Chúng tôi viết ra những điều này trong lúc cuộc khủng hoảng của chế độ tư bản Mỹ đã gây ra thảm họa toàn cầu. Một cuộc thăm dò dân ý của hãng Rasmussen ngày 17-12-2010 cho thấy gần nửa dân Mỹ (46%) cho rằng những ngày đẹp nhất của Hoa Kỳ đã thành quá khứ. Trong thời đại trầm kha của chủ nghĩa tư bản, thắng lợi của Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam có thể cho thấy một tương lai khác, ở đó phẩm giá và tính nhân bản là cơ sở của phát triển.
Thắng lợi và thách thức
Chính xác theo những điều ghi trong Cương lĩnh và Báo cáo chính trị, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế và ổn định chính trị cùng với sự phát triển các lực lượng sản xuất, các thành tựu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và một bước tập trung mới vào việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trong thời đại khủng hoảng tư bản toàn cầu, mà hậu quả tàn hại đè nặng lên giai cấp công nhân Mỹ, những thành tựu của Việt Nam là hết sức ngoạn mục!
Đổi mới - phương sách qua đó Việt Nam thích ứng với thực tế và các điều kiện cụ thể của mình để xây dựng chủ nghĩa xã hội - đã thành công trong việc xây dựng những lực lượng sản xuất cơ bản cần thiết để quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Thành quả phát triển của Việt Nam hàm chứa mâu thuẫn: nó mang lại cuộc sống tốt hơn cho quần chúng, và cùng lúc, nó cũng tạo điều kiện cho bất bình đẳng, sự phung phí tài nguyên quý giá và tác hại môi trường. Tăng trưởng kinh tế và theo đó tăng trưởng của cải, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, đưa đến nguy cơ phát triển nhóm “ưu tú” những người giàu có, mà quyền lợi của họ tách riêng và xa rời quần chúng công nhân và nông dân, chưa nói đến họ có thể tách rời ra khỏi dân tộc. Rõ ràng nhất có thể thấy được là vấn đề tham nhũng, ngay trong thành phần kinh tế quốc doanh, mà báo chí Việt Nam đã khui ra, trong đó có vấn đề Vinashin gần đây.
Tác động sinh thái từ sự phát triển không bền vững đang lớn ra và đe dọa tương lai của đất nước Việt Nam. Song song với thành quả của đổi mới về kinh tế là một hậu quả không lường trước về ý thức hệ khi mà nhân dân - nhất là giới trẻ - có khuynh hướng gán các thành quả ấy cho thị trường và gán các khó khăn (do thị trường gây ra) cho chủ nghĩa xã hội. Sự nhầm lẫn này đã làm mờ sự khác biệt giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.
Bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng
Một phát triển đáng báo động xảy ra gần đây là sự suy giảm niềm tin về khả năng của Đảng nhổ bỏ được tham nhũng và chủ nghĩa cơ hội. Khuynh hướng này đã đặt một câu hỏi gay gắt cho Đảng - về phẩm chất của cán bộ. Nhất là trong giai đoạn này, nếu các cán bộ cách mạng đã trở nên thất vọng và giới trẻ chưa hề có sự trưởng thành chính trị và ý thức hệ để trở thành những nhà lãnh đạo dày dặn và trung kiên thì Đảng đang đứng trước một nguy cơ. Một đảng vững mạnh cần có cán bộ có “nền tảng đạo đức cách mạng vững chắc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh.
Trong giai đoạn tới, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều mâu thuẫn gay gắt trên bước đường cách mạng và chủ nghĩa xã hội. Nếu không trực diện đương đầu với chúng, những yếu kém về ý thức hệ càng trầm trọng thêm sẽ đổ bóng tối của chúng, và cuối cùng, sẽ xói mòn những thành tựu kinh tế và chính trị đạt được.
Nếu nhân dân đánh mất niềm tin vào Đảng là tiên phong đại diện lãnh đạo của quần chúng lao động, họ sẽ có khả năng sẵn sàng đón nhận chủ nghĩa tư bản và diễn biến hòa bình. Nếu thị trường hóa tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa giàu và nghèo, giữa vùng cao và vùng đồng bằng, giữa những người đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh giải phóng, kể cả các nạn nhân chất độc da cam, và những người thâm thủng, cướp bóc của cải của đất nước vì lợi riêng, quan hệ giai cấp tư sản sẽ chiếm lĩnh, kéo theo đó các cuộc khủng hoảng kinh tế và sự lệ thuộc vào tư bản toàn cầu sẽ xảy ra. Tập trung vào tăng trưởng nhanh, thay vì tăng trưởng công bằng sẽ làm các vấn đề thêm trầm trọng.
Một giai đoạn mới về kinh tế
Chúng tôi tin rằng Đảng Cộng sản Việt Nam có thể vượt qua những khó khăn và đạt được những bước tiến quan trọng quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng có thể huy động mọi sức mạnh tổng hợp từ giai đoạn quá khứ vạch ra kế hoạch cho giai đoạn mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (như đã ghi trong các văn kiện). Điều này đòi hỏi một chiến lược kinh tế có ý thức nhằm hài hòa sự phát triển các lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất theo những phương cách mới.
Với sự trỗi dậy của các lực lượng sản xuất và kỹ thuật, những hình thái mới của hợp tác xã, do công nhân hay nông dân làm chủ và điều khiển sẽ trở thành hiện thực, và do đó, đặt họ vào trung tâm của mọi chiến lược phát triển. Thành phần quốc doanh, là trụ cột chính của nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, có thể được đổi mới hơn nữa, nhưng không phải tư nhân hóa. Các công ty quốc doanh có thể sắp xếp hợp lý và vững mạnh nhằm trở thành cốt lõi cho nền kinh tế, bảo đảm của cải của đất nước cho toàn dân thay vì chỉ cho tư bản toàn cầu. Giai cấp công nhân Việt Nam khéo léo - từ nhà máy sản xuất dây chuyền cho đến kỹ sư kỹ thuật cao cấp hay khoa học gia - có đủ khiếu sáng tạo và động lực để đưa mục tiêu này đến thắng lợi.
Lập kế hoạch kinh tế phải tập trung vào việc đảm bảo nhu cầu của quần chúng. Thị trường có thể được sử dụng như là một công cụ để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa thay vì là một phương tiện tự nó. Đồng thời với chỉ tiêu phát triển tổng tăng trưởng sản phẩm nội địa (GDP) và thu nhập bình quân trên đầu người, lạm phát thực sự ảnh hưởng lên đời sống hàng ngày của nhân dân cũng phải được ghi thành chỉ tiêu dưới 10%. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường kiểm soát nền kinh tế vì lợi ích của nhân dân. Mức lương tối thiểu và chuẩn nghèo có thể điều chỉnh hàng năm theo đó. Bảo đảm giáo dục công có chất lượng cao và hoàn toàn miễn phí cho mọi trẻ em Việt Nam cũng là chìa khóa đưa đến sự phát triển cho đất nước Việt Nam.
Lập ngân sách cộng đồng, lập kế hoạch cộng đồng và sinh thái cộng đồng có thể biến thành sứ mệnh rằng phát triển đất nước phải tiến hành theo đúng nhu cầu và ý muốn của công dân. Quan điểm “phát triển nhanh” nên được thay thế bằng quan điểm “tăng trưởng bền vững định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Một giai đoạn mới về ý thức hệ
Lênin đã nói, ý thức hệ phản ánh thực tế cơ sở vật chất. Tuy thế, ông cũng đã nói, trong một số giai đoạn, ý thức hệ cũng có thể quyết định cơ sở vật chất. Chúng tôi tin rằng bây giờ chính là một trong những giai đoạn ấy.
Vai trò của Đảng Cộng sản là người lãnh đạo cách mạng và quá độ lên chủ nghĩa xã hội luôn có tính quyết định trong những thắng lợi của Việt Nam. Bảo vệ Đảng là người lãnh đạo duy nhất và tin cậy nhất của quần chúng là cách duy nhất để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Và đáng buồn là sự nhầm lẫn khá lớn, theo chúng tôi nghĩ, giữa một bộ phận những người trẻ về chủ nghĩa xã hội, về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trước hết, đó là do nhược điểm của hệ thống giáo dục chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội khoa học, giới trẻ không thích học những môn này và biết rất ít về chủ nghĩa xã hội. Giới trẻ thường đánh đồng chủ nghĩa xã hội với mô hình Xô-viết đã thất bại, cho nó là nguồn gốc của tệ quan liêu và chủ nghĩa bè phái, thay vì hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 mới có thể xây dựng được một tương lai vì con người và bền vững sinh thái.
Điều thứ hai, có những khoảng trống lớn trong sự hiểu biết của giới trẻ về lịch sử Việt Nam, nhất là lịch sử những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Điều thứ ba, giới trẻ có khuynh hướng cho rằng các phát triển tích cực ở Việt Nam là do thị trường, và các khó khăn (từ thị trường) là do chủ nghĩa xã hội. Vì họ coi thị trường là tư bản và họ thấy chủ nghĩa xã hội là vết tích của quá khứ thay vì trên thực tế là tương lai của loài người.
Điều thứ tư, không ít trong giới trẻ đã tiêm nhiễm ảo tưởng về chủ nghĩa tư bản. Những người trẻ ở nhiều nẻo đường đất nước Việt Nam rất thông minh và ngày càng học cao, nhưng cũng rất thực dụng, cá nhân chủ nghĩa và tiêu thụ chủ nghĩa. Chủ nghĩa tiêu thụ là nguy cơ đặc biệt độc hại vì nó biến quan hệ giữa người và người thành ra quan hệ với sự vật. Ảo tưởng tư bản chủ nghĩa, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tiêu thụ ngày càng được nuôi dưỡng bởi chủ nghĩa đế quốc văn hóa phương Tây thông qua nhập khẩu hàng văn hóa phẩm.
Tuy thế, những vấn đề này không hẳn chủ yếu là lỗi của giới trẻ mà là kết quả của giáo dục chính trị và ý thức hệ không đầy đủ và không có tính thuyết phục.
Điều quan trọng nhất là, giới trẻ phải hiểu rằng chủ nghĩa xã hội là tương lai, là linh hồn của hiện đại. Giới trẻ Việt Nam, rất nhiệt tình muốn giữ vững độc lập dân tộc, phải nghiệm ra rằng con đường xã hội chủ nghĩa là con đường duy nhất để bảo đảm nền độc lập này!
Merle E. Ratner
Ủy viên Chương trình, Diễn đàn Bertolt Brecht - Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác (New York)
Ngô Thanh Nhàn
Học giả, Đại học New York và Đại học Temple
>> Kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng - Một yêu cầu của phát triển