Nguồn nhân lực đã đi làm việc ở nước ngoài trở về

Đang bị lãng phí

Đang bị lãng phí

Mỗi năm nước ta đưa được khoảng 70.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Sau 3 năm làm việc ở nước ngoài, phần đông trong số họ đều có tay nghề, trình độ kỹ thuật, tác phong công nghiệp, vốn ngoại ngữ. Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực này lại bị bỏ quên khi họ trở về nước…

  • Vòng luẩn quẩn
Đang bị lãng phí ảnh 1

Nếu được tạo điều kiện, số lao động đã đi nước ngoài làm việc trở về sẽ bổ sung vào đội ngũ lao động kỹ thuật, có tay nghề của nước ta (Trong ảnh: Lao động đang làm việc ở Malaysia). Ảnh: K.H.

Chưa có một cuộc điều tra nào về tình hình lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trở về nước, nên chưa thể đưa ra một con số chính xác là có bao nhiêu người sau khi làm việc ở nước ngoài trở về tìm được việc làm đúng với ngành nghề, trình độ mà họ từng làm ở nước ngoài.

Tuy nhiên, có một thực tế dễ nhận thấy là đại bộ phận lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về lại rơi vào vòng quay luẩn quẩn: không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh.

Chỉ một số rất ít - khoảng 1%-2% lao động được chính các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) tuyển dụng vào làm việc. Ông Nguyễn Xuân An, Tổng thư ký Hiệp hội XKLĐ thừa nhận: Lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu từ nông thôn, sau khi về nước có chút vốn thì dành xây nhà, tậu xe, sắm sửa tiện nghi, khá hơn thì dùng vốn để kinh doanh nhỏ. Còn phần lớn sau khi tiêu hết tiền lại trở về công việc cũ, làm ruộng, làm thuê.

Lý giải nguyên nhân tại sao lực lượng lao động này - có thể coi như họ là lao động đã qua đào tạo - không thể tìm cho mình một công việc tương đương với công việc đã làm ở nước ngoài để cải thiện cuộc sống của mình, anh Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng Ban thanh niên công nhân đô thị, Trung ương Đoàn, cho rằng chủ yếu là do chưa có kênh nào tiếp cận cơ hội việc làm cho họ. Ở nông thôn thường người lao động không có điều kiện cập nhật về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, dẫn đến tái thất nghiệp.

  • Giải quyết bằng cách nào?

Theo đề xuất của Hiệp hội XKLĐ, chúng ta đang xây dựng dự thảo Luật đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Nên chăng cần đưa vào thành một chương quy định về việc khuyến khích lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trở về tham gia các công việc ở trong nước tương ứng với công việc, trình độ đã làm việc ở nước ngoài.

Để làm được điều đó, cần tạo điều kiện cung cấp thông tin về nguồn lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trở về cho các cơ quan, doanh nghiệp trong nước để họ có thông tin tuyển dụng. Mặt khác, cũng cần khuyến khích người lao động sau khi về nước hoàn thiện thêm tay nghề, tự hành nghề, tự tạo việc làm cho mình. “Thậm chí, có thể hỗ trợ họ vay thêm vốn để mở mang sản xuất”- ông An nói.

Đề xuất này là hoàn toàn có cơ sở vì sẽ tận dụng được nguồn lao động có trình độ, kinh nghiệm, góp phần xây dựng lực lượng lao động có kỹ thuật cho các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước hiện nay đang rất “khát” lao động có tay nghề. Trong khi chờ có chính sách cụ thể, hiện nay Ban Thanh niên công nhân đô thị Trung ương Đoàn đã nung nấu ý tưởng thành lập Hiệp hội Lao động hậu xuất khẩu. Điều này, xuất phát từ thực tế quá nhiều lao động sau khi về nước, mà trong đó phần lớn là thanh niên, tái thất nghiệp.

Mục đích của hiệp hội là tập hợp số người này, chia sẻ thông tin về lao động, giới thiệu với các doanh nghiệp để tìm việc làm cho họ. “Tại hội nghị của các tổ chức quốc tế về lao động được tổ chức tại Hà Nội tới đây, chúng tôi sẽ chính thức đưa vấn đề này ra để kêu gọi tài trợ cũng như giới thiệu với bạn bè” - anh Hiệp cho biết.

Cũng đã đến lúc công tác XKLĐ không thể chỉ lo giải quyết đầu vào (đi làm việc ở nước ngoài) mà còn phải tính tới việc giải quyết tạo việc làm ổn định sau khi lao động về nước. Điều này nhằm đạt tới cả 2 mục đích: vừa xóa đói giảm nghèo trước mắt, vừa giúp người lao động ổn định cuộc sống lâu dài.

QUANG PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục