Đằng sau Hiệp định TTIP

Ngày 2-5, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert tuyên bố “Berlin sẽ không chấp nhận giảm các tiêu chuẩn về xã hội, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng trong đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP)”.

Ngày 2-5, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert tuyên bố “Berlin sẽ không chấp nhận giảm các tiêu chuẩn về xã hội, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng trong đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP)”.

Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmström cũng khẳng định không một thỏa thuận thương mại nào của EU hạ thấp các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, người tiêu dùng và an toàn thực phẩm. Các tuyên bố được đưa ra sau khi tổ chức môi trường Hòa bình xanh (Greenpeace), cùng ngày, công bố một tài liệu dày 248 trang liên quan tới Hiệp định TTIP, trong đó nhận định hiệp định này đặt lợi ích của các công ty lên trên các tiêu chuẩn về môi trường và an toàn với người tiêu dùng.

TTIP được đánh giá là một thỏa thuận thương mại và đầu tư đầy tham vọng, toàn diện và tiêu chuẩn cao mà vòng đàm phán lần thứ 13 giữa Mỹ và EU vừa kết thúc ngày 29-4 vừa qua. TTIP được kỳ vọng là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường với 850 triệu người tiêu dùng, mang lại hơn 13 triệu việc làm tại Mỹ và EU, thúc đẩy thương mại giữa hai bên lên đến 1.000 tỷ USD/năm, bao gồm các lĩnh vực từ hàng hóa như nông sản, thực phẩm, dệt may...đến dịch vụ viễn thông, sở hữu trí tuệ, tài chính...

Tuy nhiên, theo tài liệu mà Greenpeace vừa công bố, TTIP chỉ mang lại lợi ích cho các tập đoàn đa quốc gia, hầu hết là của Mỹ hơn là cho người lao động ở Đức và cả châu Âu. Theo ông Jorgo Riss, Giám đốc Greenpeace ở châu Âu, không có một đề cập trực tiếp nào đến cây trồng biến đổi gien (GMO) trong các tài liệu nhưng ngôn ngữ trong tài liệu rõ ràng có tác động thúc đẩy sự chấp nhận. Trong chương đàm phán “Các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật”, tài liệu nhấn mạnh nhiều lần đến việc cải thiện sự hợp tác về “các sản phẩm của công nghệ nông nghiệp hiện đại” - ám chỉ đến GMO - vốn bị EU ác cảm vì đe dọa đến đa dạng sinh học. Đề nghị của Mỹ rõ ràng đã gây áp lực để họ có thể thoát khỏi những rào cản thương mại đối với sinh vật biến đổi gien của EU và gây sức ép buộc EU phải nhập khẩu nông sản có nhiều nguy cơ gây hại với môi trường. Nếu những sản phẩm chất lượng của EU như rượu vang, phô mai, jambon, thậm chí cả ô tô sẽ được phép vào thị trường Mỹ thì cũng sẽ có một số thực phẩm của Mỹ được tiêu thụ tại thị trường châu Âu như thịt bò Mỹ được nuôi bằng hormone tăng trưởng, thịt gia cầm chứa clo và xử lý bằng hóa chất.

Greenpeace cáo buộc các nhà đàm phán Mỹ không những đang nỗ lực làm suy yếu các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường EU, mà còn đang đề xuất cho phép các công ty, tập đoàn đề đạt thỉnh nguyện thư để bãi bỏ quy định nếu nó gây nhiều rào cản và tác động đến thương mại. Các tài liệu cũng cho thấy người châu Âu cũng muốn thỏa hiệp với các tiêu chuẩn môi trường mới phù hợp với gợi ý của Mỹ. Năm ngoái, EU đã cho phép các nước thành viên tự quyết định nhập khẩu thực phẩm và thức ăn chăn nuôi biến đổi gien.

Báo NYT ngày 2-5 cho biết, giới chức thương mại Mỹ và EU, mặc dù không thể phủ nhận giá trị pháp lý của các tài liệu, nhưng đã khẳng định rằng có đến 2/3 văn bản trong tập tài liệu trên là những nội dung đàm phán mới nhất và chỉ phản ánh vị thế đàm phán của mỗi bên.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục