Đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế: Doanh nghiệp cần tích cực, chủ động

Đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế: Doanh nghiệp cần tích cực, chủ động

Mới đây, dư luận nói nhiều đến thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) bị một công ty ở Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền 10 năm tại Trung Quốc. Trao đổi với PV Báo SGGP, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT - Bộ KH-CN) Trần Hữu Nam khẳng định, muốn tránh được tình trạng này, các doanh nghiệp (DN) cần phải chủ động trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu trên thị trường quốc tế. Bởi vấn đề này không quá phức tạp và tốn kém.

Theo ông Trần Hữu Nam, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được Cục SHTT cấp chứng nhận bảo hộ quốc gia chỉ dẫn địa lý từ năm 2005, nhưng hiện nay chưa đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho các nước xuất khẩu và tiêu thụ cà phê trên thế giới. Đối với hầu hết các quốc gia trong tổ chức SHTT thế giới (WIPO), việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tùy thuộc vào pháp luật của nước đó quy định và thường ai đăng ký trước sẽ được ưu tiên.

Trường hợp thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký bảo hộ độc quyền ở Trung Quốc cũng vậy, vì thế rất khó khăn cho người đăng ký sau muốn giành lại thương hiệu đó. Hiện nay, Cục SHTT đang nghiên cứu kỹ những vấn đề liên quan và sẽ cố hết sức giúp đỡ các DN cũng như tỉnh Đắc Lắc trong việc đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê cần có ý thức đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế. Ảnh: Sản xuất cà phê xuất khẩu tại Công ty Vinacafe. Ảnh: KIM NGÂN

Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê cần có ý thức đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế. Ảnh: Sản xuất cà phê xuất khẩu tại Công ty Vinacafe. Ảnh: KIM NGÂN

Cũng theo ông Nam, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột không phải trường hợp đầu tiên, các DN ở Việt Nam mất quyền bảo hộ thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế. Trường hợp thương hiệu Vinataba của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam bị một DN ở Indonesia đăng ký mất thương hiệu hàng hóa ở khu vực châu Á, bao gồm cả những nước ASEAN là một ví dụ điển hình. Sau mấy năm theo kiện ở một số nước, cũng như đàm phán với DN kia, hiện chỉ mới ở Lào và Campuchia lấy lại được thương hiệu, thông qua những biện pháp hành chính. Còn ở Thái Lan và Trung Quốc, phía Việt Nam đều thua, không thể đăng ký được vì DN Indonesia đã đăng ký trước và được bảo hộ.

Ông Trần Hữu Nam cho biết thêm, khi phía Việt Nam muốn đàm phán ở thị trường Thái Lan, DN Indonesia yêu cầu nộp trước 100.000USD, sau đó mới tiến hành, dù kết quả như thế nào chưa rõ, nhưng đến nay Vinataba gần như đã “buông xuôi” vì quá tốn kém. Cà phê Trung Nguyên cũng từng bị đăng ký mất thương hiệu hàng hóa ở thị trường Mỹ. “Được biết, Công ty Trung Nguyên đã tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để theo kiện, đòi lại thương hiệu đó nhưng không thành công; cuối cùng phải bỏ tiền ra mua lại thương hiệu đó. Mặc dù không công bố cụ thể, nhưng chắc đó là một số tiền không nhỏ” - ông Nam nói.

Chính vì thế, khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nam cũng như các chuyên gia SHTT đều khẳng định, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, các DN phải chủ động, tích cực thực hiện. Bởi không ai có thể làm thay các DN được. Ngoài đăng ký bảo hộ quốc gia về chỉ dẫn địa lý, các DN và địa phương cần chủ động trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa trên quốc tế. Theo đó, các DN, địa phương khi muốn thực hiện công việc này, trước hết tham khảo ý kiến Sở KH-CN ở địa phương để biết những thủ tục cũng như vấn đề liên quan. “Cục SHTT sẵn sàng hợp tác, hướng dẫn và hỗ trợ các DN, địa phương thực hiện quá trình này. Hiện chúng tôi đang hợp tác để thực hiện vấn đề đó đối với thương hiệu nước mắm Phú Quốc và cũng đã sắp hoàn thành” - ông Nam cho biết.

Việt Nam hiện là thành viên WIPO và có quyền thực thi Hệ thống bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa Madrid. Theo đó, mỗi DN khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa quốc tế, ngoài một khoản lệ phí cố định đóng cho WIPO thì chi phí đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở các quốc gia thành viên không quá cao. Ví dụ, nếu thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa độc quyền ở thị trường Mỹ, chỉ mất có 350USD với nhóm sản phẩm cà phê; ở thị trường Trung Quốc là 330 USD. Điều đó có nghĩa, nếu DN chủ động đăng ký thì chi phí không nhiều và đảm bảo được đầy đủ các quyền lợi khi giao thương quốc tế. “Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế, ngày càng sâu rộng với thế giới như hiện nay, tôi cho rằng, các DN cần phải chủ động, tích cực hơn trong vấn đề này, nếu không muốn để xảy ra những trường hợp như Vinataba, cà phê Trung Nguyên hay cà phê Buôn Ma Thuột mới xảy ra gần đây” - ông Nam khuyến cáo.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục