(SGGP).- Kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2014), ngày 22-7, Lực lượng TNXP TPHCM tổ chức lễ dâng hương tại Khu tưởng niệm liệt sĩ ở xã Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, viếng các liệt sĩ TNXP hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.
Hơn 350 cán bộ, đội viên, cựu TNXP, gia đình liệt sĩ TNXP TPHCM đã thành kính dâng hương, tưởng nhớ các liệt sĩ TNXP, những người đã không tiếc máu xương, anh dũng hy sinh trong quá trình tham gia phục vụ và chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam. Vào tháng 4-1977, quân Khmer đỏ bất ngờ nổ súng tấn công vào các vùng biên giới, tàn sát dã man đồng bào ta ở các tỉnh Tây Nam Tổ quốc. Với lòng yêu nước nồng nàn, cán bộ, đội viên TNXP đang lao động sản xuất, khai hoang phục hóa đã tình nguyện xung phong ra chiến trường, sát cánh cùng bộ đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu, và 99 cán bộ, đội viên TNXP đã ngã xuống.
Trong đó có các chiến sĩ Trung đội 3, Đại đội 1, Liên đội 5, Tổng đội 3 biên giới thuộc Lực lượng TNXP TPHCM có nhiệm vụ bảo đảm tuyến giao thông 10km từ Rừng Nhum (Bến Cầu, Tây Ninh) đến Koky Som (Campuchia). Sáng 22-7-1978, phát hiện một tiểu đoàn lính Pôn Pốt đang hành quân tập kích vào Men Chay (nơi đóng quân của quân tình nguyện Việt Nam), Trung đội 3 đã dũng cảm chiến đấu làm thất bại ý đồ của địch. Trong trận chiến, 24 cán bộ, đội viên TNXP đã anh dũng hy sinh.
Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, lực lượng TNXP đã trực tiếp tham gia 96 trận đánh, tiêu diệt 1.200 tên địch, bắt sống 200 tên, phá hủy, thu giữ nhiều quân trang của địch; tham gia chuyển pháo, rà mìn, vận chuyển vũ khí, nhu yếu phẩm ra chiến trường.
* Ngày 22-7, tại Hà Nội, Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN) thuộc Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam đã công bố dự án trợ giúp pháp lý trong việc điều chỉnh thông tin liệt sĩ. Hiện MARIN đang quản lý thông tin về hơn 900.000 hồ sơ quân nhân hy sinh hoặc mất tích trong chiến tranh (trong tổng số 1,1 triệu liệt sĩ do Bộ LĐTB-XH cung cấp). Ngoài nguồn dữ liệu, trung tâm đã xây dựng được quy trình xử lý, phân tích dữ liệu để tìm ra thông tin chính xác về liệt sĩ phục vụ cho công tác khớp nối dữ liệu thông tin trên bia mộ liệt sĩ. Từ tháng 10-2013, trung tâm đã thực hiện thí điểm dự án “trợ giúp pháp lý trong việc điều chỉnh, bổ sung thông tin liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ”.
Trên cơ sở kết quả thí điểm, MARIN sẽ triển khai dự án trợ giúp pháp lý trong việc điều chỉnh, bổ sung thông tin liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trong 24 tháng (từ 1-8-2014 đến 30-7-2016) cho 500 đối tượng là thân nhân người có công với cách mạng trên cả nước. Thân nhân liệt sĩ được trợ giúp hoàn toàn miễn phí.
ANH TUẤN - PHAN THẢO