Đảng của dân tộc Việt Nam

NGUYỄN TRỌNG PHÚC
Đảng của dân tộc Việt Nam

LTS: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19-1-2011 đã thành công tốt đẹp. Ngoài việc bầu ra Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đại hội đã thông qua nghị quyết và các văn kiện quan trọng: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X tại Đại hội XI của Đảng và Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi) với nhiều đổi mới thiết thực.

Thực hiện Chỉ thị 01-CT/TW ngày 17-3-2011 của Bộ Chính trị về việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, kể từ số báo hôm nay, 11-4, Báo SGGP khởi đăng loạt bài Đưa nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI vào cuộc sống. Thông qua phân tích của các chuyên gia, nhà lý luận và hoạt động thực tiễn cũng như ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, loạt bài mong muốn đem đến cái nhìn hệ thống về những thành quả mang tính đột phá trong đổi mới nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội qua Đại hội XI của Đảng, đồng thời hiến kế những giải pháp để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Ban Biên tập rất mong nhận được những ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn, các cán bộ đảng viên và bạn đọc gần xa xoay quanh những giải pháp thiết thực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong 5 năm tới cũng như tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại như nghị quyết đại hội đã đề ra.

  •  Kết quả tất yếu
TPHCM thực hiện chương trình bình ổn giá thị trường giúp cuộc sống người dân ổn định. Ảnh: C. Thăng
TPHCM thực hiện chương trình bình ổn giá thị trường giúp cuộc sống người dân ổn định. Ảnh: C. Thăng

81 năm, từ mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ghi dấu việc Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam ra đời nắm ngọn cờ lãnh đạo cách mạng nước ta. Sự ra đời của Đảng là kết quả tất yếu của phong trào đấu tranh sôi sục của những người Việt Nam yêu nước, của giai cấp công nhân Việt Nam mới ra đời đã sớm trưởng thành dưới sự chỉ đường của lý luận Mác - Lênin mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Ngay từ khi Đảng mới ra đời, đường đi của dân tộc đã được Chính cương vắn tắt của Đảng xác định: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Sách lược vắn tắt của Đảng xác định Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng, nhưng phải thu phục được đại bộ phận dân cày và dựa vào dân cày nghèo đánh đổ đại địa chủ và phong kiến. Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông… và chỉ có bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ. Trong khi liên lạc với các giai cấp không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của giai cấp công nông mà đi vào đường thỏa hiệp Chương trình vắn tắt của Đảng chỉ vì Đảng là đội tiên phong của đạo quân vô sản gồm một số lớn của giai cấp công nhân”.

Ngay từ khi mới ra đời, từ việc xác định đúng đắn bản chất giai cấp của Đảng nên Đảng đã trở thành nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945, đến cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã khẳng định sự đúng đắn lý luận Mác - Lênin về cách mạng là sự nghiệp của quần chúng được Hồ Chí Minh hiện thực hóa ở Việt Nam.

Hệ thống giao thông ở TPHCM ngày càng phát triển. Ảnh: Thái Bằng
Hệ thống giao thông ở TPHCM ngày càng phát triển. Ảnh: Thái Bằng

Sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta và nhân dân ta thiết tha xây dựng một đất nước hòa bình, hữu nghị, phồn vinh nhưng thực dân Pháp ngoan cố quyết dùng vũ lực tái chiếm đất nước ta. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã bình tĩnh, kiên quyết dựa vào tinh thần yêu nước của nhân dân, vào khối đại đoàn kết dân tộc để đối phó với mọi kẻ địch nguy hiểm với những chủ trương, giải pháp cực kỳ sáng suốt, khôn khéo vừa hết sức cứng rắn về nguyên tắc, vừa mềm dẻo, linh hoạt về sách lược để đưa con thuyền cách mạng vượt mọi thác ghềnh chuẩn bị toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, điều mà Đảng đã biết chắc là không thể nào tránh khỏi.

Kháng chiến chống Pháp là cuộc đụng đầu quyết liệt giữa sức mạnh vĩ đại của nhân dân một dân tộc độc lập có chủ quyền, có quân đội, có chính phủ, có Hiến pháp với đội quân xâm lược nhà nghề. Đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa của toàn dân tộc ta chống chiến tranh xâm lược phi nghĩa của đế quốc thực dân với ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và có đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh.

  • Trước sau vẫn là Đảng của dân tộc Việt Nam

Đầu năm 1951, trước những thay đổi to lớn của tình hình thế giới và cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến khá dài, phá được thế bao vây, cô lập, địa vị quốc tế được nâng lên, cách mạng Lào, Miên (Campuchia hiện nay) có những bước tiến quan trọng, Đảng đã triệu tập Đại hội II.

Để đưa kháng chiến đến thắng lợi, việc tổ chức, xây dựng Đảng tiên phong cách mạng được đại hội hết sức coi trọng. Cách mạng và kháng chiến của ba nước có bước phát triển mới đòi hỏi phải tách Đảng Cộng sản Đông Dương để lập ra ở mỗi nước một đảng để giải quyết những nhiệm vụ cách mạng ở nước mình. Đại hội quyết định chỉ có một đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và trong nước, lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi, Đảng đã lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đó là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để. Và trong bối cảnh quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc là một nên Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của dân tộc Việt Nam.

Quyền độc lập dân tộc với mục tiêu xây dựng chế độ dân chủ hướng tới chủ nghĩa xã hội, vừa kháng chiến vừa kiến quốc được Hồ Chí Minh khái quát: “Kháng chiến kiến quốc phải hướng vào một đường đi: kháng chiến thắng lợi, xây dựng dân chủ mới để tiến tới chủ nghĩa xã hội”. Cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới” .

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những thử thách lớn nhất của dân tộc Việt Nam trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đảng Lao động Việt Nam - Đảng của dân tộc Việt Nam đã phát huy sức mạnh toàn dân tộc vì lợi ích toàn dân tộc, thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam nhằm mục tiêu chung là giành độc lập hoàn toàn và thống nhất đất nước. Chúng ta đã kết thúc vẻ vang “cuộc đụng đầu lịch sử” này bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Là một chính đảng của giai cấp công nhân, người đại diện duy nhất lợi ích giai cấp công nhân, lợi ích nhân dân lao động, lợi ích của cả dân tộc, là một đảng sinh ra từ một dân tộc bị áp bức của phong trào yêu nước và phong trào công nhân, Đảng Cộng sản Việt Nam trong các thời kỳ và mỗi giai đoạn khác nhau, đều giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc (cả lợi ích căn bản lâu dài và lợi ích trực tiếp).

Bước vào thời kỳ đổi mới, khi lợi ích của giai cấp công nhân tiếp tục hòa chung với lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa thì Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.

Sau gần 25 năm đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo thực hiện, đất nước ta đã đạt được những thành tựu “to lớn có ý nghĩa lịch sử”, lợi ích của giai cấp công nhân và toàn dân tộc ngày càng gắn kết với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ…”. Một lần nữa, hơn bao giờ hết, lợi ích của giai cấp công nhân và toàn dân tộc Việt Nam hòa quyện, gắn bó mà Đảng Cộng sản Việt Nam là đại biểu trung thành. Và như vậy Đảng Cộng sản Việt Nam trước sau vẫn là “Đảng của dân tộc Việt Nam.

PGS-TS VŨ QUANG VINH
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


Bài 2: Cương lĩnh – Sự khẳng định nhất quán của Đảng

Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930 đã đề ra mục tiêu giải phóng dân tộc, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập để đi tới xã hội cộng sản. Sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và giải phóng dân tộc là thống nhất, nhất quán trong Cương lĩnh và mục tiêu đấu tranh của Đảng.

  • Sự nhất quán trong Cương lĩnh

Từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, thật sự là Đảng cách mạng vì nước vì dân. Ngoài lợi ích của giai cấp, nhân dân và dân tộc, Đảng không có lợi ích nào khác. Khi đã trở thành đảng cầm quyền, năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đó là “Đảng dân tộc Việt Nam”(1). Tuyên bố trước Quốc hội ngày 31-10-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ có một đảng, đảng Việt Nam”(2). Trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội II của Đảng (2-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”(3). Năm 1961, khi miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội và cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhắc lại: “Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị”(4).

Tiến trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa đã không ngừng củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân và dân tộc, trở thành một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Trong thực tiễn cách mạng, nhân dân và dân tộc Việt Nam tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của chính mình. Vì vậy, Đại hội X của Đảng, trong văn kiện và Điều lệ Đảng đã khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) do Đại hội XI của Đảng thông qua đã•khẳng định lại quan điểm đó. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo giai cấp, nhân dân và dân tộc trước hết bằng Cương lĩnh, đường lối, đồng thời bằng năng lực tổ chức thực tiễn để hiện thực hóa, đưa Cương lĩnh, đường lối vào thực tiễn đấu tranh cách mạng, vào cuộc sống. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (2-1930), Luận cương chính trị (10-1930), Chính cương Đảng Lao động Việt Nam (2-1951), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (6-1991) và Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011).

Các đại hội Đảng còn đề ra đường lối trên những lĩnh vực trọng yếu để cụ thể hóa Cương lĩnh. Đảng cũng đề ra nhiều chủ trương, quyết sách lớn, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, kế hoạch 5 năm và hàng năm... Dựa trên Cương lĩnh, đường lối và quan điểm chỉ đạo của Đảng mà Nhà nước cụ thể hóa thành chính sách, thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện; toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương tới cấp cơ sở coi trọng tổ chức thực hiện, đưa Cương lĩnh, đường lối vào cuộc sống.

Cần nhấn mạnh rằng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng là phản ánh lợi ích của giai cấp, nhân dân và dân tộc, kết tinh ý chí, nguyện vọng của toàn dân. Đảng coi trọng việc tuyên truyền, vận động, tổ chức và hướng dẫn các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả Cương lĩnh, đường lối, chính sách và không ngừng bổ sung, phát triển; nội dung nào không phù hợp nhân dân có thể đề nghị sửa chữa, bổ sung.

Xuất khẩu gạo, một trong những thế mạnh của kinh tế Việt Nam. Ảnh: T.M.T.

Xuất khẩu gạo, một trong những thế mạnh của kinh tế Việt Nam. Ảnh: T.M.T.

  • Nhận thức đúng mới hành động đúng

Hiện nay toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cả nước đang triển khai thực hiện Cương lĩnh, chiến lược, mục tiêu mà Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam (1-2011) đã đề ra.

Các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể nhân dân, các cơ quan tuyên giáo, dân vận, các phương tiện thông tin đại chúng ra sức tuyên truyền làm cho các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng đắn nội dung đường lối, quan điểm của Đảng để ra sức thực hiện một cách tự giác. Phải nhận thức đúng mới hành động đúng và có được sự đồng thuận trong xã hội. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đề cập toàn diện, có hệ thống con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Cương lĩnh đã nêu ra mục tiêu và 8 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.

Cương lĩnh nêu rõ: Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng xong về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh. Từ nay đến giữa thế kỷ XXI toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để hoàn thành những mục tiêu nêu trên, Cương lĩnh đề ra 8 phương hướng cơ bản: Một, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức. Hai, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ba, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Bốn, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia. Năm, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Sáu, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất. Bảy, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tám, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã nêu rõ những quan điểm phát triển: Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược. Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực hành dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chiến lược xác định mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.

Năm 2010 Việt Nam đã ra khỏi tình trạng một nước kém phát triển, đứng vào hàng các nước có thu nhập trung bình (1.168 USD/người). Phấn đấu đến năm 2015 đạt khoảng 2.100 USD/người với tăng trưởng bình quân GDP (2011-2015): 7,5-8%/năm. Đến năm 2020 đạt 3.000-3.200 USD/người và mức tăng trưởng GDP bình quân 10 năm (2011-2020) là 7-8%/năm.

Năm 2011 nền kinh tế đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo: ổn định kinh tế vĩ mô; kiềm chế lạm phát; bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ với 6 nhóm giải pháp. Chính phủ có chính sách và giải pháp đúng đắn, nhân dân đồng thuận ủng hộ, phát huy tinh thần yêu nước và với khí thế, động lực mới ra sức đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm trong chi phí sản xuất và tiêu dùng, kiên quyết chống lãng phí, tham nhũng, làm việc có hiệu quả, nhất định sẽ đưa đất nước vượt qua khó khăn.

Hơn lúc nào hết, việc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng chính là việc của nhân dân, vì nhân dân. Cuộc sống của nhân dân cũng là nỗi lo toan của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

PGS.TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng


(1) (2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 4, tr.161, 427.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr.175.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 10, tr.467.


Bài 3: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN

Văn kiện của hai kỳ Đại hội Đảng toàn quốc gần đây nhất (Đại hội X và XI) đều dành hẳn một phần để bàn về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Đảng ta cũng đã có một nghị quyết chuyên đề “Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN” (Nghị quyết số 21-NQ/TW, tháng 5-2008). Đại hội XI còn xác định khâu đột phá hàng đầu là “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính” và nhiệm vụ chủ yếu của 5 năm tới (2011-2015) cũng là “Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”... Rõ ràng, đây là một trọng điểm về lý luận và thực tiễn rất cần được quan tâm khi triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XI.

  • Những vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn
Sản xuất thịt hộp phục vụ chương trình bình ổn giá tại Công ty Vissan. Ảnh: Cao Thăng
Sản xuất thịt hộp phục vụ chương trình bình ổn giá tại Công ty Vissan. Ảnh: Cao Thăng

Nhận thức về kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN và thể chế cho nó hiện nay còn khá nhiều bất cập. Có khá nhiều ý kiến khác nhau - chủ yếu là về mối quan hệ giữa KTTT và CNXH. Có người cho rằng, CNXH và KTTT không thể dung hợp với nhau và không thể có KTTT định hướng XHCN. Quan niệm này đã lặp lại sai lầm trước đây là không thừa nhận những mặt tích cực của KTTT trong phát triển sức sản xuất cho CNXH. Nó cũng chưa thoát ra được khỏi tư duy cũ, đồng nhất KTTT với CNTB, từ đó kỳ thị với KTTT. Họ chưa thấy hết những xu hướng mới của KTTT; rằng nhiều nước hiện nay đã từng bước kiềm chế được những khuyết tật của KTTT thuần túy bằng mô hình thị trường xã hội, mà điển hình là sử dụng hệ thống thể chế để điều chỉnh thị trường cho những mục tiêu công bằng xã hội.

Lại có quan niệm rằng, trong KTTT không thể thực hiện được công bằng xã hội, không thể khắc phục được những tiêu cực, mặt trái của cơ chế thị trường; rằng, việc lựa chọn KTTT định hướng XHCN có khi lại là trở về với CNTB... Ý kiến này có giá trị cảnh báo trong việc giữ vững định hướng XHCN vì quả thật, KTTT có khá nhiều yếu tố tiêu cực và khó kiểm soát nếu thiếu thể chế khoa học và linh hoạt. Song thực tế còn cho thấy nhiều nước hiện nay đã từng bước xác lập được công bằng xã hội, tránh được phân hóa tiêu cực nhờ có được thể chế phù hợp với mục tiêu chính trị và đặc thù nền KTTT của mình. Kinh nghiệm đó xác định vai trò rất quan trọng của thể chế. 

Sự lẫn lộn giữa thể chế và thiết chế hiện nay vẫn còn xuất hiện ở đôi lúc, đôi nơi. Trong nhận thức chung, thể chế được hiểu là “những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo”. Thể chế kinh tế là hệ thống quy định pháp luật để quản lý, điều tiết, hỗ trợ hoặc kiềm chế các hoạt động và các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế. Thể chế kinh tế phân biệt với thiết chế kinh tế, ở chỗ, thiết chế là những chủ thể, lĩnh vực, yếu tố… tham gia vào hệ thống kinh tế; ví dụ: các thành phần kinh tế, các loại thị trường, các pháp nhân... Trong một hệ thống sống động, thiết chế đại diện cho các nhân tố thực thể, vật thể, còn thể chế đại diện cho các nhân tố quy ước, luật lệ... Thể chế có vai trò như phần mềm - hệ điều hành trong máy tính điện tử, nó giúp cho phần cứng, tức là thiết chế, làm trọn chức năng.

Nhận thức về vai trò của thể chế với nền KTTT định hướng XHCN của chúng ta hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Trước đây và hiện nay vẫn còn rơi rớt lối tư duy rằng, thiết chế quan trọng hơn thể chế; miễn là có tổ chức, tự khắc nó sẽ hoạt động tốt, còn những quy định về hoạt động và mối quan hệ của các tổ chức ấy thì chưa được chú ý. Đó chính là căn bệnh coi nhẹ thể chế, pháp luật. Trên thực tế, kinh nghiệm cho biết, đôi khi do thiếu thể chế hóa mà nhiều chủ trương không được hiện thực hóa, còn các phân hệ của hệ thống thì vừa chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ của nhau lại vừa bỏ trống, buông lỏng chức trách lẽ ra là của mình. Ví dụ, sự hình thành các loại thị trường hàng hóa và dịch vụ; sức lao động; khoa học và công nghệ; bất động sản và thị trường tài chính... mới chỉ là phần cứng của KTTT, còn các quy định pháp luật cho chúng là phần mềm - tức thể chế. Thể chế chưa phù hợp hoặc thiếu sót sẽ làm cho các thị trường thường xuyên nảy sinh các hành vi lách luật, trục lợi và gây nên những xáo trộn, các “cơn sốt” hoặc “đóng băng”... Theo đó, nền kinh tế quốc gia đã phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực vì thể chế chưa phù hợp hoặc bất cập với nhu cầu hoạt động của các thiết chế.

Khá nhiều hạn chế, thiếu sót trong lĩnh vực thể chế của KTTT định hướng XHCN thời gian qua. Văn kiện Đại hội XI cũng nhận định rằng: “Năng lực xây dựng thể chế, quản lý, điều hành, tổ chức thực thi pháp luật còn yếu”; “Thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm yếu cản trở sự phát triển”; và nhất là: “Những yếu tố bảo đảm định hướng XHCN của nền KTTT chưa được chú ý đúng mức”...

Quá trình hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN thời gian qua chưa đồng bộ. Thể chế cho một nền KTTT là một tổ hợp bao gồm 3 hệ thống cấu thành là: Các quy tắc pháp luật quy định hoạt động kinh tế; Các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế; Cơ chế, tổ chức thực thi hoạt động kinh tế. Ở nước ta hiện nay, cả 3 hệ thống đó đều ở trạng thái đang xây dựng và chưa hoàn thiện. Trong đó, nổi cộm là hiện trạng chưa hoàn thiện của cơ chế tổ chức thực thi hoạt động kinh tế, mà thể chế cho nó chính là yếu tố quy định.

  • Hoàn thiện thể chế như thế nào?

Mục tiêu của việc hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN là “để cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, tăng cường đồng thuận xã hội để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Văn kiện Đại hội XI của Đảng nêu 4 nội dung và biện pháp lớn để hoàn thiện thể chế là:

Thứ nhất, giữ vững định hướng XHCN của nền KTTT nước ta. Có hai nhân tố tham gia định tính cho thể chế này là cơ chế thị trường và định hướng cho nó. Nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của KTTT, thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế là nội dung cần quán triệt khi hoàn thiện thể chế.

Thứ hai, phát triển các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp thông qua các biện pháp: Tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát triển đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Đổi mới, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về sở hữu đối với đất đai, tài nguyên, vốn và các loại tài sản công khác. Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh đổi mới tổ chức, cơ chế hoạt động của các đơn vị dịch vụ công phù hợp với KTTT định hướng XHCN. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp với hình thức sở hữu hỗn hợp như: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên, công ty hợp danh, hợp tác xã cổ phần.

Thứ ba, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường.

Các yếu tố thị trường cần được sự hỗ trợ của thể chế nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng - cũng là một trọng điểm của hoàn thiện thể chế hiện nay, gồm: Bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh doanh; đổi mới, hoàn thiện thể chế về giá, cạnh tranh, kiểm soát độc quyền và giải quyết tranh chấp; thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Xây dựng và thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nâng cao trình độ hiểu biết của doanh nghiệp về thị trường, pháp luật; xây dựng các tổ chức tư vấn có trình độ cao; hình thành đồng bộ một số quỹ hỗ trợ cho kinh doanh. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, đoàn thể để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cả người kinh doanh và người tiêu dùng.

Phát triển đa dạng, đồng bộ, ngày càng văn minh, hiện đại các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về tiền tệ, tín dụng và ngoại hối. Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách đất đai. Phát triển mạnh thị trường khoa học và công nghệ gắn với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Và, đẩy mạnh phát triển thị trường lao động.

Thứ tư, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với nền KTTT định hướng XHCN.

Hướng và biện pháp cơ bản là: Xác định rõ và đầy đủ hơn đường lối, nhất là những nội dung định hướng XHCN của nền KTTT. Tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế, nâng cao năng lực lãnh đạo kinh tế của các tổ chức đảng; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý...

Một nội dung trọng điểm của hoàn thiện thể chế là cải cách hành chính. Nội dung này đặt trọng tâm vào đổi mới, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước nhằm tạo ra những tiền đề để nền kinh tế phát triển theo định hướng XHCN. Tập trung duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách kinh tế; đổi mới công tác xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phân định rõ hơn chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước và chức năng của các tổ chức kinh doanh vốn và tài sản Nhà nước.

Nâng cao vai trò của các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và của nhân dân trong phát triển KTTT định hướng XHCN.

PGS-TS NGUYỄN AN NINH

Tin cùng chuyên mục