Đội tuyển Việt Nam lại gây thất vọng cho người hâm mộ ở thời điểm họ nhận được nhiều niềm tin nhất. Người ta không biết đây là lần thứ mấy nước mắt các CĐV bóng đá Việt Nam đã rơi vì đội tuyển. Gần như ngay lập tức, người ta nhắc đến 2 từ: Bán độ. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho biết sẽ đề nghị công an điều tra về trận thua này. Có hay không chuyện “bán độ”, đó là việc của cơ quan điều tra, cái cốt lõi là vì sao ngay sau trận thua, từ lãnh đạo cao nhất của nền bóng đá đến đa số các CĐV đều nghĩ ngay đến hành vi tồi tệ ấy?
Bất kỳ người hâm mộ bóng đá đều biết, thắng - thua là chuyện bình thường. Không ai dám tin rằng đội tuyển chủ nhà World Cup 2014 Brazil lại thua Đức 1-7 ở trận bán kết. Những đội bóng vĩ đại như Barcelona hay Bayern Munich vẫn có những trận thua với cách biệt như thế trong vài năm gần đây. Nói như vậy để thấy, về mặt tỷ số, Việt Nam thua chung cuộc 4-5 trước Malaysia không phải là điều gì đó quá to tát. Thế nhưng, tại sao cách chúng ta đón nhận thất bại lại không bình thường?
Đấy là vì không ai trong chúng ta, từ người quản lý đến CĐV, thực sự biết trình độ bóng đá Việt Nam nằm ở đâu. Khi chúng ta thất bại toàn diện trong năm 2013, thay vì chấp nhận sự thật là đẳng cấp đội tuyển chỉ đến đó, thì dư luận lại có xu hướng quay lưng với đội tuyển, cho rằng họ đã làm mọi người thất vọng.
Trong hoàn cảnh đánh mất niềm tin, mọi người lại đặt tất cả kỳ vọng vào một đội bóng trẻ (U.19) dù chẳng ai biết chắc chắn rằng, liệu sau này đội bóng trẻ ấy có đi theo vết xe đổ. Không phải ai cũng đủ tỉnh táo để hiểu rằng, chưa có nền bóng đá đẳng cấp nào được xây dựng trên một nhóm cầu thủ trẻ chưa đến hai chục người, lại do một CLB đào tạo. Thế rồi, khi đội tuyển Việt Nam chơi tốt, người hâm mộ lại quay sang kỳ vọng ở họ, để rồi lại thất vọng cùng cực.
Công bằng mà nói, nếu so với những gì diễn ra trước giải, thành tích của đội tuyển rất khả quan khi vào đến vòng bán kết và có lối chơi cuốn hút. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, không thể có chuyện thay đổi đẳng cấp chỉ trong vòng có vài mươi ngày. Thất bại trước Malaysia hoàn toàn có thể xảy ra. Chỉ có điều, nó diễn ra lúc chẳng ai ngờ đến.
Vấn đề nằm ở chỗ: vì không ai biết đẳng cấp của bóng đá Việt Nam ở đâu nên khi họ đá tốt, chúng ta lại tưởng họ tiến bộ, khi họ trở về đúng thực chất, chúng ta nghĩ ngay đến chuyện tiêu cực. Có vẻ như không phải ai cũng chấp nhận một sự thật là trình độ của bóng đá Việt Nam chỉ đến thế.
Muốn thay đổi đẳng cấp, phải bắt đầu từ tận gốc rễ. Gốc rễ đó có phải là từ khâu đào tạo như kiểu của Học viện HA.GL - Arsenal JMG hay không? Theo chúng tôi, chú trọng khâu đào tạo là chuyện phải làm nhưng gốc rễ lại là môi trường của các giải bóng đá chuyên nghiệp. Mới vài tháng trước, đã có đến 2 vụ án tiêu cực tại Ninh Bình và Đồng Nai bị phanh phui, vậy thì nếu như tiêu cực vẫn xuất hiện tại đội tuyển quốc gia, rõ ràng mọi biện pháp trừng phạt đều không có ý nghĩa gì, hoặc không chữa đúng bệnh, khi cả nền bóng đá bị mục ruỗng, mang mầm bệnh từ bên trong. Với một nền bóng đá không có đẳng cấp, thi đấu kiểu nghiệp dư thì dù có đào tạo cầu thủ tốt bao nhiêu, cũng không ai dám chắc sẽ có tương lai tốt đẹp.
Trận thua của đội tuyển Việt Nam hôm 11-12 chứng minh điều đó. Vì kém đẳng cấp nên chúng ta thường xuyên thua ở trận đấu có nhiều ưu thế trong tay. Vì không rõ ràng về đẳng cấp mới thất bại bởi những sai sót chuyên môn vô cùng nghiệp dư. Và cũng vì không có đẳng cấp, một thất bại cần phải chấp nhận lại bị nghi ngờ là đã tiêu cực.
Thế nên, sau thất bại của đội tuyển Việt Nam, hãy thực sự cải tổ toàn diện cả nền bóng đá từ khâu đào tạo, chuyển nhượng, thi đấu và cả hoạt động đầu tư cho bóng đá.
VIỆT QUANG