(SGGPO). - Ngày 4-12, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về dân số năm 2013 với chủ đề “Già hóa dân số - những thách thức trong chăm sóc người cao tuổi”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, kể từ năm 2011, chúng ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, với số người trên 65 tuổi chiếm 7% dân số. Lý giải cho thực trạng trên, TS Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), nhấn mạnh: Già hóa dân số chính là kết quả của những nỗ lực trong công tác DS- KHHGĐ và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân. Trong hơn 40 năm qua, tuổi thọ bình quân người Việt đã tăng thêm 33 tuổi (từ 40 tuổi lên 73 tuổi), trong khi thế giới chỉ tăng thêm 21 tuổi (từ 47 tuổi lên 68 tuổi). Tuổi thọ bình quân tăng nhanh cùng với mức sinh giảm đã làm số lượng và tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số đã tăng lên rõ rệt. Tuổi thọ người dân tăng cao thể hiện bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của chế độ ta, phản ánh những thành tựu to lớn của phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, qua khảo sát, có tới 95% người cao tuổi ở nước ta bị một số bệnh mãn tính không lây nhiễm. Trong khi đó, hệ thống y tế - lão khoa các tuyến chưa đầy đủ, thiếu thuốc men và trang thiết bị và nhân lực y tế khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Cùng với đó, tỷ lệ hộ gia đình có người già sống cùng con cái giảm từ gần 80% xuống còn 62%, trong khi tỷ lệ hộ gia đình có người cao tuổi sống cô đơn lại tăng lên đáng kể, khiến người cao tuổi gặp nhiều bất lợi cuộc sống.
Cả nước hiện có trên 70% số người cao tuổi sống ở nông thôn, làm nông nghiệp với thu nhập thấp và không ổn định. Mới chỉ có khoảng 25% dân số cao tuổi đang hưởng lương hưu và 20% dân số cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội, còn lại phần lớn không hưởng bất kỳ một khoản trợ cấp nào.
QUỐC LẬP