳng có ai kiểm điểm, làm rõ. Cơ quan cấp trên thì ngại ngùng, chờ cấp dưới tự giác. Kết quả bị dư luận cho là bao che, bứt dây động rừng. Có người đổ thừa: Nghị định chịu trách nhiệm chưa có quy chế cụ thể nên khó quy trách nhiệm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng chỉ rõ: “Thuế, chi tiêu công, đầu tư, quản lý đất đai là lĩnh vực hết sức nhạy cảm dễ xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hỏi các cơ quan chức năng, các ngành, các cấp cần coi trọng hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực này, theo hướng công khai, minh bạch (Báo SGGP 14-10-2009)”.
Tại cuộc họp cán bộ toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2011 (Báo SGGP 24-3-2011), đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, chỉ thị: “Lấy hiệu quả công tác và sự tín nhiệm của nhân dân, của đơn vị làm thước đo chủ yếu. Xây dựng quy định, quy trình cho thôi chức, miễn chức, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo quản lý, có cơ chế hữu hiệu để kịp thay thế những cán bộ yếu kém về phẩm chất, bị nhân dân chê trách không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút. Có cơ chế phát hiện xử lý nghiêm và kịp thời những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương”.
Thiết nghĩ, đưa nghị quyết vào cuộc sống, xây dựng chế độ trách nhiệm người đứng đầu nên bắt đầu trước hết bằng việc tham gia tích cực vào đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp, lựa chọn các cán bộ đủ tầm, có tâm; dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Cao Phi Yến
(Cán bộ hưu trí P.10, Q.Gò Vấp)