Dân số vàng: Mừng và lo

Đến thời điểm này, dân số Việt Nam đã đạt đến con số 86,65 triệu người, tăng 33 triệu người so với 20 năm về trước. Dân số tăng nhanh kéo theo sự thay đổi về cơ cấu, nhất là độ tuổi lao động. Ước tính mỗi năm VN có thêm 1,5 triệu người bước vào độ tuổi lao động, bổ sung nguồn nhân lực trẻ cho thị trường lao động. Khi số người trong độ tuổi lao động nhiều gấp đôi số người phụ thuộc thì điều này được gọi là thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”.

Theo dự báo của Liên hiệp quốc, “cơ cấu dân số vàng” của VN sẽ kéo dài khoảng 27 năm (từ năm 2008 và kết thúc vào năm 2035). Đây là cơ hội hiếm gặp ở các quốc gia và trở thành niềm ao ước của nhiều nước phát triển đang đối mặt với thời kỳ dân số già cỗi, thiếu lao động trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui có nguồn tài sản quý giá - dân số vàng, nhiều chuyên gia, nhà quản lý lao động lại cảm thấy lo canh cánh trước thực trạng nguồn nhân lực đông về số lượng nhưng yếu về chất của ta.

Tại cuộc hội thảo “Cơ cấu dân số vàng - cơ hội và thách thức” do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức, các chuyên gia đã xới lên nhiều vấn đề cấp bách, cần phải làm. Đó là nhanh chóng nâng chất nguồn nhân lực theo hướng đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Tuy chiếm đến 66% dân số VN trong độ tuổi lao động nhưng hành trang - trình độ, kỹ năng nghề nghiệp - của nguồn nhân lực nước ta so với khu vực và trên thế giới có khoảng cách khá xa, nếu không muốn nói là tụt hậu.

Do tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp (cả nước phấn đấu hết năm 2010 đạt tỷ lệ 30%) và chưa đạt chuẩn về trình độ, kỹ năng của khu vực nên chất lượng lao động của VN nhìn chung còn thấp. Điều này dẫn đến hệ quả nhãn tiền là tính cạnh tranh không cao và năng suất, thu nhập của lao động nước ta đang đứng ở vị trí thấp nhất khu vực. Đây chính là lực cản làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Những bất cập nêu trên cho thấy thị trường lao động ở nước ta phát triển chưa bền vững, yếu tố bấp bênh còn cao. Vì vậy ngoài việc nảy sinh bất ổn, xu hướng dịch chuyển lao động cao, còn tiềm ẩn nguy cơ thường xuyên tạo ra cơn sốt thiếu hụt nhân lực ở mọi cấp độ, từ lao động tay nghề thấp đến trung - cao cấp.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động dồi dào từ thành thị đến nông thôn hiện nay nếu không được tận dụng và không tạo cơ hội để họ tham gia vào thị trường lao động chính thức, không được thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì khi về già họ sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội. Đây cũng là thách thức lớn đối với việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội nếu chúng ta không có giải pháp giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thêm việc làm mới, đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động.

Để tận dụng cơ hội “dân số vàng”, nước ta phải gấp rút giải mã bài toán tăng trưởng lao động thông qua các biện pháp phát triển thị trường, có chính sách phù hợp để tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, có kỹ năng và hướng tới tiếp cận chuẩn đào tạo của khu vực và thế giới. Có như thế, chúng ta mới có đội ngũ lao động tinh nhuệ, trình độ tay nghề, kỹ thuật cao - đạt chuẩn phục vụ thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục